Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, mà làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn, đó là những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) chiều 25/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, bổ sung "dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ" vào phạm vi điều chỉnh.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc.
Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1, Điều 42 về nội dung này.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, ( Đoàn Khánh Hòa) đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, mà làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn, đó là những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí. Còn đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thì thực hiện theo các quy định của các luật đã có và các luật có liên quan.
Đối với đề nghị bổ sung dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ vào phạm vi điều chỉnh, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần phải cân nhắc và nên chỉ áp dụng cho hoạt động thượng nguồn chứ không bổ sung. Bởi vì, đầu tư thượng nguồn là đầu tư rủi ro, đánh giá thẩm định không thể có thời gian lâu như ở trên bờ, vì thế, quy trình đầu tư phải nhanh chóng, mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD.
Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được quy định tại Điều 4, do tính chất đặc thù của hoạt động đầu tư thượng nguồn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đồng ý theo hướng Một quy định rõ tài khoản 1, Điều 4 về các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí của hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật dầu khí. Tuy nhiên, quy định tại Luật Dầu khí cũng phải lưu ý để tránh được nguy cơ lạm dụng quy trình rút gọn trong Luât Dầu khí để gây thấp thoát, lãng phí, tham nhũng.
Góp ý về quy định điều tra cơ bản về dầu khí quy định tại Điều 10, Chương 2, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật này cần chỉnh sửa lại Điều 10 theo hướng bổ sung quy định về cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật đất đai. Theo đó, nếu trên 100 triệu USD giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định, còn trên 200 triệu USD thì giao thẩm quyền Quốc hội quyết định, vì đó là đầu tư lớn và phải có phân bổ rủi ro.
Về hợp đồng dầu khí quy định tại Chương 4, theo đó hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhà đầu tư dầu khí, vì vậy cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt và tiếng Anh, hoặc một thứ tiếng nước ngoài thông dụng khác do các bên thỏa thuận.
Tuy nhiên, nếu hoạt động dầu khí diễn ra tại Việt Nam thì cần làm rõ luật áp dụng là Luật Việt Nam và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài Việt Nam, hoặc cũng có thể cho phép thỏa thuận trọng tài nước ngoài, nếu tranh chấp phát sinh với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) thì băn khoăn khi dự thảo luật quy định "cá nhân tham gia điều tra cơ bản dầu khí phải liên doanh với tổ chức", bởi trường hợp cá nhân có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm đáp ứng quy định thì có thể thực hiện mà không cần phải liên danh để không phải mất quyền tự chủ và tính độc lập.
Theo đó, đại biểu cho rằng, để chính sách về dầu khí của nhà nước thực sự thu hút các nhà đầu tư hơn nữa thì đơn vị soạn thảo không nên hạn chế tính độc lập, tự chủ của cá nhân. Khi cá nhân có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí thì có thể tự mình độc lập thực hiện mà không cần thiết phải liên doanh với bất kỳ tổ chức nào khác.
Về nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, nội dung này được cử tri, các nhà nghiên cứu rất quan tâm, tuy nhiên dự thảo Luật chưa dành cho nội dung này dung lượng xứng đáng, nên cần có 1 chương riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí, gắn trách nhiệm cho các đơn vị, cơ quan gây ra sự cố về môi trường.
Ở phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội vào dự thảo luật.
Trong đó, với điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động rất quan trọng, do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí.
Do đó, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của Nhà nước, bao gồm cả ngân sách Nhà nước, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân khác là cần thiết
HOÀNG NGUYỄN
Thủ tướng Chính phủ cùng 4 Bộ trưởng ngành trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV