/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Đánh giá về chính sách hình sự hiện hành đối với người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam

Đánh giá về chính sách hình sự hiện hành đối với người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam

07/12/2023 06:38 |

(LSVN) – Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực; tiến hành kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, phải phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội trong quá trình tổ chức các hoạt động này.


Ảnh minh họa.

1. Chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội thể hiện trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay

1.1. Mục tiêu, quan điểm, đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển con người nhằm tạo điều kiện thuận lợi để con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Quan điểm xử lý của Đảng và Nhà nước ta đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội là phải hướng đến mục tiêu nhân đạo, đảm bảo tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của NCTN phạm tội. Khi NCTN có hành vi phạm tội thì bao giờ cũng phải đặt vấn đề trách nhiệm pháp lý của các đối tượng đó trong mối quan hệ với trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục của xã hội, của gia đình và nhà trường.

Trong điều kiện hiện nay, đường lối xử lý về hình sự đối với NCTN phạm tội đã đảm bảo thực hiện được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCTN, tăng cường bảo vệ và thực hiện quyền của NCTN, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em; bảo đảm sự phù hợp với Công ước về quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế về tư pháp NCTN. Đa dạng hóa cách thức xử lý phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi NCTN phạm tội nhằm hạn chế tình trạng NCTN phải tiếp xúc hoặc dấn sâu hơn vào hệ thống tư pháp chính thống và do đó, làm giảm tác động tiêu cực đến sự phát triển, tương lai của NCTN, huy động, thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, gia đình trong việc giúp đỡ NCTN phạm tội sửa chữa lỗi lầm, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

1.2. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

Thứ nhất, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Phù hợp với sự thiếu hụt và non nớt về kiến thức, kinh nghiệm sống của NCTN cũng như gắn liền với trách nhiệm của toàn xã hội trong việc giáo dục NCTN, nguyên tắc này hướng đến trọng tâm của việc xử lý NCTN phạm tội là giáo dục, giúp đỡ để họ trở thành người có ích cho xã hội.

Thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức. Các cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét áp dụng biện pháp thay thế hình sự đối với NCTN khi có đủ các điều kiện sau: Có căn cứ để chứng minh NCTN đã thực hiện một tội phạm; NCTN phạm tội có thái độ hối cải, thành thật khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả do mình gây ra; Thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ; NCTN và người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự.

Thứ ba, việc truy cứu trách nhiệm hình sự NCTN phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Nguyên tắc này bổ sung cho nguyên tắc thứ nhất nhằm hạn chế tình trạng trường hợp NCTN phạm tội chỉ cần áp dụng biện pháp xử lý khác nhưng lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đặc biệt là bị áp dụng hình phạt. Quy định này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ của người áp dụng pháp luật khi quyết định hình thức và biện pháp xử lý NCTN phạm tội nhằm hạn chế tác động tiêu cực của chế tài hình sự, đặc biệt là hình phạt đối với NCTN phạm tội. Những trường hợp mà tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cũng như nhân thân người phạm tội thể hiện cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt hay biện pháp tư pháp thì Tòa án vẫn phải lựa chọn biện pháp này.

Thứ tư, khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp xử lý chuyển hướng hoặc việc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm mục đích giáo dục, phòng ngừa.

Thứ năm, không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với NCTN phạm tội. Trong hệ thống hình phạt ở nước ta, đây là hai hình phạt thể hiện tính trừng trị cao nhất: Một hình phạt mang tính chất là tước tự do suốt đời và một hình phạt tước quyền sống của người bị kết án. Với tính chất đó, các hình phạt này chỉ được áp dụng trong những trường hợp hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội cho thấy người đó khó hoặc không còn khả năng cải tạo, giáo dục. Những hình phạt này trái với đường lối xử lý chung đối với NCTN phạm tội.

Thứ sáu, án đã tuyên đối với NCTN phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Quy định này thể hiện tính khoan hồng cao hơn trong xử lý NCTN ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội so với NCTN từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

2. Nhận xét, đánh giá về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội thể hiện trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay

Có thể khẳng định, chính sách hình sự (CSHS) đối với NCTN phạm tội thể hiện trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay đã biểu hiện rõ những ưu điểm nổi trội.

CSHS đối với NCTN phạm tội thể hiện trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về chiến lược cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, tăng cường bảo vệ và thực hiện quyền của NCTN, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em; bảo đảm sự phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế về tư pháp vị thành niên.

CSHS đối với NCTN phạm tội thể hiện trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay cho phép tạo ra những công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng, chống tội phạm do NCTN thực hiện trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển đúng hướng, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân.

Tuy nhiên, vẫn bộc lộ một số hạn chế, sai sót nhất định như:

Thứ nhất, nội dung một số quy định pháp luật hình sự đối với NCTN phạm tội vẫn còn ở dạng khái quát, thiên về nguyên tắc, hay nói cách khác, tính quy phạm chưa được chú trọng nên để vận dụng vào thực tiễn đòi hỏi phải có các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, về mặt kỹ thuật lập pháp, nhiều quy định pháp luật hình sự đối với NCTN phạm tội bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, thiếu chặt chẽ, chưa dự liệu hết những tình huống thực tế có thể xảy ra để điều chỉnh. Nhiều thuật ngữ pháp lý được sử dụng chưa thống nhất. Nhiều quy định pháp luật hình sự vẫn mang tính nguyên tắc chung nên chưa áp dụng được ngay mà phải chờ văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành, trong khi đó, các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành thường được ban hành chậm làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, nhiều quy định pháp luật hình sự đối với NCTN phạm tội không được giải thích đầy đủ và kịp thời nên việc thực hiện rất khó khăn.

Thứ ba, nhiều quy định pháp luật hình sự đối với NCTN phạm tội được ban hành trong một khoảng thời gian ngắn, việc nghiên cứu chưa thực sự thấu đáo, sâu sắc, dẫn đến chất lượng không cao, chưa phù hợp với thực tiễn.

3. Giải pháp hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục CSHS đối với NCTN phạm tội phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực; tiến hành kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, phải phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội trong quá trình tổ chức các hoạt động này.

Thứ hai, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh. Phối hợp với gia đình và xã hội thực hiện mục tiêu giáo dục pháp luật trong các trường phổ thông.

Thứ ba, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là của Thẩm phán và Hội thẩm

MAI THÀNH ĐẠT

Giảng viên, Trường Sĩ quan Chính trị

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất

Bùi Thị Thanh Loan