/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân chống tham nhũng thời Lê sơ

Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân chống tham nhũng thời Lê sơ

05/01/2021 17:51 |

LSVNO - Ở triều đình nhà Lê sơ, Lục khoa và Ngự sử đài là hai cơ quan cao nhất có quyền hành, chức năng về giám sát, phản biện quan lại nhà Lê sơ. Đặc biệt, trong đội ngũ quan chức thuộc Ngự sử đ...

LSVNO - Ở triều đình nhà Lê sơ, Lục khoa và Ngự sử đài là hai cơ quan cao nhất có quyền hành, chức năng về giám sát, phản biện quan lại nhà Lê sơ. Đặc biệt, trong đội ngũ quan chức thuộc Ngự sử đài, vai trò đàn hặc, can gián của họ đối với vua quan nhà Lê sơ được thể hiện rất rõ.

Trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, hoàng đế Lê Thánh Tông khi viết về giới quan liêu, đã từng có lời rằng:

Chen vai ngõ mận tường đào,

Nối gót đài loan các phụng.

Có kẻ đội điêu thuyền[1] nhặt nhặt,

Có người vận giải trãi[2] nghênh nghênh[3].

Không phải ngẫu nhiên khi viết về giới quan lại với nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, vua Lê Thánh Tông lại đặc biệt chú trọng tới “kẻ đội điêu thuyền” là đội ngũ đại thần đóng vai trò rường cột của nước nhà. Bên cạnh đó là “người vận giải trãi”. Những người vận giải trãi ở đây, vị hoàng đế nhà Lê muốn chỉ đến một đội ngũ quan viên rất mực quan trọng, là tai mắt của triều đình. Đó là các quan ngự sử thuộc Ngự sử đài. Họ là những người có nhiệm vụ can gián những việc làm không phải của vua; tố cáo, đàn hặc những sai lầm của quan lại, và hẳn nhiên không thể bỏ qua tội tham nhũng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân chống tham nhũng

Việt Nam văn hóa sử cương cho biết, ngay từ thời nhà Lý nước ta đã có cơ quan giám sát. Nhà Lý thì đặt quan Tả hữu Gián nghị đại phu, nhà Trần đặt Ngự sử đài, nhà Nguyễn đặt Đô sát viện[4]. Thời Lê sơ ngay từ buổi đầu đã thiết lập nên cơ quan Ngự sử đài theo quan chế cũ của nhà Trần. Vai trò của Ngự sử đài được xem là rất lớn như lời Phan Huy Chú ghi: “Ngự sử đài giữ phong hóa pháp độ, chức danh rất trọng”[5]. Bởi chăng, chức năng cơ quan này, cũng thường được gọi là ty Phong hiến, được vua Lê Thái Tổ xác định ngay từ khi được lập là trình bày, đàn hặc ngay những việc của thi hành pháp lệnh hà khắc, thuế khóa nặng nề, thưởng phạt không công minh của vua, hiện tượng không giữ phép nước, ăn của đút, nhũng nhiễu làm hại dân của đại thần, quan lại trong Kinh sư ngoài các đạo[6]. Trong dụ gửi Ngự sử đài và Giám sát ngự sử 13 đạo của vua Lê Thánh Tông năm Kỷ Dậu (1489) cũng chỉ rõ rằng: “Chức trách của ty Phong hiến là xét hặc, trước nay đã quy định là phải chia tách để trông coi thì rường mối mới hoàn chỉnh và thành nền nếp. Kể từ nay, các ngươi: những nha môn trong kinh mà cáo giác nhân viên nào tham tang, phạm pháp và hết thảy việc công lợi hại thì do phần ty đó xét hỏi thi hành; nếu là ba ty bên ngoài trị lý dân chúng, khi phát hiện quan lại tham ô, hoặc có đơn khống tố về kiện tụng oan ức, cùng tất cả việc riêng tư xảy ra trong phủ, huyện, châu thì do phân ty các đạo xét xử thi hành”[7].

