Ảnh minh họa.
Trong đó, tại dự thảo Tờ trình Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND, Bộ Nội vụ xin ý kiến Chính phủ về 02 phương án quy định tại khoản 4 Điều 24 (Biên bản xác định kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm) của dự thảo Nghị quyết, cụ thể như sau:
- Phương án 1: Đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm.
- Phương án 2: Đại biểu HĐND bị bãi nhiệm khi có quá nửa tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm.
Căn cứ việc đại biểu HĐND bị HĐND bãi nhiệm khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành quy định tại khoản 3 Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, do việc bãi nhiệm đại biểu HĐND là vấn đề hệ trọng liên quan đến quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND được tiến hành tại đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu hoặc nơi đại biểu đến sinh hoạt, vì vậy Bộ Nội vụ đề nghị lựa chọn phương án 1.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng gồm 6 chương, 29 điều. Trong đó, quy định rõ nguyên tắc thực hiện việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Theo đó, việc bãi nhiệm đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND được tiến hành ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu hoặc ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu đã chuyển đến sinh hoạt.
Cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND được công nhận hợp lệ khi có quá nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bỏ phiếu. Ngày bỏ phiếu phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu bãi nhiệm.
Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND cấp mình theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và công bố ngày bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND.
HỒNG HẠNH
Cán bộ có thể bị miễn nhiệm khi 2/3 đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp