/ Trao đổi - Ý kiến
/ Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại: Lý luận và thực tiễn

Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại: Lý luận và thực tiễn

01/03/2023 08:48 |

(LSVN) - Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã xuất hiện một khái niệm mới đó là "thương mại điện tử" (TMĐT) để chỉ các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trên các nền tảng ứng dụng trong quy trình kinh doanh online. TMĐT được thực hiện qua các thiết bị truyền thông đa phương tiện, Internet, mạng viễn thông được thiết kế để giúp hoàn thành mục tiêu kinh doanh một cách tốt hơn và thông minh hơn. Tính nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm, hiệu quả là những ưu điểm vượt trội của phương tiện điện tử đã làm cho các phương tiện điện tử ngày càng chiếm ưu thế so với “văn bản giấy” trong giao dịch thương mại tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Về mặt lý luận và căn cứ pháp lý của chứng cứ điện tử

Thư điện tử, điện thoại di động, thậm chí các ứng dụng chat cũng được doanh nghiệp tận dụng triệt để trong việc giao kết, trao đổi thông tin và thực hiện hợp đồng. Xu hướng chung là các doanh nghiệp thường ưu tiên phương tiện điện tử trước rồi sau đó mới giao nhận “văn bản giấy” như là một biện pháp “phòng vệ” khi xảy ra tranh chấp và cũng có những doanh nghiệp chọn sử dụng phương tiện điện tử 100% không cần “văn bản giấy”.  Để kịp thời điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến thương mại điện tử, năm 2005, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử.

Tại Điều 10 của Luật này quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu quy định: “Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Điều này gián tiếp khẳng định giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, đến khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật Tố tụng dân sự) được thông qua thì “Dữ liệu điện tử” mới chính thức được công nhận là một nguồn chứng cứ hợp pháp. “Chứng cứ điện tử” không được định nghĩa trong Bộ luật Tố tụng dân sự mà đây chỉ là cách gọi của những người làm công tác pháp luật, người tham gia tố tụng thường dùng nhưng về bản chất thì “Dữ liệu điện tử” chính là “Chứng cứ điện tử”. Vậy, chứng cứ điện tử là gì, các vấn đề pháp lý cũng như thực tiễn áp dụng của chứng cứ điện tử hiện nay được quy định như thế nào? Trong khuôn khổ cho phép của bài viết, tôi xin phép trình bày một cách khái quát nhất các vấn đề mà những câu hỏi trên đây đã đặt ra. 

Trước hết, chúng ta cùng quay về với khái niệm “Chứng cứ” được quy định tại Điều 93, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”. Liên quan đến chứng cứ điện tử, Điều 94, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: 1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử...”. Điều 95.3, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử". Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định: “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”.

Từ các quy định pháp luật trên, có thể khái quát: “Chứng cứ điện tử” là tất cả những thông tin, dữ liệu được thu thập từ mạng máy tính như internet, thư điện tử, fax, ứng dụng chat, hoặc các phương tiện/thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại di động, máy ảnh,... Như vậy, các dữ liệu điện tử vừa đóng vai trò truyền tải thông tin, thực hiện hoạt động thương mại vừa là nguồn chứng cứ để phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp thương mại nói chung trong đó có thương mại điện tử.

1. Đặc điểm của chứng cứ điện tử

Không thể tìm thấy bằng mắt thường: Chứng cứ điện tử được tìm thông qua các lệnh, đôi khi chỉ chuyên gia mới có thể tìm kiếm hoặc ở những nơi chỉ có thể tiếp cận bằng các công cụ đặc biệt.

Dễ bị ẩn hay biến mất: Ở một số thiết bị và tại một số điều kiện nhất định, bộ nhớ máy tính (dữ liệu chứa chứng cứ) có thể bị đè (hoặc thay đổi) bởi chức năng hoặc hoạt động thông thường của thiết bị. Điều này có thể do sự dừng đột ngột của hệ thống hay do cài đặt thông tin mới đè lên thông tin cũ do thiếu dung lượng bộ nhớ hay có thể do yếu tố môi trường như nhiệt độ cao, ẩm ướt làm hỏng bộ nhớ lưu trữ.