Xét tổng quan, Ngự sử đài là cơ quan có trách nhiệm đàn hặc[8] quan lại, bàn về chính sự hiện thời. Nếu quan lại làm việc trái phép hoặc chính sự có việc gì thiếu sót thì Ngự sử đài có trách nhiệm tâu bày. Trong đó, các chiếu chỉ, dụ của vua nhà Lê cho Ngự sử đài luôn nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan này trong việc điều tra những quan viên tham ô. Đồng thời cơ quan này còn có nhiệm vụ xét bàn thành tích của các nha môn Đề lĩnh, Phủ doãn, Trấn thủ, Lưu thủ, Thừa ty. Lại có quyền xét hỏi các vụ kiện về người quyền quý ức hiếp ở kinh đô, về người cai quản có biểu hiện dựa quyền mà tư lợi cũng như xét cả tiểu sử quan lại[9]. Vậy là chức trách, nhiệm vụ của Ngự sử đài rất lớn trong hệ thống chính quyền nhà Lê sơ. Một người từng làm ở Ngự sử đài thời Lê Thánh Tông là Đô ngự sử Bùi Xương Trạch đã từng nêu rõ tầm quan trọng của ty Phong hiến: “Đài này là nơi rường mối của nước, tai mắt mọi người ở đó. Phải vô tư mới bắt bẻ người được, phải giữ mình đúng đắn mới chấp hành hiến pháp”[10].

Thời Lê sơ, Nhà nước đặt thêm chức Giám sát ngự sử ở 13 đạo tồn tại song hành cùng Ngự sử đài ở cấp trung ương. Theo Phan Huy Chú, chức vụ của Giám sát ngự sử 13 đạo là “xét hỏi các vụ kiện do Ngự sử đài duyệt lại lên quan bản đài xét xử, và cuối năm trình bày về chính sự hiện thời”[11]. Giám sát ngự sử có trách nhiệm trực tiếp thực thi quyền hành của mình ở các đạo phụ trách, xem xét công việc ở các đạo để xử lý sự nhũng nhiễu nếu có[12]. Thẩm tra lại những vụ án về tướng đẽo khoét quân lính, người có chức quyền lấy của dân, và cả việc thẩm tra, đánh giá người liêm khiết để tâu lên triều đình phân xử, từ đó mà răn đe hoặc khuyến khích. Nhờ đó tạo thành một bộ máy có hệ thống hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương, giúp cho hiệu quả hoạt động của Ngự sử đài thêm cao và quyền lực thêm nhiều để thực hiện tốt trách nhiệm được giao.

Cùng với Ngự sử đài là cơ quan có chức năng thanh tra quan lại, Nhà nước còn đặt Lục khoa chịu trách nhiệm theo dõi việc làm của Lục bộ. Lục khoa được thành lập năm Canh Thìn (1460) thời Lê Nghi Dân với tên gọi Trung thư khoa, Hải khoa, Đông khoa, Tây khoa, Nam khoa và Bắc khoa[13]. Đến năm Ất Dậu (1465), vua Lê Thánh Tông đổi Trung thư khoa thành Lại khoa, Hải khoa thành Hộ khoa, Đông khoa thành Lễ khoa, Nam khoa thành Binh khoa, Tây khoa thành Hình khoa, Bắc khoa thành Công khoa.

Mỗi một khoa có chức năng riêng của mình đối với bộ tương ứng. Như “bộ Lại bổ dụng thăng giáng không đúng, lại Khoa có thể bác bẻ chấn chỉnh. Bộ Lễ nghi tiết lầm lỗi, lễ Khoa có quyền tận bày. Hình khoa bàn những án bộ Hình xét xử”[14]… Đây là hình thức giám sát trực tiếp để các cơ quan làm hết vai trò, trách nhiệm của mình, nếu có lầm lỗi, thiên tư thì ngay lập tức sẽ bị xét xử. Theo PGS.TS Trần Thị Vinh, ở triều đình, theo thứ tự chức năng thì sắp xếp trước hết là Lục khoa rồi đến Ngự sử đài[15]. Theo sự sắp xếp trong quan chế nhà Lê, thì quan viên làm trong Lục khoa thuộc hàm chánh thất phẩm và chánh bát phẩm, cụ thể là Đô cấp sự trung hàm chánh thất phẩm, Cấp sự trung hàm chánh bát phẩm[16]. Dù phẩm hàm thấp nhưng vị trí của họ đều là trọng chức.

Ở triều đình nhà Lê sơ, Lục khoa và Ngự sử đài là hai cơ quan cao nhất có quyền hành, chức năng về giám sát, phản biện quan lại nhà Lê sơ. Đặc biệt, trong đội ngũ quan chức thuộc Ngự sử đài, vai trò đàn hặc, can gián của họ đối với vua quan nhà Lê sơ được thể hiện rất rõ. Quan viên thuộc Ngự sử đài thời Lê Thái Tổ gồm có “Đô ngự sử hàm chánh tam phẩm; Phó đô ngự sử hàm chánh tứ phẩm; Thiêm đô ngự sử hàm chánh ngũ phẩm; Thủ lĩnh quan, Chiêu mạ, Đề hình án sát ngự sử, Thập tam đạo giám sát ngự sử, Án ngục sở, Ngục thừa đều hàm chánh cửu phẩm”[17]. Đến thời Lê Thánh Tông thì giảm thiểu chỉ còn Đô ngự sử, Phó đô ngự sử, Thiêm đô ngự sử, Giám sát ngự sử và 13 Giám sát ngự sử ở 13 đạo[18].

Như lời của vua Lê Nhân Tông năm Bính Tý (1456), thì chức vụ của các quan thuộc Ngự sử đài là “giúp vua sửa điều lỗi, chữa điều lầm, trừ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện”[19]. Nhưng nhiệm vụ cụ thể của họ không chỉ dừng lại ở đó, được xem là ngôn quan trong hàng ngũ quan viên, chức trách “phải nói” của họ còn là hặc tội những quan viên nào làm trái với chức nhiệm của mình như tham nhũng, lạm quyền, phạm luật, thiếu năng lực… Chức năng can gián này rất nặng nề: “Dầu thấy rìu búa (phép chém giết mình được) mà cũng dám can gián vua. Dầu thấy vạc dầu sôi đe trước mắt cũng nói cho hết lời can gián vua. Như vậy mới gọi là tôi ngay; tôi ngay thì chẳng có sợ chết, nếu sợ chết thì chẳng phải tôi ngay”[20].

Mặc dù không phải là bậc đại thần quyền cao chức trọng khiến hàng ngũ quan lại dưới quyền phải nể sợ, nhưng với vị trí mà các ngôn quan làm, họ được sự bảo vệ của nhà vua. Trường hợp năm Mậu Thìn (1448), Giám sát ngũ hình Trình Duy Nhất để án kiện đọng lại nhiều bị ngôn quan hặc tội nhưng lại chống chế, biện bạch và kể tội ngôn quan, cho là họ bới móc cái xấu của người khác mà không biết sửa mình, đã bị vua Lê Nhân Tông lệnh đánh 80 trượng, biếm chức 2 tư là một ví dụ điển hình[21]. Trong 14 kế sách trị bình dâng lên vua Lê Tương Dực, Lương Đắc Bằng nhấn mạnh một trong 14 kế sách cần làm ấy là phải kén chọn gián quan để cho người dám nói phấn khởi, càng cho thấy tầm quan trọng của đội ngũ này.

