Ảnh minh họa.
Phần lớn các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em hầu hết là do những người thân, sống chung cùng gia đình gây ra và đa số thường rơi vào những cuộc hôn nhân không bền vững vì nhiều lý do khác nhau như: Một trong các bên ngoại tình, không chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông cho nhau dẫn đến ly hôn hoặc một trong các bên không may qua đời dẫn đến người vợ hoặc chồng phải đi "bước nữa" nên nhiều trẻ em phải trở thành đứa con riêng của vợ hoặc chồng, phải sống chung với gì ghẻ hay cha dượng.
Nhưng tội ác không thể dung thứ, đó là cha ruột, mẹ ruột lại thờ ơ, vô cảm và nhẫn tâm đến mức cùng là đồng phạm với người tình để hành hạ, đánh đập chính đứa con ruột của mình. Và những người cha, người mẹ ruột đó phải bị pháp luật trừng trị một cách thích đáng, vì họ không có lương tâm, không phải là "con người".
Hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ được ngăn chặn nếu phát hiện kịp thời nhưng trên thực tế, tình trạng thờ ơ, vô cảm của người thân trong gia đình và những người xung quanh là thực trạng đáng lo ngại và báo động. Hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em diễn ra trong một thời gian dài nhưng người thân, hàng xóm, kể cả ban quản lý thôn, tổ dân phố… không chủ động trình báo do tâm lý e ngại, sợ trả thù hoặc lấy lý do chưa đủ chứng cứ.
Hiện nay, các cơ quan bảo vệ, tư vấn và giúp đỡ trẻ em gồm: Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, Công an các cấp, UBND cấp xã hoặc Tổng đài 111, khi các em bị bạo hành, bị xâm hại đều có liên lạc đến các địa chỉ này để được can thiệp, xử lý và bảo vệ kịp thời. Tuy nhiên, những kênh thông tin này không phải ai cũng biết để trình báo, nhất là trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo hành, xâm hại.
Trẻ em bị bạo hành, xâm hại, nếu chưa bị phát hiện, thì trước hết các em cần phải lên tiếng để được tư vấn, bảo vệ. Ngay cả khi các em sống trong gia đình được xem là hạnh phúc nhưng bố mẹ lại dùng roi vọt để giáo dục thì các em vẫn có quyền trình báo để cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Muốn vậy, mọi gia đình, trường học, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể cần phải hướng dẫn để mọi trẻ em biết đến quyền và tự bảo vệ mình khi cần thiết.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải công khai số điện thoại, đường dây nóng bảo vệ trẻ em, sao cho các em trong lứa tuổi cần được bảo vệ phải tiếp cận được với số điện thoại, đường dây nóng này để trình báo, khi các em cảm thấy dấu hiệu hoặc có hành vi bạo hành, xâm hại đối với mình.
Khi nhận thông tin trình báo, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là cơ quan công an phải cử ngay lực lượng tiếp cận, xử lý, bất kể thời gian nào. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quản lý, giám sát các gia đình có trẻ em sinh sống nhưng bố mẹ không chấp hành pháp luật, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc hoặc bố mẹ rơi vào tình trạng nghiện ngập, cờ bạc, rượu chè bê tha… để có biện phải can thiệp, hỗ trợ và xử lý theo quy định.
Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ là trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương mà còn là trách nhiệm của cộng đồng… Việc trình báo hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em cần phải thực hiện ngay khi có dấu hiệu chứ không đợi đến khi xảy ra hành vi. Người trình báo phải được cơ quan chức năng giữ bí mật thông tin, được bảo vệ, khen thưởng và ngược lại, pháp luật phải có chế tài để xử lý nghiêm đối với hành vi thờ ơ, vô cảm hoặc biết nhưng không trình báo. Có như vậy, mới hạn chế những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra như thời gian qua.
ĐỖ VĂN NHÂN
Cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh