Ảnh minh họa.
Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14; Luật này sẽ có có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và thay thế Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 hiện hành. Do đó, để giúp các cá nhân, tổ chức có thể kịp thời tiếp cận được với những thay đổi trong Luật này, tác giả xin bình luận về việc chính thức bỏ hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh đặc biệt, có tính đặc thù của hệ thống tổ chức kinh doanh ở Việt Nam. Thuật ngữ “hộ kinh doanh” chính thức được sử dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam từ năm 2006. Trước đây, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, hộ kinh doanh tại Việt Nam được gọi dưới các tên gọi khác nhau như “hộ cá thể”, “tổ chức tiểu sản xuất hàng hóa”, “hộ tiểu công nghiệp”, “hộ kinh cá thể”...
Hộ kinh doanh không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo trực tiếp cho chính chủ sở hữu mà còn gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, giúp người dân được tiếp cận các hàng hoá, dịch vụ nhanh hơn với giá cả bình dân. Ngoài ra, một số hộ kinh doanh đang hoạt động tại các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống - một phần của văn hoá dân tộc Việt Nam.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, đối tượng áp dụng Luật này bao gồm: (i) Các doanh nghiệp; (ii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Do đó, hộ kinh doanh không phải là đối tượng áp dụng của của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 212 Luật này lại có quy định: “Hộ kinh doanh sử dụng 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ”.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp, bởi nội dung của Luật Doanh nghiệp quy định về tổ chức, hoạt động của đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Xét về góc độ chính sách, hiện không có một văn bản Luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh. Thậm chí, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 cũng không đưa đối tượng này vào chính sách hỗ trợ, nếu như không chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 101 có quy định về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân như sau: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì hộ kinh doanh không phải là một chủ thể pháp lý. Các thành viên là cá nhân tham gia hộ kinh doanh đó mới là chủ thể pháp lý. Hộ kinh doanh chỉ là cách gọi chung cho những nhóm cá nhân kinh doanh với trách nhiệm vô hạn.
Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP định nghĩa về hộ kinh doanh như sau: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Căn cứ vào những quy định trên về hộ kinh doanh, có thể đưa ra ba đặc điểm đặc trưng của hộ kinh doanh như sau:
Thứ nhất, về chủ thể, hộ kinh doanh không phải là pháp nhân. Hộ kinh doanh do một cá nhân (là công dân Việt Nam), một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ cùng nhau quản lý, phát triển mô hình và chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ thì cá nhân chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh. Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh do các thành viên trong nhóm hoặc các thành viên trong hộ gia đình quyết định và nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người đại diện cho nhóm hoặc cho hộ để tham gia các hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, về quy mô, số lượng lao động và địa điểm kinh doanh. Hộ kinh doanh thường kinh doanh với quy mô kinh doanh nhỏ, sử dụng không quá 10 lao động. Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa chỉ duy nhất trong phạm vi toàn quốc, tức là phải lựa chọn một địa điểm cố định để đăng ký kinh doanh, có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất.
Thứ ba, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong hoạt động kinh doanh. Bởi vì, hộ kinh doanh không phải là một thực thể độc lập, tách biệt với chủ sở hữu nên về nguyên tắc chủ hộ kinh doanh phải có trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của hộ kinh doanh hay nói cách khác là phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình kể cả các tài sản không đưa vào kinh doanh.
Như vậy, bản chất của hộ kinh doanh cũng giống doanh nghiệp tư nhân, nhưng ở quy mô nhỏ hơn, thậm chí siêu nhỏ. Tuy nhiên, khác với doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm vô hạn của hộ kinh doanh có sự phân tán rủi ro cho nhiều thành viên trong trường hợp do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì tất cả các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của hộ kinh doanh.
Trên thế giới, ở một số quốc gia chỉ có quy định về hộ kinh doanh do cá nhân làm chủ với nhiều tên gọi khác nhau như doanh nghiệp một chủ (one-man business), thương nhân cá thể (sole trader) hoặc doanh nghiệp cá thể (sole proprietorship).
Tại Singapore, hộ kinh doanh được coi như loại hình kinh tế doanh nghiệp cá thể (sole proprietorship). Đây là loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu của một người hoặc một công ty, không có đối tác và chủ sở hữu có toàn quyền đối với các hoạt động của doanh nghiệp.
