(LSO) – Học sinh bị xâm hại tình dục từ năm lớp 4, giáo viên quan hệ bất chính, hiệu trưởng dọa giết đồng nghiệp, hiệu phó sử dụng ma túy trong phòng làm việc... Dù chỉ là những hiện tượng cá biệt, nhưng thực trạng trên đang gióng lên hồi chuông đáng báo động về đạo đức trong môi trường giáo dục hiện nay.
Tháng 8/2020, một hiệu trưởng ở tỉnh Quảng Trị bị tố quan hệ bất chính với đồng nghiệp. Điều đáng nói, người tố cáo sự việc là chồng của nữ giáo viên, cũng là đồng nghiệp của vị hiệu trưởng.
Được biết, vị hiệu trưởng này nhiều lần tán tỉnh dụ dỗ nữ giáo viên mặc dù người chồng của nữ giáo nhiều lần khuyên bảo nhưng không được.
Đỉnh điểm sự việc khi vào một buổi tối tháng 3/2020, người chồng bắt gặp vị hiệu trưởng đang quan hệ với vợ mình trong nhà vệ sinh. Theo nữ giáo viên cho biết, bị hiệu trưởng ép quan hệ, nếu không đồng ý sẽ bị trù dập, gây áp lực chuyển chồng mình đi trường khác.
Tháng 9/2020, nữ hiệu trưởng cấp 1 tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình nhắn tin cho cấp trên là Trưởng Phòng Giáo dục thị xã với nội dung: “Mang xăng sang xử anh để chết tôi vẫn chấp nhận”.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc đơn giản chỉ là nữ hiệu trưởng không đồng tình việc ngành giáo dục thị xã Ba Đồn bình chọn các tập thể trường học, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề nghị khen thưởng tại Hội nghị điển hình tiên tiến thị xã Ba Đồn, giai đoạn 2015 - 2020.
Cũng trong tháng 9, một sự việc xảy ra tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khiến dư luận vô cùng phẫn nộ khi một học sinh lớp 7 bị bảo vệ trường xâm hại tình dục nhiều lần. Điều đáng căm phẫn hơn khi cụ ông 67 tuổi này trước đó đã dùng kẹo, tiền dụ dỗ cháu bé để sàm sỡ chỗ nhạy cảm khi cháu mới học lớp 4, lớp 5. Khi cháu lên lớp 6 thì người đàn ông này đã nhiều lần xâm hại tình dục và dùng điện thoại quay lại clip phát tán trên mạng xã hội.
Chưa dừng lại, một học sinh lớp 8 tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa bị gia đình phát hiện có thai 5 tháng được cho là với nam thanh niên trên địa bàn huyện…
Còn vô số chuyện xảy ra trong môi trường giáo dục khiến phụ huynh và người dân không khỏi giật mình, như: học sinh bị quạt trần lớp học rơi trúng đầu, giáo viên đánh bạc, hiệu phó trường học sử dụng ma túy ngay tại phòng làm việc, học sinh đánh nhau lột đồ ngay tại lớp học…; hay như việc học sinh bị tai nạn tử vong ngay tại cổng trường… Những câu chuyện “đau lòng” này đang khiến dư luận vô cùng bất an đối với môi trường giáo dục hiện tại.
Có những sự việc xảy ra lâu, nhưng cũng có những việc vừa mới đây thôi, nhưng điều rất lạ là Bộ GD&ĐT vẫn chưa có một động thái nào để tỏ rõ vai trò, vị trí của mình trong việc điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo ngành.
Nghĩ cho cùng, có lẽ dư luận cũng đã “chán ngắt” với những điều hành của Bộ này trong suốt thời gian qua, rồi đâu cũng vào đấy cả thôi. Đơn cử như việc chống bệnh thành tích trong thi cử, dạy học. Chủ trương này hiện nay vẫn nằm trên giấy, và theo tôi nó cũng chỉ mãi nằm đấy mà thôi. Bởi, trong bối cảnh giáo dục hiện nay có “đốt đuốc” cũng khó tìm ra được một học sinh “bị ở lại lớp”, và câu chuyện “đỗ tốt nghiệp xấp xỉ 100%” vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có một thực tế được dư luận ghi nhận “ngoài lề” đó là có những học sinh lên lớp 3 vẫn chưa biết đọc, chưa biết cộng nổi phép tính có 1 chữ số; học sinh vẫn “bị ép” đi học thêm tại nhà giáo viên; phụ huynh vẫn phải cố “cắn răng” đóng những khoản tiền vô lý khi năm học mới bắt đầu…
Chưa dừng lại ở đó, khi mới đây Bộ này đã ban hành Thông tư 32 cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động khi học tập trên lớp nếu phục vụ cho việc học và được giáo viên cho phép?.
Cái cớ mà Bộ này đưa ra đó là giúp học sinh và giáo viên tiếp cận được kiến thức trên mạng, và nói như một vị lãnh đạo Bộ này rằng các các quốc gia có điều kiện đã sử dụng và làm như vậy để giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực?.
Trên thực tế, chưa có một nghiên cứu thực tế nào để đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng điện thoại trong giờ học; và Bộ GD&ĐT cũng chưa có một khảo sát, lấy ý kiến đánh giá về việc này trước khi triển khai.
Về mặt lý thuyết thì nó vô cùng đúng đắn, hữu ích. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào thực tế những gì chúng ta đã làm được để thấy hiệu quả chứ không nên so sánh với các nước “có điều kiện”, trong khi có nhiều nước phát triển đã cấm việc này.
Một điều nữa, chúng ta không nên ngồi một chỗ để ban hành văn bản áp dụng chung cho cả nước. Thử hỏi, đại dịch Covid-19 vẫn còn đó, hàng trăm nghìn người đang thất nghiệp vì nó; nếu như giáo viên, nhà trường yêu cầu học sinh có điện thoại để phục vụ học tập thì thử hỏi bố mẹ nào nỡ không mua cho con, trong khi chưa biết con mình dùng nó phục vụ được bao nhiêu phần cho việc học tập.
Theo tôi, trong thời điểm này Bộ GD&ĐT thay vì ban hành những chính sách “trên trời” hãy “sốt ruột” khi thấy chất lượng giáo dục đang ngày một suy giảm nghiêm trọng, vấn đề đạo đức trong một bộ phận giáo viên, học sinh đang đi xuống để có những quyết sách quyết liệt hơn.
Tóm lại, giáo dục vẫn lấy đạo đức làm gốc, có đạo đức tốt mới có chất lượng tốt.
THANH HÀ