Ảnh minh họa.
Dự kiến hôm nay (26/3), Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi), trong đó có nội dung ghi âm, ghi hình trong phiên tòa.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật lần này đó là đề xuất việc ghi âm, ghi hình phiên tòa chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của chủ tọa.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, dự thảo Luật TAND (sửa đổi) đang quy định theo hướng thắt chặt việc ghi âm, ghi hình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động tố tụng tại Tòa án.
Cụ thể, tại Điều 141, dự thảo Luật có quy định hoạt động ghi âm, ghi hình chỉ được thực hiện trong giai đoạn khai mạc phiên tòa, phiên họp và phải có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp, đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định người tham dự phiên tòa, phiên họp không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến; không được đưa tin sai sự thật; không đưa tin làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của Tòa án. Do đó, có thể hiểu việc ghi âm, ghi hình được áp dụng chung, không ngoại trừ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, kể cả phóng viên, báo chí.
Theo quy định hiện hành, căn cứ tại điểm d, khoản 1, Điều 25, Luật Báo chí 2016 quy định về quyền của Nhà báo có nêu rõ, Nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật” và quy định “Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ” (tại khoản 4, Điều 234, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 4, Điều 153, Bộ luật Tố tụng hành chính 2015). Và phiên tòa hình sự theo quy định tại khoản 2, Điều 256, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đều nêu rõ: “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”.
Như vậy, theo quy định pháp luật, việc Nhà báo tham dự phiên tòa phải chấp hành nội quy phiên tòa, tuân theo sự điều hành của chủ tọa, trong trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử và các đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.
Còn dự thảo Luật lần này thì chưa quy định rõ, trường hợp nào chủ tọa đồng ý và trường hợp nào thì được phép ghi âm, ghi hình. Điều này không loại trừ trường hợp chủ tọa phiên tòa có thể sử dụng các quy định pháp luật để hạn chế hoạt động tác nghiệp của cá nhân, tổ chức, trong đó có hoạt động của phóng viên, báo chí, điều này gây mâu thuẫn với Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định về quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai.
Do vậy, Luật sư cho rằng không nên hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp. Bởi lẽ, ghi âm, ghi hình là công cụ để người dân, các cơ quan báo chí giám sát các hoạt động tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng theo hướng góp phần xây dựng việc giải quyết vụ án khách quan, dân chủ. Mục đích của hoạt động ghi âm, ghi hình là điều cần quan tâm, vì cá nhân, tổ chức ghi âm, ghi hình ngoài mục đích nhằm giám sát khi sử dụng phải được sự đồng ý của họ, còn nếu sử dụng hình ảnh của người khác mà không xin phép, hoặc xúc phạm gây ảnh hưởng đến danh dự uy tín, nhân phẩm của họ, thì tùy hành vi, tính chất, mức độ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Luật sư cũng kiến nghị nên đặt ra trường hợp hạn chế ghi âm, ghi hình khi đối tượng là người chưa thành niên, người nổi tiếng,... vì lí do giữ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật kinh doanh, đời tư cá nhân theo yêu cầu chính đáng của họ.
"Cần thiết rà soát, bổ sung và sửa dự thảo Luật theo hướng không nên hạn chế hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa của các cá nhân, tổ chức nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân", Luật sư Trần Xuân Tiền cho hay.
TRẦN MINH