Ảnh minh họa.
Việc người đứng đầu công khai “đường dây nóng” là số điện thoại cá nhân của mình sẽ góp phần quan trọng trong việc chấn chỉnh tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đây chỉ giải pháp nhất thời, không phải là giải pháp ổn định, lâu dài. Thực tế, người đứng đầu bận rất nhiều công việc, không có thời gian để xử lý hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn mỗi ngày. Trong đó, không phải cuộc gọi hay tin nhắn nào của người dân, doanh nghiệp cũng phản ánh đúng sự thật về hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết công việc của cán bộ, công chức.
Việc người dân, doanh nghiệp bức xúc có thể có nhiều nguyên nhân như chưa hiểu rõ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính; cán bộ, công chức chưa có thái độ đúng mực khi tiếp xúc, giải quyết công việc hoặc cán bộ, công chức làm việc quá cứng nhắc, không giải thích cặn kẽ quy định của pháp luật để người dân, doanh nghiệp được hiểu… Do đó, rất nhiều trường hợp như vậy thì cán bộ, công chức sẽ bị "quy chụp" là có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực,… Đó là chưa kể đến những đối tượng lợi dụng số điện thoại công khai làm "đường dây nóng" của người đứng đầu để gọi điện, nhắn tin sai sự thật để vu khống người khác hoặc gây rối, phá hoại.
Hiện nay, pháp luật quy định rất rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc với người dân và doanh nghiệp như quy định cụ thể thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí, lệ phí…, đặc biệt, là công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành hành chính; đồng thời, quy định về Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực,… trong quá trình giải quyết công việc và trong trường hợp này, cũng có một bộ phận người dân, doanh nghiệp cố tình "bồi dưỡng", "lót tay" hay nói đúng hơn là "hối lộ" cho cán bộ, công chức để được giải quyết công việc nhanh chóng hoặc không đúng quy định. Xảy ra tình trạng này là do công tác quản lý nhà nước tại một số chính quyền địa phương còn yếu kém; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về công vụ chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao.
Chính vì vậy, khi xảy ra tình trạng cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực thì người dân, doanh nghiệp chỉ biết trông chờ vào người đứng đầu để được chỉ đạo giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, người đứng đầu chỉ đạo xử lý "nóng" một số vụ việc chứ không thể giải quyết căn bản các tồn tại của các cơ quan hành chính nhà nước, đó là vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức có hành vi "tham nhũng vặt" khi giải quyết công việc.
Thay vào đó, người đứng đầu nên đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tình trạng "tham nhũng vặt". Khi phát hiện cán bộ, công chức có hành vi "tham nhũng vặt" thì phải kiên quyết xử lý và thay thế ngay, kể cả xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng của cán bộ, công chức có hành vi "tham nhũng vặt" đó; đồng thời, công khai việc xử lý để người dân, doanh nghiệp được biết.
Làm tốt việc này thì người đứng đầu không cần thiết phải công khai số điện thoại cá nhân làm "đường dây nóng" để chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc như thời gian qua.
Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Đề xuất mô tô, xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ là cần thiết