Truông Bồn quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. (Ảnh tư liệu).
Truông Bồn có vị trí hết sức đặc biệt trong các cuộc chống giặc ngoại xâm của đất nước ta. Nơi đây có địa hình núi rừng trùng điệp liên kết với nhau, đường đi qua đây kín đáo giữ được bí mật. Lê Lợi nhiều lần dẫn quân qua đây về đánh quân Minh ở núi Lam Thành. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nhân dân noi theo ngọn cờ Cần Vương, ở đây ông Trần Tấn, Đặng Như Mai theo cụ Phan Đình Phùng chiêu tập nghĩa sĩ, rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ đánh quân Pháp ở huyện Nam Đàn, Yên Thành, Diễn Châu.
Trong những năm 1930-1931, các chiến sĩ cộng sản dựa vào các trại của nông dân vùng này thành lập các cơ sở yêu nước ở Trảng Đen (Anh Sơn), Phú Nhuận (Thanh Chương) góp phần tạo nên cao trào cách mạng 1930-1931 đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn cũng là nơi kết nối huyết mạch giao thông cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 7, đường 34, vì vậy Truông Bồn là con đường huyết mạch vận chuyển lực lượng, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam.
Kẻ thù xác định được vị trí quan trọng, chiến lược của Truồng Bồn nên tập trung máy bay, tàu chiến đánh phá ác liệt. Kẻ thù biến Truông Bồn thành “tọa độ chết” để ngăn chặn không cho ta chi viện ra chiến trường.
Năm 1968 là năm kẻ thù đánh phá khốc liệt nhất. Nhất là sau thất bại của họ trong cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân ta Tết Mậu Thân, đế quốc Mỹ thực hiện kế hoạch ném bom không hạn chế, sang ném bom hạn chế, tập trung lực lượng không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh khu 4 cũ từ vĩ tuyến 20 trở vào. Truông Bồn là điểm yết hầu vận tải của ta nên chúng không tiếc bom đạn đánh mang tính chất hủy diệt. Đây được mệnh danh là “túi bom”; “cửa tử”. Chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1968 máy bay và tàu chiến Mỹ đã trút xuống nơi đây 2692 quả bom đạn các loại. Trong các tháng 8, 9, 10 chúng đánh liên tục cả 30 ngày trong tháng. Không ngày nào máy bay địch, pháo từ hạm đội bắn vào quần nát Truông Bồn.
“Tiểu đội thép” san lấp hố bom ở Truông Bồn thời điểm kẻ thù dánh phá ác liệt nhất. (Ảnh: Phùng Triệu).
Mặc dù kẻ thù đánh phá khốc liệt như vậy nhưng không khuất phục được ý chí chiến đấu của bộ đội, TNXP và lực lượng dân quân của ta. Với khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”; “Đường chưa thông không tiếc xương máu”; “Thông tuyến, thông xe nhanh nhất”, trong thời gian ác liệt nhất mỗi đơn vị thành lập một “tiểu đội thép”. Các thành viên trong “tiểu đội thép” có thể lực, có sức khỏe, gan dạ, mưu trí, dũng cảm. “Tiểu đội thép” có mặt ở những nơi kẻ thù đánh trọng điểm, làm nhiệm vụ dẫn xe, cấp cứu, vận chuyển thương binh, san lấp hố bom trong trường hợp khẩn cấp. Ác liệt là vậy, nhưng suốt cung đường dọc Truông Bồn có chiều dài khoảng 5km đêm đêm đều có mặt các chiến sĩ TNXP làm nhiệm vụ. Trong đêm tối, các chiến sĩ lái xe, bộ đội hành quân và TNXP không nhìn thấy mặt nhau nhưng vẫn ca hát, át tiếng bom thù, hò đối đáp rất vui. Các cô TNXP lên tiếng: “Xe ơi lăn bánh làm chi? Tình ta chưa gắn xe đi sao đành”. Các anh lính trẻ lập tức đáp lại: “Đến đây ai vợ, ai chồng. Ai đi đánh Mỹ, ai bồng con thơ”. Các cô TNXP tình cảm đáp lại: “Ở đây em vợ anh chồng! Anh đi đánh Mỹ, em bồng con thơ”. Chiến tranh kết thúc nhiều người lính đã từng hò đối đáp với các cô TNXP ở Truồng Bồn trong thời gian ác liệt nhất thành vợ, thành chồng. Họ vui sướng đã gặp nhau trên cung đường “tử” nay mới nhìn thấy mặt. Chiến tranh có những điều kỳ lạ mà có thật.
