/ Trao đổi - Ý kiến
/ Cần hoàn thiện một số quy định về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

Cần hoàn thiện một số quy định về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

19/02/2022 14:07 |

(LSVN) - Trước tình hình đấu tranh phòng chống tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, việc định tội danh chính xác đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội là rất quan trọng. Bởi vì, việc định tội danh đúng sẽ giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và áp dụng hình phạt phát huy được mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội trở thành công dân có ích cho xã hội.

Qua thực tiễn áp dụng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tác giả thấy rằng đây là tội có tính truyền thống nên các dấu hiệu pháp lý ít thay đổi, các yếu tố cấu thành tội phạm dễ gây nhầm lẫn với các tội danh khác. Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, mặc dù bản chất pháp lý của hành vi không thay đổi nhưng các hình thức và thủ đoạn đã có sự thay đổi nên cần phải có sự nghiên cứu điều chỉnh lại các dấu hiệu pháp lý để đáp ứng với tình hình tội phạm mới. 

1. Một số điểm chưa phù hợp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 

Thứ nhất, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định mức khởi điểm của giá trị tài sản để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự là 2 triệu đồng, còn tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định mức khởi điểm là 4 triệu đồng. Trên thực tế có một số trường hợp khi điều tra ban đầu thường rất khó xác định tội danh là lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bởi do định lượng cấu thành cơ bản giữa hai tội không bằng nhau, nên có nhiều trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị dưới 4 triệu đồng và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự như gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính…, nhưng cơ quan điều tra không thể khởi tố ngay được, mà phải tốn nhiều thời gian để chứng minh ý thức của người chiếm đoạt tài sản có trước hay sau khi đã nhận tài sản. 

Trong thực tế, người lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng đưa ra lý do rằng: Sau khi nhận được tài sản mới nảy sinh ý thức chiếm đoạt, để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Bởi vì, tài sản chiếm đoạt có giá trị dưới 4 triệu đồng, chưa đủ định lượng để khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” dẫn đến bỏ lọt tội phạm, vì không chứng minh được ý thức chiếm đoạt có trước khi nhận tài sản. 

Do vậy, khi xử lý đối với các trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 4 triệu đồng rất dễ xảy ra oan, sai.

Thứ hai, về tình tiết “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” được quy định là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm e khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Theo tác giả là không cần thiết, vì bản thân người phạm tội khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc họ sử dụng thủ đoạn gian dối cũng đã thể hiện sự xảo quyệt, họ lợi dụng lòng tin của người có tài sản, làm giả giấy tờ,… một cách tinh vi khiến cho người bị hại tin tưởng giao tài sản, sau đó chiếm đoạt.

Trong mối quan hệ tương quan giữa tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc thiết bị điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” thấy rằng, bản chất của tội phạm này cũng là hành vi lừa đảo, có thủ đoạn gian dối, việc người phạm tội ứng dụng các tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật để thực hiện tội phạm thì rõ ràng mức độ tinh vi, xảo quyệt của tội phạm này cao hơn. 

Như vậy, nếu như người phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác”, thủ đoạn gian dối được đánh giá là “xảo quyệt”, người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự; nhưng nếu họ sử dụng thiết bị công nghệ, mạng máy tính, mạng viễn thông để lừa đảo thì chỉ bị truy tố ở khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt thấp hơn, điều này là không hợp lý.  

Thứ ba, hoàn thiện các dấu hiệu pháp lý của tội "ừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với một số hình thức mới trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế như: Lừa đảo qua mạng internet, lừa đảo thông qua hình thức bán hàng đa cấp. Hình thức kinh doanh bán hàng đa cấp rất phổ biến trên thế giới và trong một vài năm trở lại đây cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam, nhưng so với các hình thức kinh doanh khác thì bán hàng đa cấp khá phức tạp và đem lại nhiều rủi ro cho các thành viên tham gia. 

Nhiều quan điểm cho rằng, hình thức bán hàng đa cấp chính là một hình thức lừa đảo, đây là hình thức rất khó xác định người bị hại, do đó vấn đề xác định giá trị tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt là bao nhiêu rất khó trong khi đó giá trị tài sản là căn cứ để định tội danh nên việc điều tra, truy tố, xét xử đối với tội này rất khó khăn. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức làm hồ sơ khống chiếm tiền hoàn thuế giá trị gia tăng: Trong trường hợp này, người phạm tội lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng của Nhà nước đã lập hồ sơ giả mạo để được hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước. 