Do nắm giữ vị trí được xem là khó khăn, can gián cả vua (mà dân gian ta đã có câu cửa miệng “chơi với vua như chơi với hổ”), đàn hặc quan lại, trong đó có nhiều người quyền thế, phẩm hàm cao hơn mình, nên trong việc đặt người vào chức ngôn quan cần có sự chọn lọc kỹ càng với tiêu chuẩn cao mà như chính bản thân một ngôn quan thời vua Lê Nhân Tông là Ngự sử trung thừa Phạm Du đã tự bộc bạch năm Bính Tý (1456): “Bọn thần lạm dự chức ngôn quan, không thể né sợ người quyền thế, cũng không thể im lặng không nói, làm đúng như lời dụ của bệ hạ”[22]. Đó là nhiệm vụ nói thẳng, nói thật, không sợ quyền thế, không sợ trách phạt, không sợ ngược ý bề trên và không bị danh lợi mua chuộc. Sử từng ghi về ngôn quan Phan Thiên Tước “gặp việc dám nói, đến vua cũng nể sợ”[23]. Việc năm Đinh Tỵ (1437), Chuyển vận huyện Thạch Thất[24] là Trần Hiển được vua Lê Thái Tông chọn làm Thị ngự sử là một ví dụ điển hình. Bởi trước đó huyện Thạch Thất có nhánh sông cũ, Tổng quản Lê Hiệu lấp đi làm đất của mình làm thuyền bè qua lại bị cản trở nhiều, Trần Hiển không sợ uy quyền của Tổng quản, tâu việc ấy lên triều đình nên được đánh giá là người cứng cỏi, có thể làm chức phong hiến (ngôn quan) nên vua giao chức ấy cho[25].

Ngoài hai cơ quan Lục khoa chức năng giám sát, phản biện việc làm của Lục bộ, Ngự sử đài can gián vua, khảo xét việc đúng sai của quan lại và chấn chỉnh 13 đạo thông qua Giám sát ngự sử, thời Lê sơ còn một bộ phận cũng tham gia công việc này để góp phần chỉnh đốn chốn quan trường khi ở cấp địa phương là phủ, lộ, việc khảo xét được trao cho Hiến ty với Hiến sát sứ ty phụ trách việc thanh tra các lại trong địa phương mình. Ngoài ra, còn có Đông các đại học sĩ được dùng với vai trò cố vấn[26]. Phương thức giám sát quan lại này của nhà Lê sơ là nhằm “khiến cho lớn nhỏ cùng tựa, cao thấp chế nhau, uy quyền không lạm, thế nước khó lay”[27] như lời tờ dụ Hiệu định quan chế năm Tân Mão (1471) của vua Lê Thánh Tông

Tác dụng và hạn chế

Với quyền hạn được nhà nước giao cho, trong thực tế Lục khoa, Ngự sử đài đã phát huy vai trò, chức trách của mình để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt ở đây có dấu ấn rất lớn của Ngự sử đài. Nhiều vụ lấn quyền, tham nhũng được chính các ngôn quan làm việc trong Ngự sử đài phát hiện ra và tâu bày thẳng thắn để nhà vua phân xử, cũng như nhiều ngôn quan đã có lời nói thẳng, nói thật khuyên can việc làm, chính sách của vua Lê. Nhiều lần các ngôn quan nhà Lê đã tỏ rõ gan cứng cỏi của mình khi trực tiếp tranh biện với vua và nhiều lời nói phải, hợp lý của họ được vua nghe theo. Thậm chí có trường hợp sẵn sàng từ chức như việc tháng 6 năm Giáp Dần (1434), Ngự sử phó trung thừa Nguyễn Thiên Hựu trút mũ xin từ chức vì nói trái ý vua Lê Thái Tông, Thị ngự sử Nguyễn Vĩnh Tích vì lời tâu không được duyệt mà dâng sớ xin nghỉ.

Trong khi thực thi công việc, các ngôn quan nhiều lần phải đụng chạm tới những người có chức quyền cao hơn mình, nhưng vẫn không kiêng dè. Một minh chứng điển hình là tháng 12 năm Giáp Dần (1434), ngôn quan Phan Thiên Tước dâng sớ hặc tội Tiền quân tổng quản Lê Thụ vì đang có quốc tang (tang vua Lê Thái Tổ) mà lấy vợ, làm nhà cao cửa rộng, cho người nhà mua bán vụng trộm với người nước ngoài. Sau khi phân xử, dù có Đô đốc Lê Vấn, Tư mã Lê Ngân cố giải cứu, nhưng Lê Thụ vẫn bị tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc mua bán vụng trộm, còn người vợ lẽ được cưới thì phải rút khỏi hộ tịch nhà Lê Thụ để làm người dưng[28]. Chính từ lời hặc tội của hai vị Thị ngự sử là Đinh Cảnh An và Nguyễn Vĩnh Tích tháng 6 năm Đinh Tỵ (1437) về sự chuyên quyền, lấn át cả vua Lê Thái Tông của Đại tư đồ Lê Sát mà ngay lập tức Lê Sát bị xét xử và khép vào tội chết, cho thấy tiếng nói của ngôn quan có trọng lượng lớn đối với triều đình. Thậm chí Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật sau phải chết vì lòng trung khi không thay đổi di chiếu, dù mẹ nuôi Lê Tuấn (sau này là Lê Uy Mục) đút lót để mong Lê Tuấn được làm vua.

