/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn theo Luật HNGĐ 2014: Một số vấn đề bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn theo Luật HNGĐ 2014: Một số vấn đề bất cập và kiến nghị hoàn thiện

15/06/2024 06:12 |

(LSVN) - Các quy định về chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh tại Điều 64 của Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) 2014 gần như là cơ sở duy nhất để giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là: vốn góp, trái phiếu, cổ phần, quyền sở hữu trí tuệ... Tuy nhiên, các quy phạm này hiện đang còn rất chung chung, chưa thể điều chỉnh phù hợp đối với trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu ly hôn.

Ảnh minh hoạ. 

Đặt vấn đề

Trước sự vận động và phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập, cổ phiếu giờ đây đã trở thành một loại tài sản trong kinh doanh phổ biến của các gia đình ở xã hội Việt Nam. Trong khi đó, pháp luật HNGĐ của Việt Nam hiện nay vẫn chưa có những quy định thật sư chi tiết và phù hợp cho vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn. Do đó, về cơ bản sẽ vẫn phảiáp dụng quy định tại Điều 64 của Luật HNGĐ 2014 để giải quyết đó là: nếu pháp luật kinh doanh không có quy địnhnào khác, thì bên đang thực hiện hoạt động kinh doanh được nhận cổ phiếu và thanh toán cho bên còn lại phần giá trị cổ phiếu mà họ được hưởng. Điều này làm cho quá trình giải quyết vụ án ly hôn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi vợ, chồng có yêu cầu chia tài sản chung là cổ phiếu; đồng thời việc giải quyết yêu cầu này hiện nay còn mang nhiều cảm tính dẫn đến không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của một bên vợ, chồng trong các trường hợp nhất định như: (1) Cả hai vợ chồng đều đang thực hiện hoạt động kinh doanh tại công ty mà họ sở hữu cổ phiếu là tài sản chung yêu cầu chia khi ly hôn; (2) Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là cổ phiếu được chia cổ tức từ tài sản riêng của một bên vợ, chồng; (3) xác định giá trị cổ phiếu để hoàn lại cho bên kia phần được hưởng khi tỉ lệ sở hữu cổ phiếu vượt mức cổ đông lớn của công ty.

Chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn theo Luật HNGĐ 2014

Cổ phiếu trong khối tài sản chung của vợ chồng

Trước tiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Chứng khoán 2019 thì “Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.” Do đó, tài sản này là một loại chứng khoán vốn, thể hiện quyền của chủ sở hữu đối với một phần vốn góp công ty cổ phần (CTCP) nên giá trị của cổ phiếukhông chỉ có thể được quy đổi thành tiền theo giá giao dịch trị trường, mà người sở hữu cổ phiếu còn có các quyền cổ đông được quy định tại Điều 115 của Luật Doanh nghiệp 2020 như: quyền tham gia quản trị, điều hành, quyền ứng cử, đề cử vào thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát với các điều kiện và phụ thuộc vào tỉ lệ sở hữu cổ phiếu trong công ty.

Như vậy, khi vợ, chồng sở hữu chung cổ phiếu thì ngoài việc có thể quy đổi giá trị thành tiền theo giá thị trường, còn có thể có các quyền nhất định trong công ty; tỉ lệ sở hữu cổ phiếu tỉ lệ thuận với các quyền lợi có được trong công ty. Vì vậy, nếu tài sản chung của vợ chồng là lượng lớn cổ phiếu đạt ngưỡng cổ đông lớn của công ty vốn hoá lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán thì giá trị này là không hề nhỏ khi tham gia các giao dịch thoả thuận cho các nhà đầu tư lớn có ý định tham gia đầu tư để quản trị công ty niêm yết tốt.

Trong khi đó, Điều 33 của Luật HNGĐ 2014 thì lại không có quy định cụ thể cổ phiếu là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có thể xét chung đây là tài sản chung trong kinh doanh hoặc cổ phiếu được chia cổ tức từ tài sản riêng của một bên vợ, chồng hoặc cổ phiếu là tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.Tuy nhiên, dù cho tài sàn chung của vợ chồng là cổ phiếu được hình thành từ bất kỳ nguồn nào đi chăng nữa thì đây vẫn được xếp là tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh [1].

Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn

Bởi vì cổ phiếu đang được xem xét dưới khía cạnh tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh nên theo quy định tại Điều 64 của Luật HNGĐ 2014 thì “Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.” Trong trường hợp này, vì pháp luật chứng khoán và pháp luật doanh nghiệp cũng không có quy định nào khác cho vấn đề này nên về nguyên tắc vợ hoặc chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh được nhận tài sản chung là cổ phiếu và sẽ thanh toán cho bên còn lại phần giá trị cổ phiếu mà họ được hưởng. Tuy nhiên quy phạm cá biệt trên chỉ đưa ra cách giải quyết trong trường hợp ai là người được nhận cổ phiếu khi chia và ai là người chỉ được nhận giá trị tương ứng cổ phiếu được chia bằng tiền.

Do đó, về tỉ lệ phân chia vẫn phải theo nguyên tắc chung tại Điều 59 của Luật HNGĐ 2014 đó là cổ phiếu là tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và các bên; công sức đóng góp; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên kinh doanh và nghề nghiệp; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Việc chi tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn cũng cần phải bảo vệ quyền lợi của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Các nội dung này đồng thời được hướng dẫn chi tiết tạo Điều 7 về “Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn” của Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 về việc Hướng dẫn thi hành một số quy định của luật hôn nhân và gia đình.

Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản là cổ phiếu của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn

Để ngăn ngừa việc vợ chồng cố ý chia tài sản khi ly hôn để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba thì Điều 60 của Luật HNGĐ 2014 có quy định là nếu vợ chồng và người thứ ba không có thỏa thuận khác thì quyền, nghĩa vụ tài sản là cổ phiếu của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn; trường hợp có tranh chấp thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết. Về vấn đề này, tại khoản 3 Điều 7 của Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 cũng có quy định là: Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng; trường hợp không yêu cầu giải quyết thì giải quyết bằng vụ án khác.

Như vậy, nếu cổ phiếu là tài sản chung của vợ chồng có phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với bên thứ ba thì khi giải quyết yêu cầu chia cổ phiếu khi ly hôn, Toà án buộc phải đưa người có quyền, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng để giải quyết chung vụ án khi họ có yêu cầu. Tuy nhiên, bên thứ ba và vợ, chồng vẫn có quyền tự thoả thuận với nhau về giải quyết quyền, nghĩa vụ liên quan đến cổ phiếu đang chia hoặc bên thứ ba có thể không yêu cầu lúc này mà giải quyết trong vụ án khác. Khi đó, quyền, nghĩa vụ tài sản là cổ phiếu của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn; trường hợp có tranh chấp thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết.

Bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật để phân chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn

Như phân tích trên, tưởng chừng quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành đã đủ để xem xét, giải quyết cho việc chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn, nhưng trên thực tế, các quy định trên chưa xét đến tính chất đặc trưng của tài sản là cổ phiếu khi tiến hành phân chia đối với loại tài sản này nên thực tiễn đã phát sinh những bất cập như sau:

Thứ nhất, theo quy định của khoản 5 Điều 115 của Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông sở hữu cổ phần theo một tỉ lệ xác định thì được quyền ứng cử, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát của Công ty, thực hiện quyền tham gia quản trị, kiểm soát Công ty [2]. Và điều tất yếu, nếu việc sở hữu cổ phần không đạt tỉ lệ quy định thì không thực hiện được quyền tham gia quản trị, kiểm soát Công ty, là sự giảm sút giá trị vô hình nhưng cũng có thể tính được bằng tiền, vì mất quyền quản trị, điều hành công ty là gần như mất công ty. Do đó, khi chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn mà không tính đến yếu tố này thì rất không hợp lý và đến một trong hai tình huống không đảm bảo quyền lợi của một bên vợ chồng đó là:

(1) Nếu cả hai bên đang cùng tham gia quản trị, điều hành trong công ty và nếu sự phân chia chỉ đơn thuần là một phép tính số học chia đôi lượng cổ phiếu chung này thì việc bên được nhận toàn bộ cổ phiếu sẽ được quyền lợi rất lớn; trong khi gây ra sự bất công cho bên nhận giá trị vì cũng đang nắm quyền quản trị, điều hành, kiểm soát công ty nên bên đó sẽ có nguy cơ bị mất đi các quyền và lợi ích này.  Ví dụ: Ông A và Bà B đang yêu cầu chia tài sản chung khi ly hôn là 01 triệu cổ phiếu, tỉ lệ sở hữu này chiếm 36% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty X. Hiện tại, ông A đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Bà B đang là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của cùng Công ty X. Trong quá trình giải quyết vụ án, 01 triệu cổ phiếu này được định giá theo thị trường là 40 tỉ đồng, trong khi thu nhập thực tế của A đang là 06 tỉ đồng/năm, còn B là 05 tỉ đồng/năm.

