Theo đó, các đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, định danh mức 2, rồi yêu cầu người dân cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” do đối tượng cung cấp. Do từ ngày 01/7/2024, các ngân hàng đã triển khai xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến nên các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người dân chụp ảnh căn cước công dân, xác thực khuôn mặt.
Sau khi cài đặt phần mềm giả mạo và xác thực sinh trắc học, người dân sẽ bị đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.
Cụ thể, ngày 16/10/2024, chị H. (SN 1989; trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của một đối tượng thông báo tài khoản VneID của con trai chị chưa được kích hoạt mức 2. Đối tượng hướng dẫn chị cài đặt phần mềm Dịch vụ công, chụp ảnh căn cước công dân, xác thực khuôn mặt, quét mã QR và vân tay.
Sau khi thao tác xong, chị H. phát hiện ra tài khoản ngân hàng bị chuyển mất 500 triệu đồng nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Việc kích hoạt định danh điện tử mức 2 phải được thực hiện tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước chứ không làm online.
Người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi "lạ" tự xưng cơ quan nhà nước, Công an; không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP,... cho người lạ, tránh sập bẫy lừa đảo của tội phạm.
Không cài đặt phần mềm giả mạo để tránh nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.