Có thể bị thay đổi hoặc bị phá hủy: Trong quá trình sử dụng thông thường, các thiết bị điện tử luôn thay đổi trạng thái bộ nhớ theo yêu cầu của người sử dụng trong quá trình cập nhật dữ liệu/lưu các thay đổi hay do quá trình cập nhật tự động dữ liệu của hệ điều hành thiết bị.

Dễ nhân bản: Dữ liệu điện tử có thể được sao chép vô thời hạn với hàng loạt bản sao giống hệt như bản gốc.

2. Sự khác nhau giữa chứng cứ điện tử và chứng cứ truyền thống (văn bản, vật chứng)

Chứng cứ điện tử

Chứng cứ truyền thống

Có thể thay đổi trong máy tính hoặc đường truyền

Khó thay đổi cấu trúc

Có thể thay đổi chứng cứ mà không để lại dấu vết

Khi thay đổi chứng cứ thường để lại dấu vết

Khó có thể nhận biết chứng cứ vì chúng được lưu trữ và mã hóa.

Dễ dàng nhận biết chứng cứ ngay từ khi nhìn thấy.

Dễ dàng nhân bản.

Khó nhân bản.

Tốc độ công nghệ ảnh hưởng đến chất lượng chứng cứ.

Điều kiện vật chất ảnh hưởng đến chất lượng chứng cứ.

3. Căn cứ pháp lý của việc sử dụng dữ liệu điện tử với tính chất là một nguồn chứng cứ phục vụ việc giải quyết các tranh chấp thương mại

Tại Điều 34, Luật Giao dịch điện tử 2005 thừa nhận giá trị pháp lý của Hợp đồng điện tử: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Điều 5, Nghị định số 30/2020/NĐ-CP quy định: “Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy”. Điều 15, Luật Thương mại thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại: “Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản”. 

Từ các quy định trên, theo quan điểm của tôi, hợp đồng thương mại được giao kết/thực hiện thông qua các phương tiện điện tử có giá trị pháp lý như "hợp đồng bằng văn bản giấy". Hợp đồng điện tử giao kết thành công là tiền đề để tạo ra các chứng cứ điện tử khác trong quá trình thực hiện và chấm dứt hợp đồng như: Hợp đồng lao động, thỏa tước lao động tập thể, công tác nhân sự, đưa ra ý kiến, quyết định bằng email, điện thoại, ứng dụng chat về tiến độ thanh toán, giao nhận hàng hóa, cung cấp dịch vụ, giám sát chất lượng, khiếu nại, bảo hành, phạt vi phạm, tạm ngưng thực hiện hợp đồng, chấm dứt hợp đồng,...

4. Phương thức tạo lập ra các dữ liệu điện tử trong giao dịch thương mại

Các doanh nghiệp thường sử dụng “chữ ký điện tử” trên các tài liệu về giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng thương mại (Hợp đồng, thông báo, công văn, bản vẽ, thiết kế, hóa đơn, chứng từ,...) và đây là các chứng cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp. Chữ ký điện tử có nhiều loại: Chữ ký số và các loại chữ ký khác do người dùng tạo ra trên tệp (file) word, excel, PDF bằng các thủ thuật máy tính, ứng dụng,... nhằm xác minh người ký và chứng minh sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu. Trong đó, chữ ký số là loại chữ ký điện tử có giá trị tin cậy và độ bảo mật cao nhất. Ngoài các tài liệu có chữ ký điện tử thì các thông điệp dữ liệu khác cũng được xem là chứng cứ điện tử. Ví dụ: Email trao đổi thông tin, đoạn ghi âm/video clip ghi hình cuộc họp trực tuyến, hình ảnh/video được thực hiện bằng điện thoại di dộng,... Tuy nhiên, giá trị chứng minh của mỗi chứng cứ còn phụ thuộc vào khả năng lập luận, phản biện của doanh nghiệp. Để tránh các rủi ro trong việc sử dụng các dữ liệu điện tử với  tính chất là các chứng cứ điện tử, doanh nghiệp nên lưu ý các giải pháp sau đây:  

- Doanh nghiệp nên sử dụng thư điện tử của công ty để trao đổi thông tin; tránh sử dụng thư điện tử cá nhân như: Gmail, yahoo,... sẽ rất  khó thu thập chứng cứ và không xác định được danh tính người dùng. 

