Thông báo thụ lý vụ án của TAND quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.
Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 14/2014-KDTM ngày 30/5/2014 của TAND thành phố Cần Thơ đã tuyên xử thì ông Lê Văn Mười Một và bà Lý Thị Bé phải trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt số tiền 9.154.734.000 đồng, nợ gốc và lãi tính đến ngày 30/10/2013. Ngân hàng đã yêu cầu thi hành án nhưng ông Một và bà Bé không tự nguyện thi hành nên Cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Cần Thơ đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Theo đó, kê biên tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H00003 do UBND quận Thốt Nốt cấp ngày 28/12/2004, diện tích 232m2, thửa 405 tờ bản đồ số 2, tọa lạc tại số 30 Lê Lợi, Thị trấn Thốt Nốt, huyện Thốt Nốt, nay là quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, là tài sản ông Một thế chấp cho ngân hàng. Chấp hành viên đã ký hợp đồng với Trung tâm bán đấu giá tài sản thành phố Cần Thơ để tổ chức bán đấu giá, việc đấu giá thành vào ngày 24/9/2015, ông Huỳnh Văn Tiếng là người trúng đấu giá với giá 4.202.000.000 đồng.
Do tài sản bán đấu giá không tiến hành bàn giao được cho người trúng đấu giá, mặt khác ông Một, bà Bé khiếu nại việc bán đấu giá chưa đúng. Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị TAND thành phố Cần Thơ xem xét lại việc bán đấu giá của Trung tâm Đấu giá Cần Thơ nên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên Cục THADS thành phố Cần Thơ đã khởi kiện Trung tâm Bán đấu giá thành phố Cần Thơ đến TAND quận Ninh Kiều đề nghị Tòa án hủy Hợp đồng bán đấu giá, TAND quận Ninh Kiều đã thụ lý và xét xử sơ thẩm Bản án số 89/2021/DS-ST ngày 11/6/2021. Cụ thể:
1. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chấp hành viên Cục THADS thành phố Cần Thơ, hủy hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 249/HĐMB/TTDVBĐG ngày 08/12/2016 giữa Trung tâm bán đấu giá với ông Huỳnh Văn Tiếng.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Huỳnh Văn Tiếng “buộc Cục THADS thành phố Cần Thơ, chấp hành viên và Trung tâm bán đấu giá thành phố Cần Thơ có trách nhiệm giao tài sản trúng đấu giá cho ông Huỳnh Văn Tiếng”.
Bản án sơ thẩm có kháng cáo ngày 31/8/2022, TAND thành phố Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm Bản án số 213/2022/DS-PT đã tuyên y án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều. Sau khi án phúc thẩm có hiệu lực, Cục THADS thành phố Cần Thơ đã tổ chức thi hành cưỡng chế ông Một, bà Bé giao tài sản cho ông Huỳnh Văn Tiếng. Ông Tiếng đã được UBND quận Thốt Nốt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số DK533077 ngày 19/01/2023.
Bất ngờ, ngày 28/10/2023, TAND quận Thốt Nốt thụ lý vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”.
Theo đó, ông Lê Văn Mười Một và bà Lý Thị Bé là bị đơn. Ông Huỳnh Văn Tiếng tiếp tục bị cuốn vào vụ kiện với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ngày 20/12/2023, TAND thành phố Cần Thơ có quyết định chuyển vụ án (khởi kiện quyết định hành chính của ông Lê Văn Mười Một, Lý Thị Bé và anh chị em trong gia tộc kiện UBND quận Thốt Nốt yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đã cấp cho ông Huỳnh Văn Tiếng).
Theo TAND thành phố Cần Thơ xác định, vụ kiện hành chính có liên quan đến vụ kiện “Tranh chấp di sản thừa kế” nên chuyển cho TAND quận Thốt Nốt giải quyết chung trong cùng vụ án nên Tòa này đã thụ lý. Như vậy, từ một vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại của Ngân hàng Liên Việt với ông Một, bà Bé đã phát sinh hai vụ án mới.
Về vấn đề TAND quận Thốt Nốt thụ lý vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế”, Luật sư Nguyễn Thị Giang, Văn phòng Luật sư Vạn Lý cho biết, việc thụ lý vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” của TAND quận Thốt Nốt là chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, bởi các lý do:
- Thứ nhất, về thời hiệu khởi kiện:Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Thị Hui chết năm 1986, tại Phần I Văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của TAND Tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn như sau: Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 (tức là thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 10 năm) và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Đến năm 2023, đương sự khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế thì đã hết thời hiệu khởi kiện đối với phần di sản của bà Hui.
- Thứ hai, tài sản tranh chấp thừa kế sau khi bà Hui chết, ông Mười đã đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 15/10/1996, do tuổi già sức yếu, ông Mười đã làm đơn giao quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông được cấp cho con trai là ông Lê Văn Mười Một, đất đã không còn đứng tên ông Mười mà đã chuyển tên hợp pháp cho ông Lê Văn Mười Một, ông Một đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã thế chấp ngân hàng.
Ông Huỳnh Văn Tiếng mua tài sản đấu giá đúng pháp luật, đã được Bản án dân sự phúc thẩm của TAND thành phố Cần Thơ công nhận, ông Tiếng đã nhận đất và xây nhà trên phần đất mua trúng đấu giá. Nay, TAND quận Thốt Nốt thụ lý “tranh chấp di sản thừa kế” và đưa ông vào tham gia tố tụng là trái với Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
Mặt khác, các anh em lại kiện ông Một để chia di sản thừa kế là không đúng, vì họ không còn tư cách để khởi kiện. Trong trường hợp này, TAND quận Thốt Nốt lẽ ra không thụ lý vụ kiện mà trả lại đơn kiện cho người khởi kiện, nếu đã thụ lý thì “Đình chỉ giải quyết vụ án” theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Việc thụ lý xét xử một vụ án tranh chấp đất đai rất cần sự công tâm, thấu hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật về tố tụng cũng như nội dung để từ đó giải quyết triệt để vụ án mà không làm phát sinh thêm các vụ án khác, gây thiệt hại về thời gian và tiền của cho các bên đương sự.
NGUYỄN THÀNH