Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định, quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết. Căn cứ vào quy định này, xét về quy trình xử lý vi phạm hành chính, sau khi lập biên bản vi phạm giao thông, cơ quan Công an sẽ ra quyết định xử phạt và gửi về địa chỉ cư trú của người vi phạm. Địa chỉ do người vi phạm tự khai trong lúc lập biên bản hoặc cơ quan Công an sẽ dựa vào địa chỉ ghi trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) hoặc Chứng minh nhân dân (CMND).
Liên quan đến việc CSGT sẽ gửi thêm một thông báo tới cơ quan mà người vi phạm đang công tác để cơ quan đó xử lý theo quy định của từng cơ quan, theo Luật sư Bình, việc làm này không trái với các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, người vi phạm giao thông vừa bị xử phạt hành chính, vừa có thể bị xử lý nội bộ theo quy định của từng cơ quan.
Thông báo mà CSGT gửi mang tính chất thông tin cho cơ quan mà đảng viên, cán bộ, công chức đang làm việc biết được người của mình quản lý đang vi phạm gì để xử lý theo quy định nội bộ. Việc gửi văn bản thông báo trao đổi thông tin giữa hai cơ quan nhà nước với nhau là hết sức bình thường và pháp luật không cấm việc này. Như vậy, khi vi phạm giao thông, đảng viên, cán bộ, công chức còn có thể bị cơ quan mình xử lý bằng các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc theo Điều 79 Luật Cán bộ công chức 2008.
Ngoài ra, đối với đảng viên, tại Điều 35 Điều lệ Đảng cũng quy định các hình thức xử lý kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ... Đối với cán bộ, có thể áp dụng theo Điều 78 Luật Cán bộ công chức 2008 với các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
PV