Trường hợp này, nếu chia đôi và cho ông A nhận toàn bộ cổ phiếu này, hoàn lại cho bà B giá trị tương ứng được nhận là 20 tỉ đồng thì nhiều khả năng bà B sẽ không còn được đảm nhiệm các chức vụ này sau khi ly hôn và chia tài sản chung này. Điều này sẽ không đảm bảo quyền lợi của bà B vì trên thực tế thu nhập và giá trị nghề nghiệp, hoạt động kinh doanh mang lại bà B là rất lớn nên việc chỉ được nhận 20 tỉ đồng là không thoả đáng.

(2) Nếu chỉ một bên đang tham gia quản trị, điều hành trong công ty và tỉ lệ sở hữu cổ phiếu rất lớn nhưng sự phân chia cũng chỉ đơn thuần là một phép tính số học chia đôi lượng cổ phiếu chung này rồi quy đổi giá trị tương ứng để hoàn lại cho bên kia phần được nhận thì càng không phản ánh đúng tính chất giá trị của cổ phiếu trong trường hợp này; gây ra sự bất công cho bên nhận giá trị cổ phiếu. Bởi lẽ, các quyền quản trị, điều hành, kiểm soát công ty gắn với tỉ lệ sở hữu cổ phiếu này giờ đây có giá trị cao hơn nhiều so với giá trị được quy đổi thủ công căn cứ giá giao dịch thị trường chung cho cổ phiếu.

Trở lại với ví dụ trên, giả sử bà B không tham gia hoạt động kinh doanh tại công ty X và được nhận 20 tỉ giá trị tương ứng phần cổ phiếu là tài sản chung được chia. Nhưng X lại công ty đại chúng niêm yết và đang sở hữu thương hiệu gạo ST25 được thị trường quốc tế ưa chuông nên rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn sở hữu tỉ lệ cổ phần lớn tại công ty X. Trong trường hợp này, nếu căn cứ theo giá thị trường đang giao dịch thì 01 triệu cổ phiếu X tương ứng 40 tỉ đồng và bà B được chia đôi nên nhận 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, với 36% cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Công ty X thì các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ ra mức giá chênh lệch 25% để sở hữu toàn bộ cổ phiếu này, tức 50 tỉ đồng. Như vậy, nếu ông A được nhận toàn bộ cổ phiếu này và bà B chỉ nhận 20 tỉ đồng sẽ là chưa hợp lý vì thực tế bà B có thể phải được nhận 25 tỉ đồng thậm chí nhiều hơn nếu đó là công ty sở hữu bí mật công nghệ hoặc đang thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, theo quy định tại Điều 33 Luật HNGĐ 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm “hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng” nên dù cho cổ phiếu đang là tài sản riêng của một bên (vợ hoặc chồng), thì cổ tức của cổ phiếu này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân cũng sẽ trở thành tài sản chung của vợ chồng và sẽ được phân chia khi ly hôn. Tuy nhiên, bản chất của cổ phiếu đâu chỉ có vậy vì khi được chia cổ tức thì có thể là chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu và về nguyên tắc thì khi chia cổ tức thì giá tính trên một đơn vị cổ phiếu sẽ bị pha loãng và giảm đi. Như khi chia cổ tức bằng tiền mặt thì số tiền chia được phản ánh vào giá và làm giá cổ phiếu (gốc) bị giảm, vô hình chung là số cổ phiếu là tài sản riêng của một bên sẽ bị giảm giá trị; còn nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ phiếu (gốc) bị pha loãng và vô hình chung cũng là tổng tài sản riêng (số cổ phiếu là tài sản riêng) của một bên sẽ bị giảm giá trị. Vậy tổng giá trị tài sản riêng thì bị giảm, còn tài sản chung là hoa lợi, lợi tức (cổ tức là tiền mặt hoặc cổ phiếu) phát sinh/hình thành từ tài sản riêng một bên lại bị phân chia khi ly hôn. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên có tài sản riêng; thậm chí xung đột/phá vỡ cấu trúc của giao dịch bảo đảm tại bên thứ ba khi mà các giao dịch bảo đảm hiện nay đều đang ghi nhận theo hướng cổ tức phát sinh từ cổ phiếu thuộc về cổ phiếu gốc (tức tổng giá trị tài sản bảo đảm không thay đổi sau khi phát sinh sự kiện pháp lý chia cổ tức). Bởi lẽ, nếu một bên (vợ hoặc chồng) thế chấp cổ phiếu là tài sản riêng trước khi ly hôn mà tại thời điểm ly hôn lại phát sinh sự kiện pháp lý chia cổ tức thì ngay lúc này cổ tức sẽ thuộc khối tài sản chung được chia; còn tài sản bảo đảm là cổ phiếu này tại bên thứ ba thì bị sụt giảm giá trị theo tỉ lệ chia cổ tức.

Ví dụ: Ông A là một nhà đầu, trước khi kết hôn với chị B, A bỏ ra 100 tỉ đồng để sở hữu 01 triệu cổ phiếu X (là tài sản riêng của A). Tuy nhiên, sau khi kết hôn thì cổ phiếu X chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 30%, tức 01 triệu cổ phiếu X được thêm 300 nghìn cổ phiếu X làm cho số lượng cổ phiếu trong tài khoản chứng khoán của ông A tăng lên, lúc này ông A có tổng cộng là 1,3 triệu cổ phiếu X. Khi ly hôn, bà B phát hiện và yêu cầu chia tài sản chung đối với 300 nghìn cổ phiếu X là cổ tức mà ông A nhận được từ tài sản riêng của mình vì bà B cho rằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng.

Trong trường hợp này, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu thì cổ phiếu sẽ bị pha loãng nên giá tính trên đơn vị cổ phiếu sẽ giảm đi tương ứng tại ngày giao dịch xảy ra sự kiện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, nếu cho rằng 300 nghìn cổ phiếu X được chia cổ tức trong trường hợp này là tài sản chung vợ chồng là tài sản chung và chia cho bà B thì sẽ là không hợp lý vì giá trị tổng tài khoản chứng khoán của ông A chưa chắc đã tăng thêm so với 100 tỉ đồng ban đầu mà ông A đầu tư cho 01 triệu cổ phiếu X. Vì vậy, muốn xác định hoa lợi, lợi tức là tài sản chung trong trường hợp này thì phải lấy tổng giá trị 1,3 triệu cổ phiếu (gốc và cổ tức) trừ đi 100 tỉ đồng ban đầu hoặc giá trị 01 triệu cổ phiếu tại thời điểm kết hôn.

Ví dụ: 100 tỉ đồng tương ứng 01 triệu cổ phiếu giá 100.000 đồng/cổ phiếu X, sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu thì tại ngày xảy ra sự kiện chia cổ tức, giá niêm yết giao dịch trên thị trường chứng khoán của cổ phiếu X (bị pha loãng tỉ lệ 30%) nên còn là 77.000 đồng (100.000:1,3). Giả sử tại thời điểm ly hôn có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng, giá cổ phiếu X tăng lên là 90.000 đồng thì phần tài sản chung (hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng của một bên phát sinh trong thời kỳ hôn nhân) nên được xác định là:

Phương án 1: (1,3 triệu cổ phiếu x 90.000 đồng) – 100 tỉ đồng (nếu chọn các xác định theo giá trị tài sản riêng ban đầu A đầu tư) = 17 tỉ đồng.

Phương án 2: (1,3 triệu cổ phiếu x 90.000 đồng) – (01 triệu cổ phiếu x giá cổ phiếu X tại thời điểm kết hôn); nếu chọn các xác định theo giá trị tài sản riêng của A tại thời điểm phát sinh quan hệ hôn nhân với B).

Ở cả hai phương án trên thì khi giá cổ phiếu X sau khi chia sụt giảm thì tài sản riêng của A sẽ giảm giá trị mặc dù số lượng cổ phiếu tăng lên thêm 300 nghìn cổ phiếu. Chẳng hạn sau khi chia cổ tức, tại thời điểm ly hôn, giá cổ phiếu X chỉ còn 50.000 đồng/cổ phiếu thì tổng tài sản riêng của A lúc này chỉ còn 1,3 triệu cổ phiếu x 50.000 đồng bằng 65 tỉ đồng (thấp hơn 100 tỉ đồng ban đầu mà A đầu tư). Do đó nếu cho rằng 300 nghìn cổ phiếu tăng thêm trong khối tài sản riêng của A là hoa lợi, tức tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung phải chia thì sẽ là bất lợi cho A rất nhiều và không hợp lý.