Trong khoảng 30 vụ tham nhũng, hối lộ được phát hiện, xử lý trong 40 năm đầu của nhà Lê sơ sử sách ghi lại, có ít nhất 6 vụ là do các quan thuộc Ngự sử đài phát hiện và tâu lên nhà vua để xử lý. Đó là vụ của đầu bếp Nguyễn Chú năm Giáp Dần (1434), vụ Đồng quản lĩnh Lê Trung Xích và vụ Nguyễn Nhữ Soạn năm Đinh Tỵ (1437), vụ Thái úy Lê Thụ năm Mậu Thìn (1448), vụ Kim ngô vệ Lê Quát và vụ Quản lĩnh Nguyễn Nguyên Thông năm Bính Tý (1456).

Trên bình diện chung, Ngự sử đài cùng các ngôn quan đã làm tốt chức năng được giao của mình. Nhưng cũng có những hạn chế mang tính khách quan và chủ quan đối với Ngự sử đài và cả Lục khoa là hai cơ quan chuyên trách giám sát, phản biện mà nhà Lê sơ vẫn chưa thể khắc phục được để góp phần cho hai cơ quan này thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, trong đó có việc phát hiện, xử lý nạn tham nhũng.

Thứ nhất, dù nhiệm vụ của quan lại trong hai cơ quan này nặng nề, trách nhiệm cao nhưng phẩm hàm của họ lại thấp, đặc biệt là ở Lục khoa. Phẩm hàm các quan viên trong các khoa rất thấp trong hàng cửu phẩm, cụ thể: của Đô cấp sự trung là chánh thất phẩm, Cấp sự trung là chánh bát phẩm. Trong khi đó nhiệm vụ chính của họ là giám sát, thanh tra công việc của Lục bộ. Mà quan chức của Lục bộ với chức cao nhất là Thượng thư có hàm tòng nhị phẩm, xếp sau là Tả, Hữu thị lang có hàm tòng tam phẩm, rồi cấp tiếp theo Thuyên khảo thanh lại ty lang trung (bộ Lại), Tích đạc chi thanh lại ty lang trung (bộ Hộ), Nghi tiết thanh lại ty lang trung (bộ Lễ), Vũ khố quân vụ thanh lại ty lang trung (bộ Binh), Khâm thận minh tường chánh ngũ hình thanh lại ty lang trung (bộ Hình), Doanh thiện công trình thanh lại ty lang trung (bộ Công) đều hàm chánh lục phẩm. Chỉ từ cấp thứ tư trở đi mới có hàm chánh, tòng lục phẩm đến hàm chánh, tòng cửu phẩm[29]. Ở Ngự sử đài, dù sao thì chức quan lãnh đạo cơ quan của họ mang hàm chánh tam phẩm, chánh tứ phẩm cũng được xem là phẩm hàm cao.

