Các loại tranh chấp thương mại: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

07/08/2022 12:50 | 1 năm trước

(LSVN) -  Bất kỳ quan hệ xã hội nào đều có thể xảy ra những mâu thuẫn hay xung đột giữa các bên. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, các quan hệ thương mại có xu hướng đa dạng và phức tạp hơn khiến cho số lượng những tranh chấp thương mại cũng gia tăng. Hiện nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể nào chỉ rõ có tất cả bao nhiêu loại tranh chấp thương mại. Mỗi loại tranh chấp thương mại đều có những đặc điểm, tính chất riêng, có sự liên quan về tư cách pháp lý của chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ cũng như quá trình thực hiện hoạt động thương mại,… Phân loại tranh chấp thương mại là cơ sở để đơn giản hóa và phân biệt những nhóm, những đối tượng có đặc điểm tương tự nhau, cần thiết phải có điều luật chính thức phân loại tranh chấp thương mại.

Ảnh minh họa. 

Việc hiểu rõ “tranh chấp thương mại” là gì đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại các tranh chấp thương mại, bởi tùy theo cách hiểu về “tranh chấp thương mại” mà sẽ có những loại tranh chấp thương mại tương ứng.

Khái niệm cụ thể về “tranh chấp thương mại” lần đầu tiên được pháp luật Việt Nam đề cập đến tại Luật Thương mại năm 1997. Cụ thể, Điều 238 Luật Thương mại năm 1997 quy định: Tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại. Từ cách hiểu này, có thể phân loại tranh chấp thương mại chủ yếu xoay quanh ba nhóm thuộc hoạt động thương mại: hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại. Có thể thấy, ngay tại thời điểm ra đời, việc “đóng khung”, bó hẹp phạm vi của hoạt động thương mại đã khiến việc phân chia các loại tranh chấp thương mại bị ảnh hưởng. Dựa vào quy định này, Luật Thương mại năm 1997 đã bỏ qua rất nhiều những tranh chấp thương mại khác trên thực tế, gây ra sự xung đột pháp luật cũng như làm ảnh hưởng, cản trở quá trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam tại thời điểm đó. Lần lượt từ Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 và Luật Thương mại năm 2005, các nhà làm luật đã không còn trực tiếp đưa ra định nghĩa về tranh chấp thương mại mà chỉ tập trung nghiên cứu và phát triển về “hoạt động thương mại”. Song, dựa vào sự phát triển của định nghĩa “hoạt động thương mại”, có thể thấy các loại tranh chấp thương mại cũng đã được mở rộng hơn so với khi Luật Thương mại năm 1997 còn hiệu lực.

Dưới góc độ thuật ngữ pháp lý, tranh chấp thương mại là tranh chấp phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng trong hoạt động thương mại. Dưới góc độ này thì tranh chấp thương mại thực chất là tranh chấp hợp đồng - đây là các tranh chấp tài sản phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại và luôn thuộc quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp.

Tranh chấp thương mại chủ yếu là tranh chấp giữa các thương nhân có liên quan đến quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, không phải trường hợp tranh chấp thương mại nào cũng có chủ thể là thương nhân. Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại năm 2005, phạm vi điều chỉnh của Luật này áp dụng đối với cả hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này. Do vậy, ngoài thương nhân thì trong những trường hợp nhất định, các cá nhân, tổ chức khác không phải thương nhân cũng có thể là chủ thể của tranh chấp thương mại khi trong giao dịch các bên không có mục đích sinh lợi chọn áp dụng Luật Thương mại. Nếu như quan hệ thương mại là điều kiện cần để tranh chấp thương mại phát sinh thì vấn đề bất đồng giữa các bên trong quan hệ này đóng vai trò quan trọng, là điều kiện đủ để tranh chấp thương mại có thể phát sinh trên thực tế. Mục đích của các bên khi tham gia vào hoạt động thương mại hầu hết là vì lợi ích kinh tế. Do đó, khi các bên có sự bất đồng, mâu thuẫn trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ, một trong các bên nhận thấy quyền và lợi ích của mình không tương xứng thì ắt sẽ xảy ra tranh chấp thương mại, căn cứ để phát sinh tranh chấp thương mại là hành vi vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật.

Tranh chấp thương mại có thể dựa vào tính chất để chia thành các loại tranh chấp khác nhau.

Thứ nhất, căn cứ theo phạm vi lãnh thổ, tranh chấp thương mại bao gồm tranh chấp thương mại trong nước và tranh chấp thương mại quốc tế.

Thứ hai, căn cứ vào số lượng các bên tranh chấp trong tranh chấp thương mại, bao gồm tranh chấp thương mại hai bên và tranh chấp thương mại nhiều bên.