Ở Hà Lan, mô hình hộ kinh doanh được xác định là mô hình doanh nghiệp một chủ (one - man business) có ít hơn 09 lao động, hoặc một cá nhân tự làm chủ, tự kinh doanh và không sử dụng bất cứ nhân viên nào. Hộ kinh doanh có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh trong Sổ đăng ký Thương mại. Chủ sở hữu là người chịu trách nhiệm về mọi hành vi và các khoản nợ của hộ kinh doanh với toàn bộ tài sản của mình.
Nhìn chung, ở các quốc gia này chỉ phân biệt các tổ chức kinh tế dựa trên các đặc trưng về sở hữu, quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư và theo đó, các hình thức kinh doanh được tổ chức dưới ba dạng cơ bản gồm: (i) Há nhân kinh doanh; (ii) Hợp danh; (iii) Công ty cổ phần. Trên cơ sở ba dạng cơ bản này, việc tổ chức đơn vị kinh doanh (doanh nghiệp) có thể chia thành các loại hình cụ thể hơn như: (i) Cá nhân kinh doanh; (ii) Hợp danh; Hợp danh hữu hạn; (iii) Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trách nhiệm hữu hạn hai thành viên; (iv) Công ty cổ phần.
Nếu chỉ dựa trên sự phân biệt thông qua hình thức tổ chức kinh doanh, ví dụ giữa hộ và các doanh nghiệp, là không phù hợp và có thể dẫn đến những bất hợp lý, sự hiểu lầm trong môi trường kinh doanh.
Đến Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật này không quy định về hộ kinh doanh như trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chính phủ sẽ ban hành các quy định cụ thể khác quản lý việc đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh. Thiết nghĩ, việc Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như vậy là hợp lý vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, về bản chất hoạt động, cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với doanh nghiệp. Do đó, không nên đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. So với các loại hình doanh nghiệp của Luật này thì hộ kinh doanh có quy mô kinh doanh hạn chế, hoạt động trong phạm vi ngành, nghề kinh doanh nhỏ. Việc luật hóa hộ kinh doanh chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại. Cụ thể, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, rất nhiều hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động. Khi dịch được kiểm soát thì các hộ kinh doanh đã quay trở lại. Nếu đưa đối tượng này vào Luật Doanh nghiệp thì sẽ không thể linh hoạt được như vậy, gây khó cho hộ kinh doanh.
Thứ hai, nếu coi hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp thì khi đó Luật Doanh nghiệp sẽ trở thành Luật về mô hình kinh doanh, chứ không còn là Luật Doanh nghiệp nữa. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp trong giai đoạn này là chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba, số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn, do đó, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.
Như vậy, hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh chịu nhiều hạn chế như chỉ được kinh doanh ở một địa điểm, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không có quy định về thủ tục giải thể, phá sản và không được hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu không chuyển đổi. Ngay chính khái niệm “hộ kinh doanh” cũng không thật chuẩn xác, vì tuy gọi là hộ kinh doanh nhưng thực chất là cá nhân kinh doanh, việc quản lý cũng thực chất là quản theo cá nhân, thu thuế hộ kinh doanh cũng là thu theo cá nhân.
Trong thực tế, hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ gần với hình thức doanh nghiệp tư nhân, giữa chúng không có khác biệt lớn; giữa hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ và công ty hợp danh về bản chất cũng không có nhiều khác biệt. Điều này cho thấy khoảng trống trong quy định của pháp luật cần được hoàn thiện.
Theo đó, điều quan trọng nhất trong thời gian tới là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh một cách minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn về mặt pháp lý, tức là hộ kinh doanh sẽ được nhà nước bảo hộ nhằm tối đa hóa các nguồn lực, xóa bỏ các hạn chế với hộ kinh doanh. Vì đã kinh doanh thì dù là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng phải có đầy đủ các quyền để họ kinh doanh tốt nhất, tránh sự bất bình đẳng trong mõi trường kinh doanh giữa các chủ thể.
Bên cạnh đó, chính sách khoán thuế, thỏa thuận thuế đối với hộ kinh doanh, cách tính thuế và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế hiện nay có lợi cho hộ kinh doanh hơn là doanh nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn không muốn chuyển đổi. Do đó, thiết nghĩ, cần phải bỏ quy định về thuế khoán đối với các hộ kinh doanh. Khi bỏ quy định về thuế khoán thì buộc hộ kinh doanh sẽ phải có sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ có thể ở mức độ đơn giản phù hợp.
Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, kết hợp với tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang hoạt động dưới loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp đối với các hộ kinh doanh không thuộc diện bắt buộc phải chuyển đổi.
Luật sư NGUYỄN THANH HÀ
Công ty Luật SB Law