Mặc dù phẩm hàm của quan ở Lục khoa thấp nhưng nắm giữ chức vụ cao[30]. Tuy nhiên rõ ràng cứ theo cái thông lệ “trọng danh” của người Việt ta, thì người phẩm hàm cao hơn ít khi phục người ở dưới mình. Còn người phẩm hàm thấp hơn thì cũng lấy đó làm sự khó khăn khi điều tra, giám sát công việc của cơ quan mà ở đó đa phần là những người phẩm hàm cao hơn mình, ít nhất là ở ba bậc quan đầu của Lục bộ. Từ đó mà hiệu quả công việc giám sát, thanh tra của Lục khoa với Lục bộ không được cao. Trong thực tế, sử không ghi nhiều về công việc của Lục khoa cũng như những thành tựu họ đạt được trong khi thực thi nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, dù thực hiện tốt vai trò vốn có, nhưng đối với nhiều trường hợp quan viên cao cấp phạm tội tham ô, nhũng lạm thì ngôn quan còn có biểu hiện né tránh quyền thế, thậm chí bợ đỡ lấy lòng. Thế nên mới có việc tháng 11 năm Mậu Thìn (1448), Ngự sử Đồng Hanh Phát hặc tội Thái úy Lê Thụ mượn đám cưới con trai để nhận đồ biếu xén của quan viên khắp nơi, nhưng đến tối thì lại trực tiếp mang đồ lễ đến tạ tội với Lê Thụ[31]. Hoặc có trường hợp lại còn tự bịt tai bịt mắt để dung túng cho hành động hối lộ được thực hiện. Bởi vậy mới có việc Giám sát ngự sử Quản Công Thiêm bị bắt vào nhà lao năm Đinh Hợi (1467) vì biết Hán Tông Nghiệp đưa hối lộ mà nhắm mắt làm ngơ.

Thời Lê sơ, có nhiều tấm gương các ngôn quan được người đời ngợi khen, trong đó tiêu biểu có Bùi Cầm Hổ (1390 - 1483), một ngôn quan phụng sự ba đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông được vua Tự Đức xếp vào mục Hiền thần trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh và nhận xét: “Là một nhân vật cương trực dám nói, không cần né tránh quyền thế”[32]. Bình sinh ông từng tranh biện với Đại tư đồ Lê Sát để không cho Trình Bá Hoành làm quan vì có tính phản trắc, lại thẳng thắn khuyên vua giết Lê Sát không nên đem bêu thây làm nhục kẻo thiên hạ chê cười. Rồi trường hợp Lương Đăng là hoạn quan được sai chế định nhã nhạc, Lê Chữ là lính bắn nỏ được làm quan, ông đều dâng sớ can ngăn vì thấy không hợp. Vua dù không làm theo nhưng vẫn nể lòng trung của ông. Bởi vậy mà đời sau Hiệp trấn Bùi Huy Bích có thơ khen ông, trong đó có câu:

Đài gián phòng quy tiền sử kiến,

Thần quân tích tự dã nhân tri.

Dịch thơ:

Nhớ xưa can gián thẳng ngay,

Trong triều ngoài nội đó đây tiếng đồn[33].

Năm Mậu Thìn (1448) nhiều quan to của triều đình được ban tiền lên biên giới hội khám với tướng nhà Minh, việc hội khám sau đó không diễn ra, họ lấy tiền nhà nước ban mua hàng hóa riêng cho mình, trong đó có cả Trung thừa Hà Lật. Năm Quý Mùi (1463), vua Lê Thánh Tông có dụ cho quan lại, trong đó viết: “Nay bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ, Phạm Du khi bàn luận ở triều đình, hay lúc quyết định việc chính trị đều a dua lấy lòng hoặc ngậm miệng không nói, thì dù có lỗi nhỏ mà khép vào pháp luật cũng đáng”[34]. Hà Lật, Phạm Du đều là quan chức của Ngự sử đài. Điều đó chứng tỏ trong đội ngũ ngôn quan của Ngự sử đài được lựa chọn kỹ càng, đa phần là những người ngay thẳng, dám nói thì vẫn còn một bộ phận chưa làm tốt được chức trách nhà nước giao phó. Cá biệt có Nguyễn Vĩnh Tích, khi làm ngôn quan từng được vua Lê Thánh Tông khen là biết lo cho vua, yêu nước, gặp việc nói hết, nhưng khi được cất nhắc lên làm Binh bộ Thượng thư thì nhiều lần tham nhũng không xứng chức.

