Ảnh minh họa.
Thông tư quy định rõ việc tiếp công dân phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân; việc tiếp công dân phải được tiến hành tại địa điểm tiếp công dân của công an các cấp có thẩm quyền.
Bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định thanh tra Bộ, thanh tra đơn vị thuộc cơ quan Bộ, thanh tra công an cấp tỉnh giúp thủ trưởng cùng cấp bố trí cán bộ thanh tra để tiếp công dân thường xuyên tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình.
Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ nơi không có tổ chức thanh tra, đơn vị thuộc công an cấp tỉnh, công an cấp huyện, công an cấp xã phải tổ chức trực ban theo quy định, khi có công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì cán bộ trực ban phải báo cáo thủ trưởng cùng cấp cử cán bộ để tiếp công dân theo quy định.
Chánh Thanh tra Bộ, thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ nơi có tổ chức thanh tra; giám đốc công an cấp tỉnh căn cứ vào biên chế và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để bố trí cán bộ và lãnh đạo phụ trách công tác tiếp công dân phù hợp với yêu cầu.
Theo Thông tư quy định, khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cán bộ tiếp công dân có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định, trừ các trường hợp tại Điều 9 Luật Tiếp công dân; yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân (nếu có); nếu là người được ủy quyền, người đại diện theo pháp luật phải có giấy tờ hợp pháp theo quy định.
Giải thích quyền, nghĩa vụ của công dân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và đề nghị công dân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho cơ quan công an theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì của bộ tiếp công dân hướng dẫn viết đơn. Trường hợp công dân không thể tự viết đơn thì cán bộ tiếp công dân ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu công dân ký xác nhận hoặc điểm chỉ.
Trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì cán bộ tiếp công dân đề nghị công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bổ sung hoặc cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh.
Trường hợp nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhau thì cán bộ tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành đơn riêng gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Khi tiếp nhận đơn và thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cán bộ tiếp công dân phải kiểm tra tính hợp lệ của các thông tin, tài liệu, chứng cứ và phải lập giấy biên nhận về việc tiếp nhận, có chữ ký của cán bộ tiếp nhận. Giấy biên nhận được lập thành hai bản, giao cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giữ một bản.
Sau khi tiếp nhận đơn và những thông tin, tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp, cán bộ tiếp công dân phải ghi vào số tiếp công dân hoặc cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính.
THU HUỆ
Đề xuất bổ sung trách nhiệm xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã