(LSVN) – Nếu lời tố cáo của phụ huynh tại Trường Mầm non Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình được xác minh là đúng thì 2 cô giáo tại Trường này có thể không những bị xử lý kỷ luật về mặt đạo đức, xử lý vi phạm hành chính, mà còn có thể bị xem xétxử lý hình sự.
Như tin đã đưa, dư luận cả nước đang xôn xao clip một cháu bé 15 tháng tuổi học tại Trường Mầm non Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình bị cô giáo tại Trường này bạo hành, và được cho là dọa bắt uống nước bồn cầu?. Nếu sự việc này được xác minh là đúng sự thật, vậy chế tài pháp lý đối với hành vi của 2 giáo viên trên như thế nào?
Trước sự việc này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận định rằng, hiện trạng bạo hành trẻ em không phải đến bây giờ mới được đề cập. Trên thực tế, đã có không ít những vụ bạo hành khiến dư luận xôn xao. Ông Hòa cho biết, cần phải xử lý thật nghiêm khắc và phải điều tra làm rõ vụ việc thật rõ ràng trước khi đưa ra phương án kỷ luật đối với 2 cô giáo này.
Để hạn chế và đẩy lùi những tình huống đáng tiếc kể trên, ông Hòa cho rằng chúng ta phải nâng cao nhận thức, trình độ và năng lực của giáo viên mầm non. Thêm vào đó, còn cần xây dựng môi trường giáo dục đảm bảo an toàn về mặt tâm lý cho trẻ, giúp trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với người xung quanh. Vị Đại biểu này cũng đề cao việc phát triển quan hệ giữa giáo viên với trẻ và thúc đẩy sự tham gia của phụ huynh đồng hành cùng nhà trường.
Theo Luật sư Võ Trung Tín, Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, nếu sự việc được xác minh là đúng thì 2 cô giáo tại Trường Mầm non Ninh Khang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có thể không những bị xử lý kỷ luật về mặt đạo đức, xử lý vi phạm hành chính mà còn có thể bị xử lý hình sự.
Hành vi đánh trẻ và được cho dọa bắt trẻ uống nước bồn cầu đều là các hành vi gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của trẻ nhỏ. Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định, hành vi đã định nghĩa bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Như vậy, qua quy định trên có thể thấy rõ, các hành vi đánh đập hay được cho là dọa bắt trẻ uống nước bồn cầu đều được xem là bạo hành trẻ em.
Luật Trẻ em 2016 được ban hành thay thế cho Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, do đó đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghị định xử phạt hành chính cụ thể cho hành vi “bạo hành trẻ em” căn cứ theo Luật Trẻ em 2016. Tuy nhiên, hành vi “bạo hành trẻ em” vẫn có thể bị xử lý theo các quy định cũ, cụ thể là theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em quy định đối với các hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em hoặc có các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học quy định đối với các hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đồng thời bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng.
Bên cạnh những chế tài xử phạt hành chính, giáo viên thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm và tính chất của hành vi, người có hành vi bạo hành có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), bao gồm các tội sau:
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người dưới 16 tuổi. Mức hình phạt cao nhất đối với tội này là tù chung thân.
Tội vô ý làm chết người: Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tội giết người: Theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với hành vi giết người dưới 16 tuổi.
Tội hành hạ người khác: Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm đới với hành vi hành hạ người dưới 16 tuổi.
Hành vi bạo hành trẻ em là hành vi gây nguy hiểm không chỉ cho đối tượng trực tiếp chịu tác động đó là trẻ em mà còn là mối nguy hại cho toàn xã hội, cho tương lai của đất nước.
Vì vậy, cả xã hội cần phải chung tay loại bỏ hành vi này ngay lập tức bằng cách nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc, giao dục trẻ em, mạnh mẽ ngăn chặn những hành vi tiềm ẩn nguy cơ bạo hành trẻ em cũng như tố cáo các hành vi bạo hành trẻ em ngay lập tức.
MỸ LINH