- Doanh nghiệp nên sử dụng và yêu cầu đối tác sử dụng chữ ký số, thay vì chữ ký điện tử khác trên các tài liệu, chứng cứ quan trọng trong giao dịch thương mại như: Hợp đồng, phụ lục hợp đồng, chứng từ, đơn đặt hàng, thông báo tạm ngừng hoặc chấm dứt hợp đồng vì tính xác thực cao của chữ ký số là giá trị chứng minh cao.

- Sau khi giao kết, gửi hoặc nhận tài liệu bằng phương tiện điện tử, hai bên cùng ký bổ sung văn bản giấy để lưu trữ hồ sơ để phòng khi dữ liệu điện tử bị hư hỏng, thất lạc thì vẫn có chứng cứ để giải quyết nếu xảy ra tranh chấp. Thời điểm này chưa tranh chấp nên hai bên dễ dàng hợp tác ký xác nhận trên các văn bản.

- Yêu cầu người có thẩm quyền của đối tác xác nhận ý kiến quyết định những vấn đề quan trọng để tránh trường hợp người đưa ra quyết định là người không có thẩm quyền.

5. Giá trị chứng minh của chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp dân sự nói chung và thương mại nói riêng

Như đã nói ở trên, dữ liệu điện tử trong giao dịch thương mại cũng chính là nguồn chứng cứ điện tử được sử dụng trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài thương mại. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ và chứng minh là nghĩa vụ của các bên tranh chấp, chủ yếu là của nguyên đơn. Cơ quan giải quyết tranh chấp chỉ hỗ trợ đương sự việc thu thập, xác minh chứng cứ trong một số trường hợp luật định mà đương sự không thể tự mình thu thập. Vai trò chính của Tòa án/Trọng tài thương mại là kiểm tra, đánh giá chứng cứ do các bên cung cấp và đưa ra phán quyết. Thực tế cho thấy, chứng cứ điện tử có giá trị chứng minh thấp hơn chứng cứ truyền thống (đa số là văn bản giấy). Thông thường, đương sự không thể chứng minh được tính nguyên vẹn của chứng cứ điện tử, không xác định được người khởi tạo và truyền dữ liệu, tức là không chứng minh được sự thật khách quan về sự tồn tại của chứng cứ. Nhiều trường hợp đương sự lưu trữ chứng cứ điện tử trong quá trình thực hiện hợp đồng không đầy đủ dẫn đến thông tin bị đứt quãng, không logic với các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án nên không có giá trị chứng minh. Chứng cứ điện tử do một bên cung cấp dễ bị phản bác bởi lập luận khoa học, hợp lý của bên còn lại. Việc thắng hay thua kiện còn phụ thuộc vào kỹ thuật thu thập, sử dụng chứng cứ, lập luận chứng minh, phản biện của các bên tranh chấp. Chứng cứ điện tử phát huy giá trị chứng minh khi đương sự biết kết hợp với những chứng cứ khác, lập luận và phản biện phù hợp với quy định pháp luật và đúng thời điểm, điều này còn phụ thuộc vào kỹ năng và kinh nghiệm của người đại diện doanh nghiệp giải quyết tranh chấp và tốt nhất nên là Luật sư.       

Những vấn đề thực tiễn trong việc sử dụng và đánh giá chứng cứ điện tử

Qua việc tham giải quyết một số vụ án tranh chấp thương mại tại Tòa án và Trọng tài thương mại, tôi nhận thấy một số vấn đề vướng mắc cần phải xem xét và hoàn thiện về chứng cứ điện tử được sử dụng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án có liên quan đến chứng cứ điện tử

Trong vụ án vụ án kinh doanh thương mại thông thường, Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú. Tuy nhiên, đó thuộc trường hợp tranh chấp hợp đồng giữa hai pháp nhân nhưng nếu quan hệ thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với người tiêu dùng hoặc người tiêu dùng với doanh nghiệp thì việc xác định thẩm quyền như trong các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn khi xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, đặc biệt là thẩm quyền trong việc đưa ra yêu cầu ủy thác tư pháp (chỉ TAND cấp tỉnh mới có thẩm quyền giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài). Thực tiễn cho thấy việc sử dụng các phương tiện điện tử có thể được thực hiện không giới hạn về không gian, hay nói chính xác là thực hiện ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới, đây cũng là một thực tiễn sinh động khi xác định thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp liên quan.