Thứ tư, hoàn thiện một số quy định của pháp luật hình sự có liên quan đảm bảo cho việc định tội danh tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đúng người, đúng tội như Điều 198 Bộ luật Hình sự (Tội “Lừa dối khách hàng”), Điều 192 Bộ luật Hình sự (tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”),… 

Như đã phân tích ở trên, dấu hiệu đặc trưng nổi bật của tội phạm này là bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Trong thực tế, nhận thức thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản không phải trường hợp nào cũng rõ ràng và thống nhất. Thực tiễn xét xử còn nhiều trường hợp cũng có hành vi là thủ đoạn gian dối, cũng có hành vi chiếm đoạt, nhưng những hành vi này đã được Bộ luật Hình sự quy định thành tội phạm độc lập thì cũng không bị truy cứu về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà bị truy cứu về tội phạm tương ứng như hành vi gian dối trong cân, đo, đong, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng… để gây thiệt hại cho khách hàng là hành vi lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự; hành vi làm hàng giả, buôn bán hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng là hành vi phạm tội làm hàng giả, buôn bán hàng giả quy định tại các Điều 192, Điều 193, Điều 195 Bộ luật Hình sự; cũng như ở tội “Đánh bạc” quy định ở Điều 321 Bộ luật Hình sự, tuy không quy định có "thủ đoạn gian dối" nhưng có thể họ sẽ sử dụng những mưu mẹo, gian dối để giành phần thắng nhưng những mưu mẹo đó phải phát sinh trong quá trình chơi hoặc cũng có thể có sự chuẩn bị từ trước nhưng sự chuẩn bị đó không có ý nghĩa quyết định được việc thắng thua mà nó chỉ làm ảnh hưởng phần nào đến kết quả đánh bạc. Hoặc việc xác định hành vi nào của người phạm tội bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và hành vi nào bị xử lý tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn”, bởi lẽ ở cả hai tội phạm này chúng ta đều thấy có sự tham gia của các đối tượng là người có chức vụ quyền hạn và họ đã dựa vào chức vụ, quyền hạn đó kết hợp với yếu tố “gian dối” để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, mục đích mà người phạm tội hướng đến trong trường hợp này là giống nhau. Hơn nữa, khi họ đã có hành vi phạm tội thì việc chúng ta xử lý họ ở tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hay tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn" về cơ bản vẫn đảm bảo được tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. 

2. Đề xuất hướng hoàn thiện

Để giải quyết những vấn đề đặt ra ở trên, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành pháp luật cần rà soát lại toàn bộ các quy định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, qua đó có những chỉnh sửa, bổ sung đối với Bộ luật Hình sự hiện hành; ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể đối với các vấn đề liên quan. Theo tác giả có thể sửa đổi, bổ sung Điều 174 Bộ luật Hình sự theo hướng sau như sau: 

Thứ nhất, đề nghị nâng mức khởi điểm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lên cùng mức 4.000.000 đồng như tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". 

Thứ hai, không quy định tình tiết “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm e khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về thuế, cần coi thủ đoạn làm giả hồ sơ không xuất khẩu để hoàn thuế là thủ đoạn xảo quyệt, đồng thời cần tăng nặng hình phạt đối với các đối tượng làm trong các cơ quan thuế, hải quan, tiếp tay cho các cá nhân trong việc hợp thức hóa hồ sơ để chiếm đoạt tiền thuế. 

Thứ tư, cần phải có sự giải thích rõ ràng trong các văn bản pháp luật để việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong quá trình định tội danh, tránh sai sót trong việc xét xử.

Tóm lại, việc chỉnh sửa, bổ sung đối với Bộ luật Hình sự hiện hành và ban hành các văn bản hướng dẫn đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận còn có ý nghĩa thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án này, từ đó đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

ĐINH MINH LƯỢNG

ĐẶNG THẾ THANH

Tòa án quân sự Khu vực 2 Quân khu 5

Ban hành bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình

Lê Minh Hoàng