Ảnh minh họa.
Liên quan đến một số vấn đề pháp lý xoay quanh việc dùng mức giá nhập khẩu để xác định giá trúng đấu thầu thiết bị, vật tư y tế, trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã có những chia sẻ dưới góc độ pháp lý về mua sắm trang thiết bị y tế và vai trò của Hội đồng thẩm định cũng như Thẩm định viên.
Phóng viên: Thưa Luật sư, câu chuyện đấu thầu thiết bị y tế được dư luận quan tâm khi thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng giá thiết bị, vật tư y tế "đội giá", "loạn giá", đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 hơn 2 năm qua, đã có những trường hợp phải xử lý hình sự. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?.
Luật sư Trương Anh Tú: Để đảm bảo cho phòng chống dịch, Chính phủ đã chi ngân sách cho các cấp, ngành, đặc biệt là ngành y tế trong việc đẩy lùi Covid-19. Việc Chính phủ chi nhiều tiền trong thời gian ngắn và chưa có tiền lệ cho mua dược phẩm, thiết bị y tế chống dịch là rất cần thiết.
Tuy nhiên, một điều rất tiếc rằng sau khi đẩy lùi được dịch bệnh, cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều cơ sở y tế và nhiều cá nhân sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế, đồng thời đã bị xử lý hình sự.
Phóng viên: Một số kết luận thanh tra cho rằng, sự khác nhau giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu có thể là căn cứ vi phạm trong đấu thầu thiết bị y tế. Theo ông, căn cứ này có xác đáng hay không?
Luật sư Trương Anh Tú: Nói về căn cứ xác định giá, mà lại định giá trong tố tụng hình sự, tức là trong quá trình giải quyết, lấy giá đó làm mốc, qua đó xác định thiệt hại của Nhà nước rồi sau đó xử lý hình sự, theo tôi dùng giá nhập khẩu để xác định mức thiệt hại chưa thực sự khoa học.
Như chúng ta biết, giá nhập khẩu từ các cảng về phải mất rất nhiều chi phí khác như chi phí vận chuyển, lưu kho, bán hàng, nhân công,… một số hàng dược phẩm đặc thù còn kho lạnh, phòng đông lạnh đạt chuẩn lưu trữ… tức là rất nhiều chi phí sau thông quan mới trở thành các gói thầu.
Việc các cơ quan chức năng ấn định ngay giá nhập khẩu, từ đó trên mức nhập khẩu bao nhiêu thì thiệt hại bấy nhiêu là không thoả đáng. Bởi ngoài vấn đề sau thông quan thì doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận, mà lợi nhuận vài chục phần trăm là chuyện bình thường.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm.
Phóng viên: Thưa Luật sư, các sản phẩm hàng hoá của ngành y được giao dịch qua đấu thầu nên bên bán/chào thầu còn phải đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm và nghĩa vụ gì?
Luật sư Trương Anh Tú: Nguyên tắc trúng thầu, bản chất là hợp đồng mua bán, cho nên ngoài yếu tố về giá thì nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng hoá, chuyển giao hàng hoá, hướng dẫn sử dụng, bảo hành, đồng thời cả yêu cầu về kinh nghiệm của nhà thầu.
Phóng viên: Nếu trong trường hợp khan hiếm hàng, giá thị trường bị đẩy lên cao thì xác định vấn đề này như thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Nền kinh tế của chúng ta kinh tế thị trường, mọi cung cầu về giá phải lấy thị trường làm mốc. Khi nhà nước đánh giá hay xem xét xử lý hành chính, hình sự thì chúng ta phải hết sức tôn trọng mức giá được xác lập trên thị trường tại thời điểm đó, dù cao hay thấp, miễn nó là giá thị trường.
Trong điều kiện bình thường không có sự tác động nào đó từ con người, mức giá đó chúng ta chấp nhận nó đắt một cách bất thường do các yếu tố về dịch bệnh khiến hàng hoá khan hiếm, từ nhà sản xuất cho đến thị trường có một khoảng trống về giá, có sự chênh lệch rất lớn giữa các mức giá. Nhưng nếu do thị trường điều tiết chúng ta phải chấp nhận sự thật. Bởi trong dịch bệnh, nhiều trang thiết bị y tế phải mua cao một cách bất thường so với điều kiện kinh tế bình thường.
