/ Trao đổi - Ý kiến
/ Công nhận thỏa thuận mua bán tài sản đang bị kê biên có trái với quy định của pháp luật hay không?

Công nhận thỏa thuận mua bán tài sản đang bị kê biên có trái với quy định của pháp luật hay không?

05/01/2021 18:01 |

(LSO)-Thực tế hiện nay có một số Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi những thỏa thuận này không phù hợp với các quy định của pháp luật; dẫn đến vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án của Cơ quan Thi hành án dân sự

Ảnh minh họa.

Vấn đề công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm thừa nhận việc thống nhất ý chí của các đương sự về việc giải quyết vụ án dân sự. Việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải được thể hiện bằng một văn bản pháp lý có giá trị bắt buộc, được bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Bản chất công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là thể hiện nội dung quyền tự định đoạt của đương sự. Khi tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, các chủ thể tự do ý chí và tự do bày tỏ ý chí, tự do quyết định, tự do thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. Thông qua công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, vụ án dân sự đã được giải quyết nhanh chóng, thời gian tố tụng được rút ngắn, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ nhân dân.

Nguyên tắc để công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Chỉ khi nội dung thỏa thuận của các đương sự đáp ứng được các điều kiện này thì Tòa án mới công nhận thỏa thuận của các đương sự. Trên tinh thần công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, hay nói cách khác, Bộ luật tố tụng dân sự không có điều luật nào cấm đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế, một số Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khi những thỏa thuận này không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Chúng ta cùng xem xét một vụ việc cụ thể:

Theo Bản án sơ thẩm số: 29/2017/DS-ST ngày 23/5/2017 của Tòa án nhân dân thành phố A., tỉnh B. buộc Võ Thị X. phải trả cho Nguyễn Thị K. số tiền là 50.000.000 đồng và lãi suất đến khi thi hành xong. Căn cứ đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục thi hành án thành phố C ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự.

Qua xác minh được biết, hộ bà X. gồm 04 nhân khẩu, về tài sản hộ được cấp quyền sử dụng đất các thửa: thửa 121, diện tích 120,3m2 (cây lâu năm), không có thế chấp và không nợ thuế; thửa 160, diện tích 190,7m2 (cây lâu năm ), hiện đang thế chấp tại Ngân hàng Kiên Long – Chi nhánh tỉnh Đ.; 01 căn nhà cấp 4, ngang 5m x 12m, nhà và đất tọa lạc tại xã H. Chấp hành viên ban hành thông báo về việc xác định quyền sở hữu, sử dụng trong khối tài sản chung: mỗi người được hưởng ¼ giá trị diện tích 311m2 đất cây lâu năm (cây lâu năm ) là 77,75m2.

Sau đó, Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản đối với thửa 121, diện tích 120,3m2 (cây lâu năm ) và tài sản gắn liền với đất. Theo đó, Chấp hành viên tiến hành ký hợp đồng thẩm định giá tài sản, thông báo về quyền ưu tiên mua tài sản trong khối tài sản thuộc sở hữu chung đối với các thành viên trong hộ và lập biên bản làm việc với bà X.: bà trình bày, ngày 09/9/2012 bà có lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa 121 với bà T., với giá 30.000.000 đồng bằng giấy tay nhưng chưa làm thủ tục sang tên, chưa có công chứng, chứng thực và chưa giao đất.

Do thửa đất đang bị kê biên nên bà T. yêu cầu Tòa án giải quyết theo Điều 75 Luật Thi hành án dân sự .

Ngày 24/8/2018, Chấp hành viên ra quyết định hoãn (do Cơ quan Thi hành án dân sự nhận được thông báo thụ lý của Tòa án theo yêu cầu của bà T.). Ngày 12/11/2018, Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa bà T. với bà X. về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Quá trình tổ chức thi hành gặp vướng mắc dẫn đến vụ việc đến nay vẫn chưa thi hành được. Chấp hành viên hoặc là phải ra quyết định giải tỏa kê biên để các đương sự được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, hoặc là tiếp tục xử lý tài sản đã kê biên theo quy định.

Xung quanh việc giải quyết vấn đề trên, có hai quan điểm, ý kiến khác nhau như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng: Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự là phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự. Hơn nữa, tài sản chuyển nhượng trước khi có bản án, quyết định của Tòa án. Vì thế, Cơ quan Thi hành án dân sự cần ra văn bản giải tỏa kê biên để bà T. được đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp quyền sử dụng theo quy định.

Ý kiến thứ hai cho rằng: Mặc dù hợp đồng chuyển nhượng thực hiện trước ngày có bản án, quyết định của Tòa án nhưng hợp đồng không lập thành văn bản đúng quy định, chưa được công chứng, chứng thực, chưa làm thủ tục sang tên và chưa giao đất nên việc Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự với nội dung là tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa 121 giữa hộ bà X. với bà T. là chưa đúng quy định, vi phạm điều cấm của luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người được thi hành án, bởi tài sản chuyển nhượng đã bị kê biên để thi hành án.

Thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự đang xảy ra trường hợp như nêu trên và có những quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau. Những người theo quan điểm thứ nhất thì cho rằng, việc giải quyết như vậy là phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự. Còn những người theo quan điểm thứ hai thì cho rằng, việc giải quyết như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và trái quy định, vi phạm điều cấm của luật.

Tác giả đồng tình với ý kiến thứ hai, bởi:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung) năm 2014: “Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án; Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung) năm 2014 có quy định: “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

Trong trường hợp này, phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án đã được Chấp hành viên xác định cụ thể và tài sản đã bị kê biên, xử lý theo quy định. Do tài sản của hộ đã bị kê biên nên hộ bà X. muốn thực hiện việc thỏa thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa với bà T. thì tài sản phải được giải tỏa kê biên. Điểm a khoản 1 Điều 105 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Việc giải tỏa kê biên được thực hiện khi đương sự thỏa thuận về việc giải tỏa kê biên tài sản mà không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”. Theo đó, việc giải tỏa kê biên được thỏa thuận giữa người được thi hành án và người phải thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp này hộ bà X. không có thỏa thuận với bà M. về vấn đề này nhưng trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết lại công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà T. và hộ bà X. Ngoài ra, mặc dù hợp đồng thực hiện trước ngày có bản án, quyết định của Tòa án nhưng hợp đồng không lập thành văn bản đúng quy định, chưa được công chứng, chứng thực, chưa làm thủ tục sang tên và chưa giao đất.

Do đó, việc Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự với nội dung là tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong khi quyền sử dụng đất đã bị kê biên để thi hành án là chưa đúng, chưa phù hợp quy định, thỏa thuận trái pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tác giả bàn về vấn đề công nhận thỏa thuận mua bán tài sản đang bị kê biên có trái quy định pháp luật hay không, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.

Nguyễn Minh Tâm
VKSND TP. Cao Lãnh
(Tạp chí PL&PT)