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn

Trên cơ sở những bất cập đã được phân tích ở trên, tác giả kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn như sau:

Thứ nhất, trường hợp chia tài sản chung là cổ tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản riêng là cổ phiếu của một bên (vợ hoặc chồng) thì việc xác định hoa lợi, lợi tức thuộc tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp này phải căn cứ vào sự chênh lệch giá trị theo số dương (+). Tức là tổng giá trị cổ phiếu là tài sản riêng một bên (vợ hoặc chồng) bao gồm cổ tức được chia (tiền mặt hoặc cổ phiếu) trong thời kỳ hôn nhân tại thời điểm chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn phải lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu là tài sản riêng tại thời điểm kết hôn hoặc thời điểm mua cổ phiếu nếu cổ phiếu được mua sau khi kết hôn. Giá trị chênh lệch được xem là lợi tức thuộc tài sản chung của vợ chồng phải được chia khi ly hôn.

Thứ hai, về vấn đề giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản là cổ phiếu của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn trong trường hợp cổ phiếu đang đảm bảo cho nghĩa vụ của vợ hoặc chồng thì cổ tức (tiền mặt hoặc cổ phiếu) phát sinh từ cổ phiếu là tài sản đang bảo đảm vẫn thuộc phải đảm bảo cho nghĩa vụ của bên thứ ba đang nhận tài sản bảo đảm.

Thứ ba, đối với trường hợp tại 2(1), nếu cả hai bên đang cùng tham gia quản trị, điều hành trong công ty, đều không muốn nhận giá trị cổ phiếu phần được chia và việc chia cổ phiếu cho một bên nhận có thể ảnh hưởng đến quyền quản trị, điều hành hoặc công việc kinh doanh hiện có tại công ty mà các bên đang sở hữu cổ phiếu thì cổ phiếu tạm thời không được chia cho đến khi một trong các bên đồng ý nhận giá trị cổ phiếu. Trường hợp này các bên tự thoả thuận hoặc giải quyết tỉ lệ được chia bằng một vụ án khác. Trong thời gian chưa chia thì các bên được quyền quản trị, điều hành không đổi và nhận phần cổ tức (nếu có) là ngang nhau.

Thứ tư, đối với trường hợp 2(2), nếu chỉ một bên đang tham gia quản trị, điều hành trong công ty và tỉ lệ sở hữu cổ phiếu tại công ty đó từ 5% trở lên thì việc bên còn lại nhận giá trị theo sự thoả thuận các bên (vợ và chồng) hoặc được định giá độc lập theo sự lựa chọn của các bên. Trường hợp không thể thoả thuận được hoặc không thể thống nhất lựa chọn định giá độc lập thì bên nhận giá trị sẽ được chia thêm một phần nhiều hơn theo quyết định của Toà án khi căn cứ vào giá thị trường của cổ phiếu đang giao dịch đối với cổ phiếu niêm yết hoặc giá của đơn vị định giá do Toà án chỉ định cung cấp.

Kết luận

Trong bối cảnhkinh tế thị trường và thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển nhanh chóng thì một thực trạng tất yếu sẽ xảy ra đó là ngày càng nhiều vụ án ly hôn có yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng là cổ phiếu. Khi đó, nếu như không có những quy định pháp luật điều chỉnh phù hợp và kịp thời cho vấn đề ngày thì chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho Tòa án trong quá trình giải quyết các yêu cầuchia tài sản chung vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài viết này mang đến một giải pháp nhằm giải quyết cho vấn đề nêu ra ở phần (1) đặt vấn đề của bài viết.

[1]Trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ nghiên cứu dưới góc nhìn có tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn và chế độ tài sản vợ chồng theo luật định.

[2] Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỉ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

LS.NCSQUÁCH MINH TRÍ

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

HUỲNH THỊ MAI TRINH

Học viên Cao học Luật Kinh tế

Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước UEH

Sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự

Nguyễn Mỹ Linh