/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đánh thuế bất động sản thứ hai: Tăng thu ngân sách, minh bạch thị trường

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Tăng thu ngân sách, minh bạch thị trường

14/01/2025 06:58 |3 tháng trước

(LSVN) - Theo Luật sư, việc đánh thuế bất động sản thứ hai là rất cần thiết để điều tiết thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ và đảm bảo tính công bằng. Tuy nhiên, chính sách này phải được xây dựng trên cơ sở hợp lý, linh hoạt, đúng người và đúng thời điểm.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất ổn, giá nhà đất liên tục tăng cao, vượt xa khả năng chi trả của phần lớn người dân. Tại báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng đã tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, nghiên cứu, đề xuất có chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Nghiên cứu có chính sách đánh thuế đối với nhà, đất thứ hai, đánh thuế đối với nhà, đất bỏ hoang. Đề xuất của Bộ Xây dựng được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh trong cả năm 2024.

Còn theo Bộ Tài chính, pháp luật hiện hành quy định bất động sản bao gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu và sử dụng bất động sản, Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả 3 giai đoạn. Cụ thể gồm: Xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trường hợp nộp một lần cho cả thời gian thuê, lệ phí trước bạ); sử dụng bất động sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất nộp hàng năm) và chuyển nhượng bất động sản (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, các khoản thu trong quá trình sử dụng bất động sản chưa áp dụng đối với nhà.

Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản trong thời gian qua để báo cáo các cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 - 2030.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm nhận định, việc đánh thuế bất động sản thứ hai là rất cần thiết để điều tiết thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ và đảm bảo tính công bằng. Tuy nhiên, chính sách này phải được xây dựng trên cơ sở hợp lý, linh hoạt, đúng người và đúng thời điểm. Đồng thời, tránh áp dụng máy móc các mô hình từ nước ngoài mà không tính đến đặc thù của Việt Nam.

Để chính sách thực sự hiệu quả, cần có sự phân loại rõ ràng và công bằng đối với các trường hợp sở hữu nhiều bất động sản. Việc này không chỉ đơn thuần dựa vào số lượng bất động sản mà cần xét đến diện tích và giá trị của từng bất động sản. Việc áp dụng thuế lũy tiến dựa trên diện tích và giá trị sẽ giúp phân biệt rõ giữa những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự và những người đầu cơ, tích trữ bất động sản với mục đích kiếm lời.

Bên cạnh đó, yếu tố gia đình và nhu cầu thực tế cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Cụ thể, cần phân loại đối tượng chịu thuế dựa trên mục đích và nhu cầu sử dụng bất động sản. Những bất động sản được sử dụng cho mục đích ở của gia đình lớn nên được xem xét theo cách khác với những bất động sản được mua chỉ để đầu tư hoặc tích trữ.

Ngoài ra, cần có các chính sách miễn, giảm thuế cho các trường hợp sử dụng bất động sản vào mục đích công ích, như cho thuê làm nhà ở xã hội hoặc dùng cho các dự án cộng đồng. Việc này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà đầu tư chân chính mà còn khuyến khích sự phát triển bền vững và hợp lý của thị trường. Đối với các nhà đầu tư chân chính, những người muốn đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ để họ có thể sử dụng tài sản bất động sản một cách hiệu quả và mang lại lợi ích cho xã hội.

Việc minh bạch thông tin và tăng cường quản lý từ phía cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Cần công khai các thông tin liên quan đến quy hoạch, giá trị bất động sản và các chính sách liên quan để người dân và nhà đầu tư có thể tiếp cận một cách dễ dàng, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư và sử dụng bất động sản đúng đắn. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi đầu cơ, thổi giá và những chiêu trò trục lợi bất hợp pháp trong thị trường bất động sản.

Đặc biệt, chính sách thuế bất động sản thứ hai phải được thiết kế sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu điều tiết thị trường, vừa không gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Đây không chỉ là một biện pháp tài chính mà còn là công cụ để điều tiết thị trường, ngăn chặn những hệ lụy từ tình trạng đầu cơ và lãng phí tài nguyên đất đai. Nếu chính sách được triển khai một cách cẩn trọng và khoa học, nó sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, giúp tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự, có thể tiếp cận với thị trường một cách công bằng và minh bạch.

"Việc đánh thuế bất động sản thứ hai không nên chỉ dừng lại ở việc tăng nguồn thu cho ngân sách mà phải hướng tới việc tạo ra một môi trường bất động sản lành mạnh và minh bạch hơn. Chỉ có như vậy, thị trường bất động sản mới có thể phát triển ổn định và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam", Luật sư Tú nêu quan điểm. 

Ý NHƯ