/ Kinh tế - Pháp luật
/ Cần đưa ra quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp tham dự thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021

Cần đưa ra quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp tham dự thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Theo kế hoạch, Cục Dự trữ nhà nước sẽ tổ chức mở thầu các gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021. Tuy nhiên, nhiều lo ngại đặt ra về các quy định trong việc đánh giá năng lực nhà thầu chưa được làm rõ sẽ làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh công bằng trong đấu thầu.

Công văn số 1972/TCDT-QLHDT về đánh giá uy tín của nhà thầu trong công tác mua hàng dự trữ quốc gia. 

Trước đó, tại báo cáo số 5347/BKHĐT-QLĐT, ngày 17/8/2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đã trả lời về kết quả rà soát khó khăn vướng mắc trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia. Đồng thời, chỉ rõ cho Bộ Tài chính và Tổng cục Dự trữ nhà nước (DTNN) giải quyết các vướng mắc để đảm bảo sự ràng buộc cũng như lợi ích kinh tế của các nhà thầu.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính lập cơ sở dữ liệu về nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Trong đó, những nhà thầu từ trước đến nay tuân thủ đúng quyết định trúng thầu, hợp đồng (giao hàng đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, số lượng...) được ưu tiên khi tham dự thầu các gói thầu này. Đối với các nhà thầu trúng thầu nhưng không ký hợp đồng hoặc thường xuyên vi phạm nghiêm trọng các điều kiện hợp đồng thì sẽ bị đánh giá về uy tín, tùy theo mức độ vi phạm mà bị đánh giá không đạt hoặc bị đánh giá uy tín thấp khi tham dự các gói thầu tương tự...

Ngoài ra, chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện theo đúng các quy định trong hợp đồng đã ký với nhà thầu, bao gồm: tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu, phạt hợp đồng với nhà thầu, gửi danh sách nhà thầu vi phạm đến Bộ KH&ĐT để xem xét, đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Ngoài ra, trong 3-5 năm, kể cả trường hợp nhà thầu không bị cấm tham dự thầu nhưng khi nhà thầu tham dự các gói thầu khác thì nhà thầu sẽ bị loại do có lịch sử hợp đồng không hoàn thành vì bị chấm dứt hợp đồng trước đó (quy định tại Mục 2 Chương III các Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT).

Theo Bộ KH&ĐT, các quy định hiện hành đã tương đối đầy đủ, có sức răn đe và không cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu. Việc quy định mức bảo đảm dự thầu như hiện nay tại Luật Đấu thầu là theo thông lệ quốc tế. Các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á… cũng đều quy định thông thường ở mức tối đa 2% giá gói thầu.

Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính và các Cục DTNN khu vực thực hiện các quy định và giải pháp trên để tăng trách nhiệm ràng buộc với nhà thầu và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm hợp đồng hoặc không ký hợp đồng.

Đối chiếu với quy định mới về chấm điểm nhà thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ năm nay, nhiều người cho rằng, các Cục DTNN khu vực đã nhầm lẫn trong việc thực hiện báo cáo của Bộ KH&ĐT.

Theo các nhà thầu, nội dung quy định chấm điểm uy tín của nhà thầu như trong HSMT đã làm bất lợi cho doanh nghiệp tham gia bán gạo cho các Cục DTNN khu vực; có yếu tố làm lợi cho một số nhà thầu mới tham gia đấu thầu bán gạo cho Cục DTNN khu vực, không phải là lựa chọn nhà thầu có uy tín để mua gạo mà hạn chế và loại một số doanh nghiệp không cho trúng thầu…?.

Được biết, một số Cục DTNN đang căn cứ vào điều 89 và điều 90 của Luật Đấu thầu và văn bản số 5347/BKHĐT-QLĐT ngày 17/8/2020 của Bộ KH&ĐT.

Điều 89 và Điều 90 của Luật Đấu thầu quy định các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm về đấu thầu cũng như tại Điều 121 và Điều 122 tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu lựa chọn nhà thầu đều không quy định nếu nhà thầu trúng thầu mà không đến thương thảo ký hợp đồng là hành vi vi phạm bị cấm và xử lý vi phạm trong đấu thầu.

Việc căn cứ văn bản số 5347/BKHĐT-QLĐT ngày 17/8/2020 của Bộ KH&ĐT báo cáo Văn phòng chính phủ đã đề xuất với Bộ Tài chính về một số giải pháp đấu thầu mua gạo nhập kho DTQG có phải là văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện trong đấu thầu mua bán hàng hóa không?

Cũng xin được nói thêm, trong giai đoạn 2016-2020, có 26/28 nhà thầu bị nêu tên do từng trúng thầu nhưng từ chối ký hoặc không thực hiện hợp đồng mua gạo dự trữ quốc gia sẽ bị trừ điểm khi tham gia các gói thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021.

Thực tế, các nhà thầu trúng thầu nhưng không ký kết hợp đồng hoặc đã ký kết hợp đồng nhưng không thực hiện, đều đã phải chịu mức phí phạt theo phần trăm giá trị gói thầu theo quy định. Bởi vậy, việc trừ điểm nhà thầu với nhiều người là không khách quan và không dựa trên cơ sở pháp lý?

Trước đó, ngày 12/5/2020, 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã tổ chức đấu thầu đợt 2 mua 182.300 tấn gạo dự trữ quốc gia. Việc mở thầu lần này được tổ chức do trước đó có 24 doanh nghiệp trúng thầu cung ứng gạo dự trữ quốc gia nhưng từ chối thực hiện theo cam kết.

Kết quả, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội đã tiếp nhận 23 bộ hồ sơ của 10 nhà thầu tham gia bán số gạo 9.000 tấn cho cơ quan dự trữ. Đáng chú ý, có 3/10 doanh nghiệp đã trúng thầu đợt 1 nhưng từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo.

Ở thời điểm đó, trả lời báo chí, một lãnh đạo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: Về nguyên tắc, doanh nghiệp đấu thầu gạo, khi trúng thầu và chưa ký hợp đồng vì nhiều lý do khác nhau mà không bán gạo cho Dự trữ Nhà nước, sẽ chỉ bị tịch thu tiền bảo đảm thầu. Nếu ký rồi mà không thực hiện thì bị phạt thu phí thực hiện hợp đồng và trong 3 đến 5 năm không được tham gia đầu thầu. Đối với 3 doanh nghiệp nói trên, đợt đấu thầu lần 1 mới đang thương thảo nhưng chưa ký nên theo luật vẫn được đấu thầu lại.

Được biết, ngày 05/3, các Cục DTNN khu vực sẽ đóng/mở thầu lần 1 mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mới nói trên có giải quyết dứt điểm được các bất cập, giúp doanh nghiệp có trách nhiệm hơn và tránh thiệt hại cho nhà nước.

Trong Văn bản số 8464/VPCP-CN ngày 09/10/2020 về việc vướng mắc cơ chế, chính sách trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo và kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 5347/BKHĐT - QLĐT ngày 17 tháng 8 năm 2020 về việc giải pháp về đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo như sau:

1. Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản nêu trên, tổ chức thực hiện công tác mua gạo dự trữ quốc gia theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, tăng cường trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiên những trường hợp cố tình vi phạm hợp đồng hoặc không ký hợp đồng để bảo đảm kịp thời, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí trong thu mua gạo dữ trữ quốc gia.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa chính sách pháp luật về đấu thầu cũng như tiếp thu các ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các đơn vị khác trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu thầu trên cơ sở tuân thủ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy định của các pháp luật khác có liên quan cũng như bảo đảm có đủ cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn.

Tuy nhiên, đến nay hai Bộ trên đã có những biện pháp gì để đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong đấu thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu khi ngày 05/3 tới các Cục DTNN khu vực sẽ đóng/mở thầu lần 1 mua gạo dự trữ quốc gia năm 2021.

HẠ DU

Dự thảo chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế

Lê Minh Hoàng