Bên cạnh đó, cũng vì dịch bệnh mà các nhà máy sản xuất vaccine, kit test, dược phẩm, trang thiết bị y tế khác,… quá tải; cộng thêm các yếu tố thị trường, tâm lý đã đẩy giá lên cao. Trong trường hợp này mặc dù giá rất cao nhưng chưa chắc đã vi phạm.
Phóng viên: Trong các cuộc đấu thầu, trách nhiệm của hội đồng đấu thầu đến đâu khi hội đồng này mới là nơi ra quyết định cuối cùng?
Luật sư Trương Anh Tú: Về góc độ pháp lý, một số vụ án đã bị xử lý hình sự thì không chỉ những người có thẩm quyền ký hợp đồng mua bán hàng hoá mà những người tham gia công tác chấm thầu đều bị xử lý từ hành chính đến hình sự mà không bị loại trừ, không có vùng cấm.
Như vậy, có thể thấy nếu sai phạm thì bộ phận nào cũng có thể bị xử lý, dù là lãnh đạo cơ sở y tế, đơn vị cố vấn về thầu, hội đồng hay bộ phận tài chính,… đều bị xử lý nếu có sai phạm, vi phạm.
Phóng viên: Trường hợp các thẩm định viên về giá đã làm đúng theo các quy định trong Luật giá khi thẩm định tài sản thì có phải chịu trách nhiệm gì nữa không?
Luật sư Trương Anh Tú: Tôi thấy rằng hiện nay chúng ta đang còn lúng túng trong việc nhìn nhận về mức giá trúng thầu, mức giá các cơ sở y tế mua bán trang thiết bị y tế thời gian qua.
Về cơ bản chúng ta chưa lấy mức giá nào làm cột mốc để đánh giá cao hay thấp, đúng hay sai. Như tôi đã nói, chúng ta cần có góc nhìn khoa học về giá. Chẳng hạn như tôi thấy cơ sở y tế mua thiết bị y tế trong lúc dịch có cao hơn giá trong điều kiện xã hội bình thường nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các cơ sở y tế khi mở thầu, xét thầu cũng như là ký hợp đồng mua bán thuốc, thiết bị y tế.
Như vậy, chúng ta đứng ở giữa ngã ba đường, chúng ta lấy giá nào làm mốc căn cứ để xác định hay đánh giá xem xét có biểu hiện tiêu cực hay không. Nếu như chúng ta đánh giá trên cơ sở mặt bằng chung các hợp đồng mua bán tại thời điểm đó thì rõ ràng là khi cơ sở y tế mua thấp nhất thì cần đáng được tuyên dương. Nhưng chúng ta lại có một góc nhìn khác đánh giá rằng giá đó vẫn cao hơn giá nhập khẩu hoặc giá ở điều kiện kinh tế xã hội bình thường, nếu góc nhìn như thế rất bất lợi và chưa đảm bảo tính khoa học.
Theo tôi khi đã tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính, chuyên ngành của Bộ Y tế, quy định của pháp luật, mặc dù giá có biểu hiện cao hơn giá nhập khẩu hoặc giá trong điều kiện bình thường thì không có gì sai trái theo pháp luật.
Đơn cử như không có giá thị trường, họ lấy giá theo các gói thầu thời điểm tương tự làm căn cứ bằng hoặc thấp hơn các gói thầu khác thì khó lòng nói họ vi phạm phải chịu trách nhiệm. Chúng ta làm, nhưng làm phải quyết liệt và tránh được những sai sót.
Phóng viên: Để không xảy ra những sự việc đáng tiếc như thời gian qua, theo Luật sư các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp gì?
Luật sư Trương Anh Tú: Rà soát lại các quy định về đấu thầu, mua sắm của ngành y tế tôi thấy tương đối ổn, nhưng chúng ta phải có góc nhìn hết sức khách quan và khoa học về vấn đề này. Nhiều người suy nghĩ rằng cứ “chọc” vào chỗ nào của ngành y tế thì đều có tiêu cực, nếu có góc nhìn như thế chúng ta đánh mất đi tính khoa học.
Chúng ta xử lý quyết liệt nhưng cũng cần phải thận trọng và đặc biệt chúng ta phải có góc nhìn khoa học về giá. Bởi tất cả câu chuyện đúng hay sai, cao hay thấp, đắt hay rẻ thì yếu tố cốt lõi ở đây là giá, kể cả đấu thầu, không đấu thầu hay chỉ định thầu thì nó là chìa khoá để mở ra giải mã tất cả hoạt động mua sắm thuốc và thiết bị y tế trong ngành y.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!
PV
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế