/ Trao đổi - Ý kiến
/ Các cơ quan xét xử hình sự của Cộng hòa Pháp

Các cơ quan xét xử hình sự của Cộng hòa Pháp

25/11/2024 14:43 |

(LSVN) - Các cơ quan xét xử hình sự của Cộng hòa Pháp bao gồm các cơ quan xét xử thông thường (Tòa Vi cảnh, Tòa Tiểu hình, Tòa Đại hình; và các cơ quan xét xử chuyên biệt (Tòa xét xử người chưa thành niên, Tòa án Chính trị, Tòa án Quân sự). Bài viết nhằm giới thiệu, phân tích và làm rõ về các cơ quan xét xử này.

1. Phân loại tội phạm và cơ quan điều tra của Tòa án

Để hiểu rõ về thẩm quyền của các cơ quan xét xử hình sự, trước hết cần tìm hiểu về việc phân loại tội phạm trong pháp luật hình sự và quy định về cơ quan điều tra của Tòa án trong pháp luật tố tụng hình sự Pháp .

Về phân loại tội phạm, pháp luật hình sự Pháp phân ra ba loại tội phạm:

Tội vi cảnh là những vi phạm hình sự nhẹ nhất. Các tội này có 5 khung hình phạt, từ khung 1 đến khung 4 là các mức phạt tiền, chủ yếu được áp dụng cho các hành vi vi phạm luật giao thông như đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ… khung 5 bao gồm phạt tiền (gấp đôi mức ở khung 4) và tước hoặc hạn chế một số quyền, như: Đình chỉ giấy phép lái xe đến một năm, rút giấy phép săn bắn, cấm không được phát hành séc,…

Tội tiểu hình (khinh tội), hình phạt đối với loại tội này bao gồm: Tù giam (từ 6 tháng đến 10 năm), phạt tiền, ngày phạt tiền (khi bị tù giam, người bị kết án có thể bị tuyên ngày phạt tiền - mỗi ngày phải nộp một số tiền nhất định trong tổng số tiền bị tuyên phạt), lao động công ích. Khi bị tù giam, người bị kết án còn có thể bị tuyên một hoặc nhiều hình phạt tước hoặc hạn chế các quyền theo quy định trong Bộ luật Hình sự.

Tội đại hình (trọng tội), hình phạt đối với loại tội này là phạt tù hoặc cải tạo giam giữ từ 10 năm đến 30 năm, cao nhất là phạt tù hoặc cải tạo giam giữ chung thân (Pháp đã bãi bỏ án tử hình theo luật ngày 09/10/1981).

Cơ quan điều tra của Tòa án:

Khi một hành vi tội phạm xảy ra, cơ quan cảnh sát (thuộc Bộ Nội vụ) và cơ quan quân cảnh (thuộc Bộ Quốc phòng) sẽ tiến hành điều tra sơ bộ. Các điều tra viên của hai cơ quan này đều thực hiện việc điều tra dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa sơ thẩm. Kết thúc điều tra sơ bộ, tùy từng trường hợp mà Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa sơ thẩm quyết định khởi tố vụ án (điều tra tại Tòa án) hoặc chuyển trực tiếp vụ án cho Tòa án xét xử. Việc điều tra tại Tòa án là bắt buộc đối với tội đại hình và tội phạm của người chưa thành niên. Điều tra tại Tòa được giao cho một Thẩm phán đặc trách về điều tra gọi là dự thẩm (là Thẩm phán xét xử của Tòa sơ thẩm chứ không phải là công tố viên ).

Đối với vụ án về tội tiểu hình hay tội vi cảnh, thông thường chỉ chuyển cho dự thẩm trong những trường hợp chưa xác định được kẻ phạm tội hoặc trường hợp điều tra vụ án sẽ phải kéo dài. Dự thẩm có quyền hạn rất rộng. Họ có thể tiến hành mọi hoạt động mà pháp luật cho phép để xác định sự thật của vụ án (bao gồm các chứng cứ buộc tội và gỡ tội). Trong quá trình điều tra dự thẩm có thể yêu cầu cảnh sát hình sự tham gia trên cơ sở ủy thác điều tra. Khi kết thúc cuộc điều tra, nếu dự thẩm thấy đã đầy đủ chứng cứ thì phải thông báo cho bị can biết có thời hạn 20 ngày để khiếu nại lên Tòa Luận tội hoặc yêu cầu thực hiện những hành vi điều tra bổ sung nếu họ thấy cần thiết. Hết thời hạn này, hồ sơ vụ án được chuyển cho Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh tòa sơ thẩm. Nếu thấy đã đầy đủ chứng cứ, Viện trưởng Viện Công tố sẽ ra quyết định truy tố và yêu cầu dự thẩm chuyển vụ án cho Tòa án xét xử. Khi nhận được quyết định truy tố, dự thẩm sẽ ra lệnh kết thúc điều tra và chuyển vụ án cho Tòa tiểu hình hoặc Tòa vi cảnh xét xử. Trong trường hợp hành vi phạm tội thuộc loại tội đại hình, dự thẩm sẽ ra một quyết định đặc biệt: Quyết định chuyển hồ sơ cho Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh tòa sơ thẩm. Sau đó, Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa sơ thẩm giao hồ sơ cho Tòa Luận tội tại Tòa Phúc thẩm .

Tòa Luận tội là một phân tòa của Tòa Phúc thẩm, gồm một Chánh tòa và hai Thẩm phán. Đại diện Viện Công tố tại phân tòa này là Viện trưởng, các Phó Viện trưởng hoặc các công tố viên Viện Công tố bên cạnh Tòa Phúc thẩm. Tòa Luận tội có vai trò như cơ quan điều tra cấp hai trong trường hợp tội đại hình. Sau khi điều tra xong, theo yêu cầu của Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa Phúc thẩm, Tòa Luận tội quyết định đưa bị can ra Tòa Đại hình xét xử hoặc quyết định miễn tố. Đối với những vụ án hình sự khác, Tòa Luận tội có vai trò giám sát quá trình điều tra của dự thẩm (giải quyết những khiếu nại đối với các quyết định liên quan đến việc giam giữ hay trả tự do cho bị can; giải quyết những yêu cầu vô hiệu hóa những văn bản hoặc những văn bản tố tụng nói chung của dự thẩm, chẳng hạn người bị tạm giam khẳng định dự thẩm khám xét không theo những thủ tục thông thường, không tôn trọng một nguyên tắc tố tụng nào đó, nên gửi đơn yêu cầu Tòa Luận tội hủy những văn bản đó).  

Đã có một dự luật nhằm bãi bỏ vai trò của Thẩm phán điều tra (dự thẩm ), và chuyển việc khởi tố điều tra cho Viện Công tố với lý do là Thẩm phán điều tra được trao quá nhiều quyền quan trọng. Tuy nhiên, dự luật này gặp phải nhiều phản đối vì Thẩm phán điều tra là một Thẩm phán độc lập, khác hẳn với công tố viên.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2. Các cơ quan xét xử thông thường

Tòa Vi cảnh: Xét xử các tội vi cảnh. Việc xét xử do một Thẩm phán của Tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp thực hiện. Về nguyên tắc, mỗi quận có một tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp.

Tòa Tiểu hình: Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng xét xử các vụ án về tội tiểu hình. Thông thường Hội đồng xét xử của Tòa Tiểu hình gồm ba Thẩm phán. Nhưng đối với một số loại tội phạm được pháp luật quy định, vụ án sẽ do một Thẩm phán duy nhất xét xử. Ngày nay, danh sách những loại tội này ngày càng được bổ sung và được ghi rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về nguyên tắc, mỗi tỉnh có một Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng, cũng có nghĩa là có một Tòa tiểu hình. Ở những tỉnh đông dân thì có vài Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng. Đã có một đạo luật quy định đưa hai công dân với vai trò hội thẩm cùng với ba Thẩm phán xét xử những vụ khinh tội nghiêm trọng nhất như tội xâm phạm đến con người và bạo lực tình dục, nhưng không áp dụng đối với các khinh tội về tài chính hay buôn bán ma túy. Những quy định này hiện đang áp dụng thử nghiệm ở một số tòa tiểu hình.

Tòa Đại hình: Xét xử các vụ án thuộc loại trọng tội. Tòa Đại hình là một tòa rất độc đáo, được tổ chức ở các tỉnh nhưng không phải là một cơ quan xét xử thường trực. Thực chất đây là các phiên Tòa Đại hình ở các tỉnh, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì các phiên Tòa Đại hình ở các tỉnh được tổ chức ba tháng một lần.

Ngoại lệ, Paris có một Tòa Đại hình gồm ba ban, tổ chức xét xử thường xuyên. Hội đồng xét xử của Tòa Đại hình gồm Thẩm phán và đoàn bồi thẩm. Chủ tọa phiên Tòa Đại hình thường là một Chánh tòa của Tòa Phúc thẩm, nhưng cũng có thể là một Thẩm phán của Tòa Phúc thẩm. Hai Thẩm phán khác của phiên Tòa Đại hình có thể là Thẩm phán của Tòa Phúc thẩm, đôi khi là Thẩm phán của Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng. Đoàn bồi thẩm của Tòa Đại hình là một chế định du nhập từ Anh. Lúc đầu, Đoàn bồi thẩm gồm 12 thành viên; sau đó, từ 1959 giảm xuống còn 9 thành viên và theo luật ngày 10/8/2011 giảm xuống còn 6 thành viên. Đã có một dự luật nhằm tổ chức song song một thủ tục đơn giản hơn để xét xử các vụ trọng tội có hình phạt 15 hay 20 năm tù (ngoại trừ các tội buôn bán ma túy và các tội gắn liền với chủ nghĩa khủng bố), với điều kiện bị cáo không phải là kẻ tái phạm; bồi thẩm đoàn chỉ có hai thành viên và thời hạn xét xử được rút ngắn lại .

Hàng năm, các tỉnh tổ chức rút thăm từ danh sách cử tri để lập danh sách 40 thành viên. Từ danh sách này, vào mỗi phiên tòa Chánh án Tòa Đại hình sẽ rút thăm 9 tên người (trong đó 3 người dự khuyết, để phòng khi bị cáo và viện Công tố yêu cầu thay đổi, mà theo quy định của pháp luật họ không phải nêu lý do yêu cầu thay đổi). Khi Tòa Đại hình xét xử một vụ án về tội khủng bố hay buôn bán ma túy, thì không có các bồi thẩm để tránh việc họ có thể bị đe dọa hay trả thù. Trước 1941, đoàn bồi thẩm chỉ phát biểu ý kiến về các tình tiết của vụ án và về áp dụng hình phạt. Nhưng từ 1941, nguyên tắc xét xử tập thể được áp dụng tuyệt đối: Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán cùng tham gia xét xử về sự việc, các vấn đề pháp luật cũng như quyết định mức hình phạt (bồi thẩm đoàn ngang quyền với Thẩm phán).

Trước đây, bản án của Tòa Đại hình không thể bị kháng cáo theo trình tự phúc thẩm (chỉ được kháng cáo phá án về việc áp dụng pháp luật). Lý do là đối với trọng tội, vụ án đã qua hai cấp điều tra: Điều tra của dự thẩm và điều tra của Tòa Luận tội và hơn nữa không một Tòa án nào có thể bác bỏ quyết định của bồi thẩm đoàn đại diện cho quyền tối cao của nhân dân. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của Công ước Châu Âu về quyền con người, một đạo luật được thông qua vào năm 2000 cho phép kháng cáo phúc thẩm đối với bản án của Tòa Đại hình. Việc phúc thẩm này được giao cho một Tòa Đại hình khác (không cao hơn Tòa Đại hình đầu tiên về mặt thứ bậc), với đoàn bồi thẩm gồm 9 thành viên. Cùng với việc này, việc điều tra của Tòa Luận tội được bãi bỏ (Tòa Luận tội chỉ còn vai trò giám sát hoạt động điều tra của dự thẩm).