Thứ ba, căn cứ vào lĩnh vực tranh chấp, tranh chấp thương mại gồm tranh chấp liên quan đến hợp đồng, tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đầu tư, tài chính,…

Thứ tư, căn cứ vào quá trình thực hiện, tranh chấp thương mại bao gồm tranh chấp trong quá trình đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng và tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Thứ năm, căn cứ vào thời điểm phát sinh tranh chấp, tranh chấp thương mại bao gồm tranh chấp thương mại hiện tại và tranh chấp thương mại trong tương lai.

Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, các tranh chấp thương mại có thể phân thành năm loại: (1) tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; (2) tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; (3) tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty; (4) tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty; (5) các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể nào chỉ rõ có tất cả bao nhiêu loại tranh chấp thương mại. Sở dĩ chúng ta phân chia được thành các loại tranh chấp thương mại như trên là nhờ vào các quy định pháp luật có liên quan cũng như lĩnh vực, tính chất của hoạt động thương mại đó. Việc phân chia này chưa bảo đảm được hiệu quả thực tiễn, chưa đầy đủ các loại tranh chấp thương mại có thể sẽ phát sinh. Mỗi loại tranh chấp thương mại đều có những đặc điểm, tính chất riêng, có sự liên quan về tư cách pháp lý của chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ cũng như quá trình thực hiện hoạt động thương mại,… Phân loại tranh chấp thương mại là cơ sở để đơn giản hóa và phân biệt những nhóm, những đối tượng có đặc điểm tương tự nhau, cần thiết phải có điều luật chính thức phân loại tranh chấp thương mại. Tuy có khác nhau về chủ thể và mục đích tham gia giao dịch nhưng các tranh chấp thương mại vẫn rất dễ nhầm với các tranh chấp dân sự thông thường trong cùng lĩnh vực. Cùng là vấn đề mua bán hàng hóa, nếu hai công ty ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa để nhằm mục đích sinh lợi, khi xảy ra tranh chấp sẽ gọi là tranh chấp thương mại. Còn nếu là việc ký kết hợp đồng mua bán giữa công ty và cá nhân không phải là thương nhân, không nhằm mục đích sinh lợi và cá nhân không phải là thương nhân không lựa chọn Luật Thương mại áp dụng, khi xảy ra tranh chấp thì đây sẽ thuộc tranh chấp dân sự. Rõ ràng, khi thuộc các tranh chấp khác nhau thì các vấn đề liên quan đến thủ tục, trình tự, quyền và nghĩa vụ các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp cũng sẽ khác nhau. Sự khác biệt có thể đến từ loại hình giải quyết tranh chấp. Phương thức trọng tài sẽ được áp dụng nếu các bên chủ thể tranh chấp thương mại lựa chọn, trong khi rất hiếm trường hợp các bên trong tranh chấp dân sự lựa chọn áp dụng phương thức trọng tài. Nhận diện đúng loại tranh chấp còn có ý nghĩa để xác định thẩm quyền của tòa án theo cấp huyện hay cấp tỉnh. Đối với tranh chấp trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận sẽ liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Điều này cũng rất dễ nhầm lẫn với tranh chấp dân sự trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ - tranh chấp có liên quan tới việc bảo vệ quyền tác giả phát sinh ngoài hợp đồng.

Tuy nhiên, sự cần thiết để ban hành điều luật phân loại các tranh chấp thương mại không thôi là chưa đủ. Việc quy định rõ ràng về đặc điểm, tính chất của các tranh chấp thương mại sau khi đã được phân loại cũng rất quan trọng. Phân loại tranh chấp thương mại với tranh chấp dân sự đã khó, nay để phân loại tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài và tranh chấp thương mại không có yếu tố nước ngoài còn khó hơn - đây là thực tế vẫn đang tồn tại. Tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài là tranh chấp thương mại có ít nhất một trong ba yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể, mặt khách thể hoặc mặt sự kiện pháp lý. Chỉ cần đáp ứng được một trong ba mặt trên có sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài thì sẽ xác định được có phải tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài hay không. Trên thực tế, thường xảy ra các trường hợp có những tranh chấp chỉ có yếu tố nước ngoài về một trong các mặt như chủ thể, khách thể, sự kiện pháp lý; hoặc, có yếu tố nước ngoài cả về mặt chủ thể và khách thể; hoặc, có yếu tố nước ngoài cả về mặt chủ thể và sự kiện pháp lý; hoặc, có yếu tố nước ngoài cả về mặt khách thể và mặt sự kiện pháp lý; hoặc, có yếu tố nước ngoài cả về mặt chủ thể, khách thể và sự kiện pháp lý. Yếu tố nước ngoài có trong tranh chấp làm cho việc giải quyết tranh chấp có nhiều sự khác biệt so với việc giải quyết các tranh chấp không có yếu tố nước ngoài. Đó là việc xác định thẩm quyền tòa án và trọng tài có thể thuộc tòa án và trọng tài của các quốc gia khác nhau.

