(LSO) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 19/2009/L-CTN ngày 04/12/2009 có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển ngành vô tuyến điện, đánh dấu một mốc quan trọng về sự nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho một lĩnh vực quan trọng của đất nước.
Sau 10 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Tần số vô tuyến điện và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, cụ thể:
Về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ) quy định đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ; Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển theo từng thời kỳ.
Với quy định không được lượng hóa về ”giá trị thương mại cao” và không rõ quy trình, thời điểm xem xét ”có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ” như vậy, Thủ tướng Chính phủ không có cơ sở rõ ràng để quyết định băng tần nào sẽ thỏa mãn điều kiện đấu giá. Để Luật có thể đi ngay vào cuộc sống, cần thiết xác định rõ tần số VTĐ thuộc loại nào phải cấp qua đấu giá/thi tuyển.
Về thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện: Luật Tần số vô tuyến điện mới chỉ quy định thu hồi đối khi doanh nghiệp không triển khai trên thực tế các nội dung quy định của giấy phép sau thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp phép. Như vậy, nếu doanh nghiệp trong 2 năm đầu có triển khai mạng thông tin VTĐ nhưng sang các năm sau không triển khai hoặc dừng hoạt động thì không có cơ sở pháp lý để thu hồi. Điều này làm lãng phí tài nguyên tần số trong khi có nhiều tổ chức/ doanh nghiệp khác có nhu cầu sử dụng…
Xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nêu trên, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện mới trên cơ sở phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành.
Tại dự thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất nhiều chính sách gồm:
- Nâng cao hiệu quả quản lý đối với các tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao;
- Tạo thuận lợi cho các tổ chức sử dụng tần số vô tuyến điện trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ mới, sản xuất thiết bị vô tuyến điện cho mục đích xuất khẩu;
- Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên và tổ chức phân công hợp lý giữa các Bộ trong công tác quản lý đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên;
- Làm rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện của Bộ Thông tin và Truyền thông với cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện…
LINH NHI