Một vấn đề khác của Tòa Đại hình là các bản án của tòa đều không nêu rõ các căn cứ và các lý do, vì các vấn đề của vụ án đều được các thành viên tham gia xét xử trả lời các câu hỏi của vụ án bằng việc bỏ phiếu kín (các câu hỏi chính xác về hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ…). Nhưng mới đây, theo quyết định của Hội đồng bảo hiến (Tòa hiến pháp ), Chánh án Tòa Đại hình phải làm một văn bản nêu ra các căn cứ và lý do mà tòa tòa đã tuyên bản án .

Tòa Phúc thẩm: Ngoài Tòa Phúc thẩm đại hình như nêu ở trên, Pháp có 30 Tòa Phúc thẩm trong nước và 3 Tòa Phúc thẩm ở các tỉnh hải ngoại. Tòa Phúc thẩm xét xử các quyết định, bản án của Tòa vi cảnh và Tòa tiểu hình .

Tòa Phá án: Tòa Phá án là cơ quan xét xử cao nhất trong ngạch tư pháp. Ở Pháp chỉ có duy nhất một Tòa Phá án. Tòa Phá án có 6 Tòa chuyên trách trong đó có 1 Tòa hình sự.  Tòa Phá án có vai trò giám sát việc tuân thủ pháp luật của các Tòa án cấp dưới và thống nhất việc giải thích quy phạm pháp luật trong việc xét xử . Tòa Phá án không phải là cấp xét xử thứ ba nên chỉ xem xét lại vụ án về việc áp dụng pháp luật mà không xem xét về nội dung và tình tiết của vụ án. Do đó, khi xem xét một vụ án bị kháng cáo (hoặc kháng nghị) giám đốc thẩm, Tòa Phá án chỉ ra một trong hai quyết định:

- Bác kháng cáo (kháng nghị).

- Chấp nhận kháng cáo (kháng nghị ), hủy một phần hoặc toàn bộ bản án bị kháng cáo (kháng nghị) và giao cho một Tòa Phúc thẩm khác nào đó (không phải Tòa Phúc thẩm đã ra bản án phúc thẩm bị kháng cáo (kháng nghị) xét xử lại vụ án.

3. Các cơ quan xét xử chuyên biệt

Tòa xét xử người chưa thành niên:

- Cơ quan xét xử chuyên biệt thứ nhất là Thẩm phán đặc trách giải quyết các vụ việc người chưa thành niên. Thẩm phán này có thể tự mình điều tra và sau đó, tự mình xét xử. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Thẩm phán đặc trách người chưa thành niên không được tuyên một hình phạt thực sự đối với người chưa thành niên mà chỉ có thể đưa ra những biện pháp, như đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng,cảnh cáo, giao cho cha mẹ quản lý.

- Cơ quan xét xử chuyên biệt thứ hai là Tòa án người chưa thành niên. Khi thấy cần có một hình phạt đối với người chưa thành niên (từ 13 đến 16 tuổi), Thẩm phán đặc trách người chưa thành niên phải chuyển vụ án cho Tòa án người chưa thành niên. Hội đồng xét xử người chưa thành niên là một Thẩm phán đặc trách người chưa thành niên (là Thẩm phán của tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng) và hai hội thẩm là những người quan tâm đến trẻ em.

- Cơ quan xét xử chuyên biệt thứ ba là Tòa Đại hình người chưa thành niên, có thẩm quyền xét xử các trọng tội của người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tòa này có cơ cấu như sau: Chánh tòa là một Thẩm phán của Tòa Phúc thẩm, hai hội thẩm là Thẩm phán đặc trách người chưa thành niên và Đoàn bồi thẩm 6 người như Tòa Đại hình thông thường.

- Cơ quan xét xử chuyên biệt cuối cùng đối với người chưa thành niên là cơ quan xét xử phúc thẩm. Đây là một phân tòa đặc biêt của Tòa Phúc thẩm. Phân tòa này sẽ xét xử phúc thẩm các quyết định của Thẩm phán đặc trách người chưa thành niên.