Tái hiện lại “cọc tiêu sống” Truông Bồn.
Nhiều hôm mặt đường không còn nguyên vẹn, các chiến sĩ “tiểu đội thép” có sáng kiến lấy bẹ chuối rải hai bên đường cho chiến sĩ lái xe căn đường mà đi. Nhưng bom đạn đánh phá ác liệt, bẹ chuối cũng bị đất đá vùi lấp. Mưa cũng như nắng, những lúc đêm đông giá lạnh tại Truông Bồn có từng tốp từ 10 đến 12 cô gái TNXP mặc áo đông xuân trắng làm cọc tiêu sống cho xe qua giữa tiếng gầm thét của máy bay, bom đạn kẻ thủ. Nhờ những cọc tiêu sống đó mà có đêm hàng trăm xe qua Truông Bồn an toàn. Sự hy sinh quả cảm của các cô gái TNXP đứng giữa bom đạn làm “cọc tiêu sống” là biểu tượng cho sự hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Đặc biệt đêm 30, rạng sáng ngày 31/10/1968, Đại đội Thanh niên xung phong 317 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho đoàn xe quân sự qua Truông Bồn vào miền Nam. Vào lúc 6 giờ 30 phút chiếc xe cuối cùng rời Truông Bồn thì máy bay ập đến đánh phá khiến 13 trong 14 chiến sĩ trong “tiểu đội thép” hy sinh. Chỉ còn Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông còn sống nhờ đầu ruồi khẩu súng K44 còn lỗ nhỏ đất chưa lấp, có không khí để thở. 13 chiến sĩ hy sinh đều tuổi đời còn rất trẻ 17 đến 22 tuổi. Chỉ có 6 đồng chí thi thể còn nguyên vẹn, còn lại thi thể họ đã hóa vào đất. Tất cả chôn chung thành một khu mộ tập thể, nơi các chiến sĩ làm việc.
13 chiến sĩ Đại đội 317 TNXP anh dũng hy sinh tại Truông Bồn sáng ngày 31/10/1968. (Ảnh tư liệu).
13 chiến sĩ hy sinh có 2 nam, 11 nữ. Đó là Trần Thị Doãn (xã Sơn Thành), Hà Thị Đang (xã Hồng Thành), Hoàng Thị Nhung (xã Lăng Thành), Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung (xã Hợp Thành), Nguyễn Thị Phúc (xã Phúc Thành), Vũ Thị Hiên (xã Tăng Thành), Đoàn Thị Bốn (xã Khánh Thành), Trần Văn Hạp (xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành), Nguyễn Thị Văn (xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương), Nguyễn Thị Hoài (xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên) và Cao Ngọc Hòa (xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu). Trong 13 chiến sĩ hy sinh có 8 người đã nhận quyết định cho ra quân, có người đã cầm giấy nhập học các trường đại học, trung cấp, riêng chiến sĩ Nguyễn Thị Tâm và chiến sĩ Cao Ngọc Hòa chuẩn bị về quê làm đám cưới, nhưng với tinh thần “Một giờ còn ở đơn vị, là một giờ còn ra mặt đường”. Các chiến sĩ đã hy sinh. Đây là trận bom cuối cùng, trên toàn miền Bắc, kẻ thù ngồi vào bàn đàm phán với ta.
Sự hy sinh cao cả của các lực lượng đã làm nên một huyền thoại Truông Bồn mãi mãi muôn đời mai sau ghi nhớ và biết ơn. Ngày 12/01/1996, Bộ Văn hoá và Thông tin ra Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận Truông Bồn Di tích lịch sử Quốc gia. Ngày 23/9/2008, Nhà nước ra Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 14 chiến sĩ thuộc Đại đội 317 - TNXP Nghệ An, trong đó 13 chiến sĩ hy sinh ngày 31/10/1968. Truông Bồn hôm nay đã trở thành một điểm du lịch tâm linh, du lịch văn hóa. Du khách khắp cả nước về đây tri ân, tưởng niệm, biết ơn những người quên cả tuổi thanh xuân, hy sinh vì độc lập, tự do cho đất nước.
HẢI HƯNG