(LSO) - Luật sư nhận định, cần phải thu hồi ngay Quyết định 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Vành đai II (đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng). Đồng thời, xử lý theo quy định để tránh gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khi nguồn tiền không trao cho đúng đối tượng thụ hưởng.
Xung quanh việc ngày 17/9/2020, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Quyết định số 3168/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Trung ký về việc chi trả tiền bồi thường đối với việc thu hồi đất tại địa chỉ số 60, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng (chùa Diệu Nam).
Trong đó, quyết định chi trả tiền bồi thường cho hộ bà Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến đối với việc thu hồi đất trên với tổng số tiền gần 44 tỉ đồng.
Sau khi Quyết định được ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi đã phê duyệt chi trả bồi thường cho cá nhân không có quyền và nghĩa vụ liên quan trên diện tích đất công của chùa và một bản án đã không còn hiệu lực pháp luật. Nhiều vấn đề pháp lý xung quanh sự việc này đã được các Luật sư nhận xét, đánh giá một cách khách quan nhất.
Đất cơ sở tôn giáo thuộc sở hữu chung
Về nguồn gốc đất, theo Công văn số 396/TTCNTT-TTLT ngày 03/12/2018 của Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đã xác định đất của Chùa Diệu Nam đã là đất công của Chùa từ năm 1960.
Luật sư Nguyễn Văn Cận, Trưởng Văn phòng Luật sư Như Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho rằng, căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 159 Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động”.
Như vậy, việc đền bù cho đất thuộc cơ sở tôn giáo thuộc sở hữu chung của tổ chức tôn giáo. Người đại diện nhận tiền bồi thường phải là người đại diện cho cơ sở tôn giáo.
Theo Luật gia Vũ Duy Nam, Công ty Luật TNHH Hiệp Nhất, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, việc UBND quận Hai Bà Trưng trước khi ban hành Quyết định 3168 về phê duyệt đền bù thì cần phải tuân thủ các bước được quy định tại Điều 69 Luật Đất đai năm 2013, như: Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường.
Khi thực hiện đầy đủ các bước trên thì UBND quận Hai Bà Trưng phải xem xét ba vấn đề lớn là: nguồn gốc của quyền sử dụng đất; thực tế ai là người đang trực tiếp khai thác, sử dụng đất (ở đây chùa Diệu Nam đang trực tiếp khai thác, sử dụng). Quyền sử dụng đất thuộc diện thu hồi, bồi thường hiện nay có đang tranh chấp hay không? (thực tế quyền sử dụng đất trên đã phát sinh tranh chấp từ năm 1992 đến nay).
Điều này một lần nữa có cơ sở để khẳng định rằng thửa đất trên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chùa.
Tôn trọng ý chí người để lại di sản
Về thừa kế, chùa Diệu Nam được xây dựng năm 1930, do công của 5 sư cụ lập nên. Sau đó truyền lại cho 5 đệ tử thông qua “Chúc thư” với nội dung: người đời sau có trách nhiệm trông nom, chăm sóc, không được bán chác, sử dụng sai mục đích thờ tự…
Ngôi chùa sau đó vướng vào vào tranh chấp thừa kế giữa cụ Nguyễn Thị Hương và cụ Trịnh Thị Lương. Ngày 07/8/1992, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên bản án số 151/PTDS quyết định cụ Hương và cụ Lương mỗi người sở hữu ½ chùa Diệu Nam, riêng chùa chính và sân trước chùa không chia để sử dụng chung là không đúng theo nguyện vọng của các sư cụ và pháp luật về thừa kế. Đến ngày 31/5/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT, theo đó hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 08/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Hương với bị đơn là cụ Trịnh Thị Lương. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM đánh giá, thừa kế là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực thừa kế. Sắc lệnh 90/SL ngày 10/10/1945 cho phép tạm thời áp dụng những văn bản pháp luật dân sự của chế độ cũ với điều kiện "những luật lệ ấy không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hoà". Tại Điều 27 Hiến pháp năm 1980 cũng ghi nhận "Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân". Tiếp theo, Thông tư số 81 ngày 27/7/1981 của TAND tối cao đã hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế theo đó: Thông qua di chúc, người có tài sản có quyền để lại tài sản của mình cho bất cứ ai. Người thừa kế được chỉ định trong di chúc có thể là công dân, Nhà nước hay một tổ chức xã hội. Nếu là công dân thì người đó có thể ở trong diện thừa kế theo luật, mà cũng có thể không ở trong diện đó. Tuy nhiên, nội dung của di chúc phải phù hợp với chính sách và pháp luật. Nếu toàn bộ nội dung của di chúc đều trái với chính sách và pháp luật, thì di chúc không có giá trị. Nếu chỉ có một số điểm không đúng pháp luật, thì chỉ riêng những điểm đó không có giá trị, những điểm khác phù hợp với pháp luật vẫn được thi hành.
Ngày 30/8/1990, Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh thừa kế theo đó: Công dân có quyền lập di chúc để chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho một hoặc nhiều người trong hoặc ngoài các hàng thừa kế theo pháp luật, cũng như cho Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế. Khi lập di chúc người có tài sản có quyền: Chỉ định người thừa kế; Phân định tài sản cho người thừa kế; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Truất quyền hưởng di sản của một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật mà không nhất thiết phải nêu lý do.
Cũng theo Luật sư Bình, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề cập tại “Chương X – Tự viện và thành viên” và “Chương XI – Tài chính và tài sản”.
Điều 57: Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện), dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội. Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hay như Điều 63: Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có động sản, bất động sản hợp pháp: Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp. Do các thành viên tăng ni, cư sĩ phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước.
Như vậy, qua các thời kỳ pháp luật Việt Nam đều tôn trọng ý chí của người có di sản để lại.
Cần phải xem xét và ngăn chặn
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, tại thời điểm xét xử sơ thẩm, phúc thẩm thì thửa đất của chùa Diệu Nam đã được xác nhận tại hồ sơ địa chính là đất công chùa Diệu Nam. Tòa án không xem xét, đánh giá để xác định đất của chùa Diệu Nam đã là đất công của chùa nên vẫn xác định chùa thuộc quyền sở hữu tư nhân và chia thừa kế. Theo kết quả xác nhận của cơ quan quản lý đất đai tại Công văn nêu trên thì đất của Chùa Diệu Nam đã là đất công của Chùa từ năm 1960.
Vì vậy, khi ký Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 phê duyệt phương án bồi thường đất chùa Diệu Nam (đất công) cho cá nhân bà Lê Thị Loan tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho dù là tranh chấp dân sự thì người quản lý không thể cho rằng mình không biết về nguồn gốc đất do mình quản lý?
“Việc UBND quận Hai Bà Trưng do ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 phê duyệt phương án bồi thường đất chùa Diệu Nam (đất công) cho cá nhân bà Lê Thị Loan tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải xem xét và ngăn chặn ngay. Do vậy, cần phải thu hồi ngay Quyết định 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 và xử lý theo quy định để tránh gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khi nguồn tiền không trao cho đúng đối tượng thụ hưởng”, Luật sư Diệp Năng Bình đánh giá và kiến nghị.
Có thể xử lý hình sự?
Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã được gửi cho TAND và Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng và một số cơ quan tố tụng, đương sự vụ án. Luật sư Nguyễn Văn Cận cho rằng, việc đền bù có thể đã được các cơ quan chuyên môn của UBND quận ghi nhận từ nhiều năm trước đây, UBND quận Hai Bà Trưng đã căn cứ vào các quyết định của bán án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội từ năm 1992 để đền bù cho cá nhân.
“Vấn đề đặt ra là hiện nay UBND quận Hai Bà Trưng đã nhận được quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT ngày 31/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội chưa?. Nếu đã nhận rồi thì UBND quận Hai Bà Trưng phải ra quyết định thu hồi quyết định đền bù nêu trên. Trong trường hợp UBND quận Hai Bà Trưng đã nhận được bản án tái thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội mà vẫn không thu hồi quyết định đền bù nêu trên thì cá nhân người ra quyết định đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự”, Luật sư Cận nói.
Điều 179. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp: 1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
PV