Cá biệt ở thời vua Lê Nhân Tông, chức ngôn quan lại chủ yếu do những người họ ngoại của vua nắm giữ. Đa phần những kẻ này không có thực tài, dựa vào quyền thế, thân thích với vua mà nắm chức vụ. Điều này được kiểm chứng qua nhận xét của vua Lê Thánh Tông: “Khoảng năm Thái Hòa, Diên Ninh, chức Ngự sử không ở ngoại thích thì ở quyền thần, vì thế công luận lộn bậy, không phân biệt đâu là ngựa đâu là hươu, tệ hại cho việc không lúc nào trầm trọng hơn thế”[35].

Ths Trần Đình Ba

 

[1] Điêu: loài chồn, cáo có đuôi dài đẹp. Điêu cũng là tên một loài chim. Thiền (thuyền) là con ve sầu. Ý chỉ đại thần trong triều vì các đại thần đội mũ có lông điêu, phái trước mũ cài hoa bạc, trên hoa có khảm hình con ve bằng đồi mồi.

[2] Giải trãi: tên giống thú có sừng có thể phân biệt người ngay, kẻ gian. Nếu gặp kẻ gian nó sẽ dùng sừng mà húc. Các quan ngự sử có cái bố từ (miếng vải vuông đính đằng trước và đằng sau áo chầu) có thêu hình con thú này.

[3] Trần Thị Băng Thanh chủ biên (2006), Tinh tuyển văn học Việt Nam: Văn học thế kỷ XV - XVII, tập IV, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.340-341.

[4] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, sđd, tr.142.

[5] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, sđd, tr.556, phần “Quan chức chí”.

[6] Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, sđd, tr.131-132.

[7] Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 536.

[8] Đàn hặc: có nghĩa là góp ý kiến để sửa đổi.

[9] Dẫn theo Văn Tạo, “Tổ chức và thực hiện nhiệm vụ “Giám sát và phản biện xã hội” của nhà nước Việt Nam trong lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 3 (393) năm 2009, tr. 15.

[10] Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, tr. 299, phần “Nhân vật chí”.

[11] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, sđd, tr. 586, phần “Quan chức chí”.

[12] Trần Trọng Kim (1971), Việt Nam sử lược, Quyển I, Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, tr. 256.

[13] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, sđd, tr.560, phần “Quan chức chí”.

[14] Đặng Xuân Bảng (1997), Sử học bị khảo, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 551, phần “Quan chế khảo”.

[15] Trần Thị Vinh (2012), Thiết chế và phương thức tuyển dụng quan lại của chính quyền nhà nước trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.124.

[16] Viện Sử học (1997), Lê triều quan chế, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 37.

[17] Viện Sử học, Lê triều quan chế, sđd, tr. 34.

[18] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập II, sđd, tr. 556, phần “Quan chức chí”.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, tr. 941.

[20] Trương Vĩnh Ký dịch (2005), Minh tâm bửu giám, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, tr.241.

[21] Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr.387.

[22] Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 406.

[23] Đặng Xuân Bảng (2000), Việt sử cương mục tiết yếu, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 308.

[24] Huyện Thạch Thất: tên huyện thuộc Hà Nội ngày nay.

[25] Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 369 - 370.

[26] Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, sđd, tr. 389.

[27] Lê Kim Ngân (1963), Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, tr. 175.

[28] Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, sđd, tr.308.

[29] Viện Sử học, Lê triều quan chế, sđd, tr.30-33.

[30] Trường hợp này theo Lê triều hội điển thì thường dùng chữ “Quyền” ở đầu để dùng cho người phẩm thấp tạm giữ chức cao. Tham khảo: Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2011), Điển chế và pháp luật Việt Nam thời trung đại, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 65, phần “Lê triều hội điển”.

[31] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, sđd, tr. 921.

[32] Dực Tông Anh hoàng đế (1970), Ngự chế Việt sử tổng vịnh, Quyển Thượng, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, tr. 280.

[33] Bùi Dương Lịch (1993), Nghệ An ký, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 242 - 243.

[34] Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 426 - 427.

[35] Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd, tr. 439.