Ảnh minh họa.
Lứa tuổi vị thành niên là giai đoạn tâm sinh lý chưa ổn định, ở giai đoạn này các em có bước phát triển mạnh mẽ về thể chất, tư duy, nhận thức, sáng tạo, khẳng định bản thân, trưởng thành dần về nhân cách, phải đối mặt nhiều áp lực và các tác động trái chiều từ xã hội. Do đặc thù ở lứa tuổi này, cho nên phải có phương pháp giáo dục, "chăm sóc" tâm lý một cách phù hợp, không nên áp dụng các biện pháp quản lý khắc khe như bắt các em phải làm thế này, thế kia và áp đặt lối suy nghĩ chưa phù hợp với lứa tuổi hoặc nhồi nhét các kỳ vọng về tương lai… dẫn đến tư duy của các em bị "trói buộc" và hệ lụy của nó là các em luôn cảm thấy gò bó, khó chịu và không thỏa mái trong cuộc sống nên dễ phát sinh lối suy nghĩ tiêu cực, thiếu sáng suốt, nhiều trường hợp các em có biểu hiện trầm cảm với những triệu chứng ở cấp độ khác nhau.
Trầm cảm là một trong những căn nguyên cơ bản dẫn đến hành vi tự sát ở lứa tuổi vị thành niên. Trầm cảm ở lứa tuổi này thường có các triệu chứng như học hành giảm sút, giảm quan tâm về ngoại hình, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội, bỏ học, sử dụng chất kích thích, thích sử dụng các hành vi bạo lực. Trầm cảm khiến các em cảm thấy buồn chán, đau khổ, không có động lực và hứng thú trong cuộc sống nên sẽ có ý định và mong muốn kết liễu cuộc sống bất cứ lúc nào.
Khi các em có biểu hiện khác thường thì cha mẹ phải đặc biệt chú ý vì đây là tín hiệu cảnh báo về các suy nghĩ tiêu cực đã nảy sinh trong đầu các em. Khi có biểu hiện như vậy thì cha mẹ phải tiếp cận để động viên và quan tâm đúng mức; phải giám sát từng cử chỉ, hành vi của các em để tìm cách tác động, định hướng và thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực. Cha mẹ phải thường xuyên hỏi han, khuyên nhủ để các em nói ra sự bất an, đau khổ và tuyệt vọng của mình để cùng nhau giải quyết. Trong hoàn cảnh này hãy xem con mình như một người bạn, phải đặt mình vào vị trí của con để cảm nhận và thấu hiểu. Không được bỏ rơi các con trong những hoàn cảnh như vậy.
Khi các em có biểu hiện trầm cảm và tìm tới cái chết để "giải thoát" không chỉ xuất phát từ nội tại bản thân của các em mà một phần xuất phát từ cuộc sống gia đình như cha mẹ ly hôn, ly thân, thiếu gương mẫu trong cuộc sống hoặc có hành vi bạo lực, thiếu quan tâm, chăm sóc con cái… dẫn đến con cái không có chỗ dựa nên mất niềm tin vào cuộc sống. Và rất nhiều vụ việc các em tự sát vì lý do gia đình không hạnh phúc, đây là bài học nhãn tiền cho nhiều gia đình. Vì vậy, cha mẹ muốn bảo vệ con trước hết phải biết giữ gìn cuộc sống gia đình, phải biết nêu gương cho các con, phải biết chăm lo, giáo dục các con trưởng thành, không để các con rơi vào hoàn cảnh cô đơn, tuyệt vọng trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, cha mẹ phải nhận biết các biểu hiện trầm cảm của con để xử kịp thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra; không nên thấy con mình có biểu hiện trầm cảm mà bỏ mặc hoặc tỏ ra bực tức, la mắng, bạo lực hay kỳ thị, điều này sẽ không giải quyết được vấn đề mà làm vấn đề ngày càng trầm trọng và có thể sẽ đẩy nhanh các em đến bên bờ "vực thẳm".
Thiết nghĩ, để ngăn ngừa hành vi tự sát ở trẻ, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, nhà trường, giáo viên, bạn bè và gia đình là những yếu tố quyết định. Đặc biệt, khi các em có biểu hiện trầm cảm hay có bất thường nào đó về tâm lý thì phải can thiệp, giúp đỡ và đưa ngay các em đến cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ và điều trị sức khỏe tâm thần, không để các em manh nha ý định tự sát.
ĐỖ VĂN NHÂN
Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động