Thứ hai, về thủ tục, điều kiện để thụ lý vụ án có liên quan đến chứng cứ điện tử

Ngoại trừ các điều kiện về chủ thể hay giấy tờ chứng minh về nhân thân hoặc tư cách của pháp nhân khởi kiện. Trên thực tế, có rất ít các vụ án được Tòa án thụ lý mà chỉ sử dụng các chứng cứ điện tử, thông thường nó được thể hiện dưới dạng văn bản viết được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án mới thụ lý. Sau khi thụ lý, Tòa án tiến hành xác minh theo yêu cầu của các đương sự nhằm chứng minh cho yêu cầu của họ. Còn theo các thủ tục tố tụng thì khi chưa thụ lý, Tòa án hay các đương sự không thể tự mình hay theo yêu cầu mà thu thập chứng cứ vì theo nguyên tắc “nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự”. Như vậy, nếu chỉ có các chứng cứ điện tử liên quan đến hành vi mua bán hàng hóa dịch vụ bị tranh chấp thì người có giả thiết có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại rất khó để khởi kiện với tư cách nguyên đơn dân sự. Khi vụ án chưa được thụ lý giải quyết thì yêu cầu phản tố của bị đơn hay yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng không được xem xét giải quyết.

Thứ ba, về việc thu thập và đánh giá chứng cứ

Như đã phân tích ở trên, về mặt bản chất thì các dự kiện điện tử có giá trị tương đương thuộc tính đối với chứng cứ truyền thống (văn bản). Các nguyên tắc này được quy định trong Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại, nghị định về thương mại điện tử cũng như các văn bản có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế thì giá trị pháp lý và nguyên tắc tương đương thuộc tính vẫn còn nhiều khó khăn khi áp dụng các chứng cứ điện tử. Do quy định hiện nay mang tính nguyên tắc, tức là có ý nghĩa trong việc áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý nhà nước cũng như áp dụng để giải quyết tranh chấp nhưng không có các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hoặc không được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự thì sẽ không thể giải quyết các tranh chấp thương mại được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Mặc dù, luật quy định rằng: “Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được” nhưng không có các quy định cụ thể về hình thức vật chất chứa đựng chứng cứ điện tử, trình tự thu thập, xác minh chứng cứ cũng như hướng dẫn các trình tự thủ tục tố tụng chuyên biệt để thụ lý giải quyết các tranh chấp thương mại có các chứng cứ điện tử sẽ rất khó khăn trong việc áp dụng để giải quyết các tranh chấp thương mại.  

Một số kiến nghị hoàn thiện về chứng cứ điện tử

1. Hoàn thiện pháp luật về tố tụng dân sự liên quan đến chứng cứ điện tử

Về việc thu thập, lưu trữ chứng cứ điện tử: Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử hiện nay, nhu cầu giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại được thực hiện bằng phương tiện điện tử sẽ gia tăng tương ứng. Vì vậy, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ pháp luật thương mại điện tử là hết sức cần thiết và cần có các quy định chuyên biệt. Hiện nay, trong Bộ luật Tố tụng dân sự không có các quy định riêng về các trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với thương mại điện tử, không có các quy định về việc thu thập, lưu giữ chứng cứ điện tử nên dẫn đến không thể giải quyết được các tranh chấp phát sinh, không bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử. Trong khi đó, một nguyên tắc được Bộ luật Tố tụng dân sự quy định là không được từ chối giải quyết vụ việc với lý do là chưa có quy định.

Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử cần quy định về thiết kế kỹ thuật đối với giao diện của các website bán hàng trực tuyến. Sàn giao dịch điện tử phải ghi rõ các phương thức giải quyết tranh chấp để người tiêu dùng lựa chọn ngay từ khi giao kết hợp đồng. Để đảm bảo cho việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên trong quan hệ thương mại điện tử, cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với các vụ án liên quan đến việc thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ điện tử. Phải có sự giải thích một cách thống nhất hay tổng án hợp các án lệ đối với các vụ án kinh doanh thương mại được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động thương mại điện tử sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ này, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các chủ thể khác một cách kịp thời, nhanh chóng.