Tòa án chính trị

Tòa án thứ nhất là Tòa án Công lý tối cao (Haute Cour de Justice) có thẩm quyền xét xử Tổng thống phạm tội đại phản quốc. Tòa này gồm 24 Thẩm phán chính thức và 12 Thẩm phán dự khuyết là các Hạ nghị sĩ và các Thượng nghị sĩ do Hạ nghị viện và Thượng nghị viện bầu với số lượng ngang nhau.

Tòa án thứ hai là Tòa án Công lý cộng hòa. Tòa án Công lý cộng hòa có thẩm quyền xét xử thành viên Chính phủ (Thủ tướng, Bộ trưởng) phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Tòa án Công lý cộng hòa gồm 15 Thẩm phán, trong đó 12 người là thành viên của Nghị viện, một nửa do Hạ nghị viện bầu trong số các Hạ nghị sĩ, một nửa do Thượng nghị viện bầu trong số các Thượng nghị sĩ, 3 người là Thẩm phán xét xử của Tòa Phá án, một trong ba Thẩm phán này sẽ làm Chánh án Tòa án Công lý cộng hòa.

Tòa án Quân sự

Trong thời bình, các hành vi phạm tội của quân nhân dù là phạm các tội thông thường hay hoàn toàn mang tính chất quân sự, đều do các phân tòa chuyên biệt của tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng xét xử. Tòa Đại hình về quân sự có cơ cấu đặc biệt là không có bồi thẩm đoàn mà chỉ gồm 7 Thẩm phán chuyên nghiệp.

Ngoài việc “Tòa án thường” xét xử quân nhân như trên, còn có ba ngoại lệ: Thứ nhất có thể thiết lập các Tòa án quân sự bên cạnh lực lượng vũ trang Pháp đóng ngoài lãnh thổ; thứ hai, ở Paris có một Tòa quân sự riêng chỉ có thẩm quyền xét xử các binh sĩ phạm tội ở nước ngoài; thứ ba, trong những trường hợp đặc biệt,trường hợp khẩn cấp hoặc giới nghiêm, Chính phủ có thể ra Nghị định thành lập các Tòa án Quân sự khu vực trên lãnh thổ Pháp.

Kết luận

Tổ chức và thẩm quyền của các cơ quan xét xử hình sự của Cộng hòa Pháp có nhiều điểm rất khác biệt với các Tòa án ở nước ta. Tuy nhiên, có những điểm rất đáng chú ý tham khảo:

Thứ nhất là việc mở rộng các loại vụ án tiểu hình (khinh tội) chỉ do một Thẩm phán xét xử.

Thứ hai là ở Pháp chỉ duy nhất có một Tòa Phá án có vai trò thông qua việc xét xử hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn quốc. Ở nước ta ngoài Tòa án nhân dân Tối cao thì ba Tòa án nhân dân Cấp cao cũng có thẩm quyền giám đốc thẩm (phá án).

Thứ ba là tổ chức và thẩm quyền của Tòa án xét xử người chưa thành niên.

Thứ tư là thẩm quyền xét xử quân nhân nhân phạm tội.

Tài liệu tham khảo:

1. Nhà pháp luật Việt – Pháp, Tố tụng hình sự và vai trò của Viện Công tố trong tố tụng hình sự, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 1997.

2. Hiến pháp Cộng hòa Pháp năm 1958, bổ sung năm 2000 (tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, NXB Thống kê, Hà Nội - 2009).

3. Bộ luật Hình sự cộng hòa Pháp sửa đổi ngày 23/7/1992.

4. Nhà pháp luật Việt – Pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự của nước cộng hòa Pháp, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội - 1998.

5. Bà Marie – Christine DENOIX de SAINT MARC, Phó Chánh án danh dự Tòa sơ thẩm thẩm quyền rộng Paris – Tổ chức tư pháp và hành chính của Cộng hòa Pháp (bài trình bày cho đoàn Thẩm phán Việt Nam tại trường Thẩm phán quốc gia Pháp, tháng 02/2012).

   

         

NGÔ CƯỜNG

Các tin khác