Những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới nói chung đều có sự sụt giảm thì kinh tế Việt Nam được đánh giá ngày càng khởi sắc, vươn lên trong nghịch cảnh và đang trên đà hội nhập sâu với thế giới. Đi kèm với sự phát triển là những tranh chấp, rủi ro không thể lường trước được trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh doanh, thương mại. Bên cạnh những vụ tranh chấp kinh tế có tính chất đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì cũng có những vụ tranh chấp mang tính chất phức tạp do có yếu tố nước ngoài (công ty ở nước ngoài, người đại diện pháp lý là người nước ngoài…). Việc thực hiện các ủy thác tư pháp đến các cơ quan lãnh sự quán tại nước ngoài khiến vụ án gặp khó khăn, thời gian bị kéo dài. Quy định về cách ly, giãn cách xã hội cũng khiến nhiều trường hợp không thể ủy thác tư pháp trong một thời gian dài, các quy định pháp luật còn chồng chéo, có sự điều chỉnh liên tục nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết. Do đặc thù của một số hoạt động thương mại phức tạp (ví dụ hoạt động thương mại liên quan đến xây dựng) khiến cho những tranh chấp kinh doanh, thương mại trở thành loại án khó giải quyết nhất, bởi trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại đó thường phát sinh nhiều thay đổi, rủi ro mà cả hai bên đều không lường trước được. Trong khi đó, hợp đồng liên quan thường là hợp đồng mở, không có nhiều điều khoản rõ ràng để buộc các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách chặt chẽ. Do sự phân loại tranh chấp thương mại, thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại đa phần thuộc về tòa án nhân dân cấp huyện. Một số trường hợp cấp huyện giải quyết rất tốt và bài bản theo quy định pháp luật, nhưng như đã phân tích ở trên, đặc thù của hoạt động thương mại có liên quan tới một số vấn đề lại rất phức tạp, ngoài lĩnh vực xây dựng còn có thể là lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Trong những tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng, các vụ tranh chấp thường phức tạp và gây khó khăn cho thẩm phán, nhất là khi tài sản thế chấp liên quan đến quyền lợi của người thứ ba. Không ít những cá nhân, doanh nghiệp sau khi thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng đã bán đất bằng giấy tay cho người dân. Hoặc có trường hợp đã phân lô bán đất cho nhiều người dân ở ổn định nhưng “sổ đỏ” vẫn đứng tên chủ cũ và khi cần tiền chủ cũ đã đem đi thế chấp ngân hàng.

Dựa vào các loại tranh chấp thương mại, các bên có thể được lựa chọn phương thức giải quyết một cách hợp lý. Theo quy định pháp luật, các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm: thương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài. Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào. Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước được tòa án thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của trọng tài viên với kết quả cuối cùng là phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện. Tùy vào từng phương thức giải quyết tranh chấp thương mại sẽ mang những đặc điểm, tính chất cũng như ưu, nhược điểm khác nhau. Với sự phát triển của xã hội, trọng tài thương mại quốc tế được các chuyên gia kinh tế đánh giá là phương thức giải quyết tranh chấp trong tương lai với nhiều ưu điểm nổi trội. Do vậy, Việt Nam muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới một cách nhanh chóng và bền vững thì phải không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về trọng tài nói riêng cho phù hợp với xu thế phát triển chung. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước cũng cần có hành động cụ thể nhằm hỗ trợ cơ chế cho hoạt động này. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài cũng cần đến cơ chế phối hợp từ các cơ quan nhà nước, trực tiếp là hệ thống tòa án, đặc biệt trong việc cưỡng chế thi hành phán quyết cũng như công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài. Hiệu quả hoạt động của trọng tài còn phụ thuộc vào thái độ của các chủ thể kinh doanh. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trọng tài cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp hiểu hơn về bản chất và ưu thế của trọng tài thương mại, từ đó tạo điều kiện cho cơ chế này ngày càng phát triển. Các trung tâm trọng tài cũng phải có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ trọng tài viên, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Đặc biệt, công tác nghiên cứu và giảng dạy pháp luật trọng tài là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của mô hình.

Đối với phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án, để giải quyết án kinh doanh, thương mại đạt hiệu quả cao, đòi hỏi lực lượng thẩm phán, thư ký phải luôn trau dồi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức, nâng cao công tác nghiệp vụ. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức phải luôn cẩn trọng khi ký hợp đồng và trong quá trình thực hiện các loại hợp đồng giao dịch để tránh những mâu thuẫn, rủi ro không đáng có. Việc giải quyết có hiệu quả các tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại tại tòa mang ý nghĩa quan trọng khi không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh. Như vậy, việc có cơ chế pháp lý rõ ràng về các loại tranh chấp thương mại là vấn đề cấp thiết hiện nay, để các hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại được thúc đẩy, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng cho các chủ thể tham gia các quan hệ kinh tế, hỗ trợ công tác giải quyết tranh chấp thương mại bằng các biện pháp theo luật định.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Thương mại năm 1997.

2. Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003.

3. Luật Thương mại năm 2005.

4. Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

5. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Luật sư HOÀNG TÙNG

Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự