/ Pháp luật - Đời sống
/ Đề nghị đánh giá cụ thể tác động hai phương án rút BHXH một lần

Đề nghị đánh giá cụ thể tác động hai phương án rút BHXH một lần

19/04/2023 19:29 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp vừa có văn bản góp ý đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội BHXH (sửa đổi). Trong đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tác động của mỗi phương án rút BHXH một lần.

Ảnh minh hoạ. 

Cụ thể, điểm đ khoản 1 Điều 77 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định về BHXH một lần, trong đó cơ quan soạn thảo dự kiến đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Bộ Tư pháp cho rằng, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án hưởng BHXH một lần có một số bất cập: Thứ nhất, ngày 22/6/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động. Nghị quyết này cho phép người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, được nhận BHXH một lần nếu có yêu cầu. Thực chất quy định này là cho phép thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần như quy định của Luật BHXH năm 2006.

Trong khi đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định: “Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện…” đồng nghĩa với trường hợp người lao động sau 12 tháng mà thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm sẽ không được hưởng BHXH một lần.

“Quy định này nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách để người lao động hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của quy định mới có thể làm phát sinh những phản ứng không tốt như quy định của Luật BHXH năm 2014. Nhất là trong trường hợp người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, DN có thời gian đóng BHXH ngắn, gặp khó khăn và có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt” - Bộ Tư pháp lưu ý.

Thể chế hóa Nghị quyết số 28/NQ-TW, tại các Điều 71, 72, Ban soạn thảo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã quy định điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, cả 2 phương án về BHXH một lần nêu trên vẫn quy định điều kiện hưởng là người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm.

Theo Bộ Tư pháp, quy định này là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW, chưa đảm bảo tính thống nhất với các nội dung khác của dự thảo Luật. Hơn nữa, đối với phương án 2, ngoài việc có thời gian dưới 20 năm đóng BHXH thì dự thảo Luật đã có quy định giới hạn người lao động chỉ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Theo phương án 2, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Quy định này chưa rõ người lao động có tiếp tục được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu hay không (trừ các trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này). Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ nội dung này.

Theo khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật, “BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình”. Do đó, để đảm bảo tính hợp lý, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phân tích, đánh giá kỹ tác động của việc bổ sung quy định về BHXH một lần áp dụng cho cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Tại dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo mới chỉ đề xuất 2 phương án, chưa phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm, tác động kinh tế, tác động xã hội của mỗi phương án đối với người lao động, quỹ BHXH và quan điểm lựa chọn của mình đối với 2 phương án trên.

Bộ Tư pháp cho rằng, BHXH một lần là chính sách lớn, là một trong những thay đổi cơ bản của lần sửa đổi Luật BHXH lần này. Hơn nữa, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp, việc thực hiện giải pháp này có thể dẫn đến mức hưởng BHXH một lần thấp hơn so với mức hưởng hiện nay. Do đó, để tránh gây ra những phản ứng xã hội không tốt như trường hợp Luật BHXH năm 2014, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tác động của mỗi phương án, quan điểm lựa chọn của mình và rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với điểm đ khoản 1 Điều 77 dự thảo Luật…

PV

Cảnh bảo phát hiện nhiều mẫu kẹo ngậm Hamer chứa chất kích dục

Nguyễn Mỹ Linh