Ảnh minh họa.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chính phủ chuẩn bị Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội rất kỹ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 24 ngày 30/12/2021 về chương trình này. Tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội khóa XV cũng thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình. Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có nghị quyết để quyết nghị chính thức một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Tại cuộc họp, báo cáo một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết Bộ đã chủ động, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Dự thảo Nghị quyết gồm 4 phần, xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết của từng bộ, cơ quan, địa phương theo lộ trình, thời gian phù hợp, đảm bảo triển khai nhanh, hạn chế tối đa việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.
Trường hợp cần thiết phải ban hành thì thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý 1/2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, đề xuất sửa đổi, bổ sung các giải pháp, chính sách nếu cần thiết và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối của các năm 2022 và 2023, báo cáo tổng kết tại kỳ họp giữa năm 2024.
Đối với ý kiến làm rõ mức hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu trong dự thảo Nghị quyết để cụ thể hóa chính sách tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện và xây dựng dự toán cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Bộ cũng đã tiếp thu tại dự thảo Nghị quyết, giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng kết, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm việc người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động trong trường hợp cần thiết...
Ngoài ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đề xuất tiếp tục tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo nghị quyết của Chính phủ. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư hướng dẫn quy trình hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức tín dụng.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội phải làm nhanh, các giải pháp phải khả thi, sát thực, bám sát Kết luận 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, phải rõ ràng để các bộ, ngành thực hiện hiệu quả, bởi đây là chương trình lớn với tổng kinh phí gần 350 nghìn tỉ đồng, nhiều nhiệm vụ phải phối hợp linh hoạt với kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến việc rà soát các đối tượng chính sách, nghiên cứu việc bổ sung đối tượng hỗ trợ cho phù hợp; trình tự thủ tục thực hiện chặt chẽ, đảm bảo không để xảy ra vi phạm; bổ sung vào dự thảo nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để phòng trường hợp vi phạm pháp luật.
PV