/ Tin tức
/ Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ đúng, sai liên quan tới ồn ào từ thiện

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ đúng, sai liên quan tới ồn ào từ thiện

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Phát biểu trong phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/10, đại biểu nêu tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội liên quan hoạt động nhân đạo, từ thiện. Do đó cơ quan chức năng cần làm rõ để trả lời cho công luận.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam).

Trong phiên thảo luận trực tuyến kỳ họp 2, Quốc hội khoá XV sáng nay (24/10), Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, báo cáo về phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm đã nêu khá toàn diện.

Tuy nhiên, ông đề nghị phân tích rõ hơn vì sao tỉ lệ tội phạm gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tăng cao trong năm 2021, ngoài tác động của tình hình dịch bệnh thì có nguyên nhân gì khác, để từ đó có giải pháp phù hợp.

Nhấn mạnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân rất tích cực. Trong đó, có nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tuy nhiên, tình hình từ thiện, kêu gọi vận động trong công tác phòng chống dịch, thiên tai vừa qua trên mạng xã hội xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống.

“Đề nghị cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra và cơ quan tư pháp vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời, làm rõ để trả lời cho công luận, cho cử tri là ai đúng ai sai. Từ đó có giải pháp, đặc biệt là kiến nghị Chính phủ, Quốc hội có hành lang pháp lý một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác nhân đạo, từ thiện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chứ không thể để diễn ra dai dẳng như thế mà không có câu trả lời cuối cùng”, Đại biểu Phan Thái Bình nêu ý kiến và cho rằng cần hết sức quan tâm vấn đề này.

Đại biểu Phan Thanh Bình cũng đề nghị đánh giá việc thực hiện chính sách hình sự mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/1/2018 như trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

“Vì sao đến nay chưa xử lý được trường hợp nào? Cần đánh giá lại xem khó khăn gì, vướng mắc ở đâu, để đảm bảo quy định khả thi, đi vào thực tiễn”, ông Phan Thái Bình đặt vấn đề.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) tán thành với đánh giá công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua rất được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của người đứng đầu và quy trách nhiệm khi xảy ra tình trạng tham nhũng trong cơ quan, đơn vị được người dân đồng tình, ủng hộ. Có nhiều biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát và thực thi xử lý vi phạm cương quyết, không có vùng cấm.

“Tham nhũng lãng phí từng bước được ngăn chặn, tạo sự tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy Nhà nước”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công. “Đặc biệt là trong lĩnh vực mà nhân dân nghĩ rằng nơi đây là an toàn, liêm khiết, trong sạch nhất nhưng lại có một bộ phận vi phạm tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân, giảm lòng tin ở những người mà mình tin tưởng nhất”.

Do đó, ông Phạm Văn Hoà đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN cho công chức, viên chức, người lao động để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.

Cùng với đó là tiếp tục với tinh thần tiến công trong công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây, dư luận quan tâm nhiều về mua sắm trang thiết bị y tế, các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.

Cơ quan có thẩm quyền cũng sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục những hạn chế của công tác này trong thực tế. Vì khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng rất khó xử dẫn tới tài sản tham nhũng thu hồi thấp do vướng về mặt pháp lý.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021.

Về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bà Lê Thị Nga đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, mặc dù về tổng thể chung, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng.

Theo bà Nga, công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Đặc biệt, dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần có quy định của pháp luật về vấn đề này.

PV

Hôm nay Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về công tác phòng chống tội phạm

Lê Minh Hoàng