/ Tin tức
/ Chính phủ đề nghị giữ quy định Thủ trưởng 02 cơ quan 'thống nhất' khi bổ nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra

Chính phủ đề nghị giữ quy định Thủ trưởng 02 cơ quan 'thống nhất' khi bổ nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra

06/10/2022 23:37 |

(LSVN) - Chính phủ đề nghị dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định theo hướng Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước "thống nhất" với Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên khi bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái Chánh Thanh tra cấp dưới. Đây cũng là quy định của luật hiện hành đang được thực hiện thuận lợi, không có vướng mắc.

Ảnh minh họa.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ký văn bản gửi UBTV Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học…

Nội dung của dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về công tác thanh tra, tinh thần của Hiến pháp 2013 và khắc phục những bất cập về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra trong thực tiễn hiện nay

Do đó, Chính phủ cơ bản thống nhất với dự thảo luật đã được chỉnh lý, dự thảo báo cáo của UBTV Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Theo Tổng Thanh tra, Chính phủ thống nhất với quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số Tổng cục, Cục thuộc bộ với các tiêu chí như trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Với việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị ngành dọc (đóng tại địa phương) thuộc Tổng cục,Cục thuộc bộ, Chính phủ đề nghị “không đưa vào dự thảo luật”.

Chính phủ cũng thống nhất với các quy định về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan thanh tra trực thuộc nhằm tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra.

Dự thảo Luật quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra.

Các cơ quan thanh tra triển khai hoạt động thanh tra theo trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Thanh tra, quy định pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Các quy định này đã phân định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thanh tra, tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Bên cạnh đó, Chính phủ thống nhất quy định về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động thanh tra như dự thảo luật, trong đó có sự phân định rõ trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành để bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra.

Để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật quy định, trường hợp luật khác có quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành khác với quy định trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành chung trong Luật Thanh tra thì thực hiện theo quy định của luật đó "là phù hợp".

Ngoài ra, Chính phủ thống nhất với phương án quy định tại khoản 3, Điều 111 của dự thảo luật về việc cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra…

Vấn đề khác, dự thảo luật quy định thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cũng tham khảo ý kiến của cơ quan thanh tra cấp trên khi bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái Chánh Thanh tra cấp dưới.

Về vấn đề này, Chính phủ đề nghị quy định theo hướng Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước “thống nhất” với Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên khi bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái Chánh Thanh tra cấp dưới.

Theo Chính phủ, quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường tính độc lập, khách quan trong hoạt động thanh tra, nhất là yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm thống nhất về tiêu chuẩn cũng như sự ổn định của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan thanh tra; tránh việc điều động, bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan thanh tra không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, đây cũng là quy định của Luật Thanh tra hiện hành và đang được thực hiện thuận lợi, không có vướng mắc.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang phải thực hiện Quyết định số 140/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương cho ý kiến về công tác cán bộ của các bộ ngành, địa phương thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong việc quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển (Luật Thanh tra hiện hành không quy định nội dung này).

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn tham gia ý kiến trong việc khen thưởng các hình thức khen cao đối với các tổ chức, cá nhân do Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ đề nghị.

Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 75, dự thảo luật như sau: “Với dự thảo kết luận thanh tra có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra có văn bản báo cáo”.

Thanh tra Chính phủ được giao tiếp tục phối hợp với UBPL của Quốc hội và UBTV Quốc hội nghiên cứu, quy định rõ về hệ quả pháp lý của việc báo cáo nhằm phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể (người báo cáo và người được báo cáo) trong việc ban hành kết luận thanh tra.

Theo chương trình, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần hai và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào cuối tháng 10 này.

HOÀNG NGUYÊN

Đề xuất tạm dừng thẩm định khảo sát điện gió ngoài khơi

Admin