Ảnh minh họa.
Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bao gồm: Về chính trị tư tưởng; về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; về trình độ; về năng lực và uy tín; về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác.
Ngoài ra, một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm: Trường hợp bổ nhiệm nhân sự từ nguồn bên ngoài thì không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn đã kinh qua vị trí chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý ở vị trí cấp dưới trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến bổ nhiệm.
Trường hợp người giữ chức vụ, chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 29/2024/NĐ-CP được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm chức vụ, chức danh khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh tương đương hoặc kiêm nhiệm.
Trường hợp đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước thì phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP nhưng không phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định của chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm. Đối với các trường hợp này phải hoàn thiện tiêu chuẩn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm.
Nghị định 29/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2024.
Từ ngày 15/5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần
Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, có hiệu lực từ 15/5/2024.
Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, Quyết định 05/2024/QĐ-TTg nêu rõ, trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hàng loạt quy định về xét tặng các danh hiệu có hiệu lực
Chính phủ mới đây đã ban hành 2 Nghị định mới quy định chi tiết việc xét tặng các danh hiệu gồm: Nghị định 35/2024/NĐ-CP và Nghị định 36/2024/NĐ-CP, đều có hiệu lực trong tháng 5/2024.
Cụ thể, Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” có hiệu lực từ 25/5/2024. So với Nghị định 27/2015/NĐ-CP, Nghị định 35/2024/NĐ-CP có nhiều điểm mới. Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng đối tượng, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, Nghị định 35/2024/NĐ-CP thống nhất ở cả tiêu chuẩn “Nhà giáo nhân dân” và tiêu chuẩn “Nhà giáo ưu tú” để xây dựng tiêu chuẩn theo 7 nhóm đối tượng. Cùng với đó, Nghị định 35/2024/NĐ-CP cũng cắt giảm thủ tục hành chính, rút gọn quy trình, thời gian, cụ thể hóa các tiêu chí theo hướng định lượng tiêu chuẩn, rút gọn chỉ còn 3 cấp hội đồng (cấp cơ sở, cấp Bộ/ban/ngành/tỉnh/đại học quốc gia, cấp Nhà nước)...
Nghị định 36/2024/NĐ-CP quy định chi tiết xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 20/5/2024. Nghị định gồm 5 chương và 19 điều, trong đó quy định rõ việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải bảo đảm nguyên tắc: Tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình (tác phẩm, công trình) về văn học, nghệ thuật của tác giả chỉ được đề nghị xét tặng một chuyên ngành về văn học, nghệ thuật.
Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật của tác giả đã được tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật thì không được kết hợp với tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật khác để đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật...
NGỌC ÁNH (t/h)
Hoàn thiện quy định về hủy kết quả trúng thầu theo Luật Đầu tư và Luật Đất đai