Ảnh minh họa.
Sáng 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Trần Văn Sơn đã trình bày báo cáo tóm tắt về công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2021 và 8 tháng năm 2022; đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025.
Đáng chú ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ nêu rõ những kết quả nổi bật trong công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Cụ thể, về công tác cải cách TTHC, trong năm 2021 và 8 tháng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã thống kê, rà soát (đạt tỉ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước trên 12 lĩnh vực về ngân sách, đầu tư công, đất đai, giao thông đường bộ…
Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh từng bước được đưa vào vận hành. Đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh; giúp Chính phủ đánh giá nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Về đổi mới thực hiện TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, đến nay, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất. Nhiều địa phương đã thực hiện nâng cấp hệ thống đáp ứng yêu cầu số hóa và đã có những kết quả bước đầu.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương. Từ khi vận hành đến nay Cổng đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái hơn 129,6 triệu hồ sơ (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), hơn 2,7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt hơn 2.800 tỉ đồng. Đồng thời, đã hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Về hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử, 70% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số cá nhân. Đến nay, đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính Nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trung bình khoảng 550.000 văn bản/tháng, trong đó 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính.
Báo cáo điện tử được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai và đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ. Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ.
Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến…
Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công đã được đưa vào vận hành. Đây là công cụ hữu hiệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực; kiểm soát thực thi ("điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay) trong giải quyết TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đã được xây dựng, đưa vào vận hành; là công cụ phục vụ chỉ đạo, điều hành trong cải cách, đánh giá nỗ lực của các bộ, ngành, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.
PV
Cảnh giác việc ký kết các 'Hợp đồng đầu tư trái phiếu' với các tổ chức trung gian