Để giải quyết các tranh chấp các vụ án phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử, những người tiến hành tố tụng phải được tập huấn, đào tạo các kiến thức về công nghệ thông tin, viễn thông tương ứng. Việc thu thập, xác minh, đánh giá chứng cứ điện tử đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải am hiểu và biết cách sử dụng các kỹ năng cần thiết mới có thể thu thập được đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ để giải quyết vụ án. Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ và phù hợp để đáp ứng các yêu cầu giải quyết tranh chấp các vụ án liên quan đến thương mại điện tử và có sử dụng các chứng cứ điện tử. Khi đáp ứng được các yêu cầu trên thì việc giải quyết các vụ án sẽ nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí của các chủ thể liên quan và tiết kiệm chi phí xã hội, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

2. Những lưu ý đối với Doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào thương mại điện tử

Để theo kịp xu thế của thời đại trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia vào các hình thức thương mại điện tử cần chuẩn bị tốt các điều kiện về việc xây dựng, lưu trữ và sử dụng dữ liệu điện tử để khi xảy ra tranh chấp các dữ liệu này sẽ là nguồn chứng cứ điện tử bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Để tránh rủi ro trong việc sử dụng chứng cứ điện tử, cần phải lưu ý các giải pháp sau:

- Chứng cứ điện tử phải được lưu trữ đầy đủ từ khi giao kết hợp đồng cho đến suốt quá trình thực hiện hợp đồng;

- Ưu tiên sử dụng chữ ký số cho những người có chức vụ quyền hạn và ký trên những tài liệu quan trọng (hợp đồng, phụ lục hợp đồng, chứng từ, đơn đặt hàng, thanh toán, thông báo tạm ngừng hoặc chấm dứt hợp đồng) vì độ tin cậy và bảo mật cao, trong trường hợp thất lạc, cần đối chứng thì có thể trích lục từ bên thứ ba để chứng minh;

- Để tiết kiệm thời gian, các tài liệu quan trọng có thể thực hiện bằng phương tiện điện tử trước rồi ký, đóng dấu văn bản giấy sau để lưu trữ hồ sơ. Các tài liệu này có giá trị chứng minh cao trong tranh tụng và đặc biệt hữu dụng trong công tác giám định để xác định danh tính người ký để làm rõ trách nhiệm;

- Chứng cứ điện tử cần được thu thập đúng cách và phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật tố tụng về giá trị của chứng cứ. Ví dụ: email bằng tiếng anh thì phải có bản dịch thuật công chứng, trích xuất chứng cứ điện tử quan trọng thì nên lập Vi bằng để chứng minh dữ liệu được trích xuất từ hệ thống máy tính là nguyên vẹn, khách quan;...

- Để mang lại kết quả tích cực trong giải quyết tranh chấp, chứng cứ điện tử không thể là chứng cứ duy nhất mà cần phải kết hợp với các chứng cứ khác như: văn bản giấy, lời khai của những người liên quan, người làm chứng;...

- Kỹ thuật chứng minh là một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp. Thừa nhận hay phản đối chứng cứ của đối phương, phản đối như thế nào còn phụ thuộc vào chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp trong tranh chấp và người đại diện doanh nghiệp giải quyết phải cân nhắc trước khi hành động;

- Khi xảy ra tranh chấp thương mại, doanh nghiệp nên yêu cầu Luật sư uy tín đại diện giải quyết. Trình độ am hiểu pháp luật và kinh nghiệm thực tế của Luật sư sẽ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc thu thập, giao nộp chứng cứ, phân tích, đánh giá chứng cứ, lựa chọn thời cơ và đưa ra lập luận phản biện đối phương để bảo vệ tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp;

Trong khuôn khổ cho phép của bài viết, tác giả hy vọng với việc tổng hợp, chia sẻ các kiến thức pháp lý cũng như kinh nghiệm thực tế trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến tranh chấp thương mại có sử dụng chứng cứ điện tử  sẽ giúp cho doanh nghiệp, cá nhân tổ chức  làm tốt hơn trong việc xây dựng dữ liệu điện tử phục vụ việc kinh doanh thương mại đồng thời sẽ là nguồn chứng cứ hợp pháp, hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra các tranh chấp thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng.

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HẢI

UV Hội đồng Luật sư toàn Quốc

Phó Chủ nhiệm UB XDPL&TGPL, Liên đoàn LSVN

UV BCN Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Một số vấn đề về tội 'Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác" theo quy định của Bộ luật Hình sự

Nguyễn Hoàng Lâm