Đề xuất cơ chế đặc thù để kêu gọi đầu tư cho cảng biển

08/10/2021 03:41 | 2 năm trước

(LSVN) - Chiều 07/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất cơ chế đặc thù để kêu gọi đầu tư cho cảng biển.

Ảnh minh họa. 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong hai quy hoạch chuyên ngành quốc gia (cùng với quy hoạch mạng lưới đường bộ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất. Quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương cùng chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan.

Theo quy hoạch mới được phê duyệt, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm cảng biển như giai đoạn trước. Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỉ tấn đến hơn 1,4 tỉ tấn. Trong đó, hàng container từ 38-47 triệu TEU; hành khách từ 10,1-10,3 triệu lượt khách. Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới với năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4-4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2-1,3%/năm.

Quy hoạch được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. Đây là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển kinh tế biển vào cuộc sống, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030. Trong 5 loại hình kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí, các loại hình khác sẽ kết nối đồng bộ liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức trong từng hành lang vận tải. Quy hoạch cũng ưu tiên các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp. 

Đặc biệt, nguồn lực cho phát triển cảng biển giai đoạn này được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313.000 tỉ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách sẽ chỉ tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Ngoài ra, liên quan đến quy hoạch cảng biển, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tới đây, việc thực hiện quy hoạch sẽ được tập trung vào 6 cụm cảng chính. Cụ thể, cụm cảng số 1 sẽ tập trung nâng cấp hệ thống cảng biển Hải Phòng. Đưa cảng Lạch Huyện trở thành cảng phục vụ riêng hàng container. Cảng Đình Vũ - sông Cấm được tiếp tục duy trì, phục vụ khu công nghiệp tại khu vực. Hàng rời, hàng lỏng, hàng khí, định hướng sẽ chuyển về khu vực Nam Đồ Sơn, Văn Úc.

Cụm cảng tiềm năng thứ 2 là Thanh Hóa. Với lợi thế có cảng hàng không Thọ Xuân, khu kinh tế Nghi Sơn đang phát triển mạnh cùng một loạt các dự án giao thông đã và sẽ nghiên cứu triển khai như: Cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đường cao tốc Hà Nội - Vientiane có thể kết nối với cảng biển, các cảng tại Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ hoàn toàn có tiềm năng đột phá.

Cụm cảng biển thứ 3 là Đà Nẵng với lợi thế kết nối gần nhất với Nam Lào, Bắc Campuchia, kết nối ngã 3 Đông Dương qua Thái Lan. Cùng với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, cụm cảng Đà Nẵng sẽ là động lực kinh tế, thu hút đầu tư phát triển vùng.

Thứ 4 là cụm cảng biển Khánh Hòa với khu vực Vân Phong có lợi thế tự nhiên vô cùng thuận lợi với độ sâu luồng đến -17 m, -18 m, có thể làm cảng cửa ngõ lớn nhất Việt Nam. Để phát triển cụm cảng này, một đường cao tốc nối Vân Phong kết nối vùng Tây Nguyên xuống Vân Phong, Khánh Hòa sẽ là khu vực tiềm năng phát triển cụm cảng, từng bước biến khu vực thành vùng động lực của Tây Nguyên.

Thứ 5 là Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng được kỳ vọng kỳ vọng rất lớn thời kỳ này với cơ hội rộng mở khi một loạt các dự án đường cao tốc đang được xem xét triển khai như: Biên Hòa - Vũng Tàu; đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. HCM, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP. HCM - Chơn Thành qua Bình Dương, Bình Phước, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài.

Cụm cảng biển số 6 là cảng Trần Đề. Hiện nay, khu vực ĐBSCL có sân bay quốc tế Cần Thơ, có đường thủy phát triển, có hệ thống đường bộ nhưng chỉ có cảng Cái Cui, năng lực tiếp nhận tàu hạn chế. Hàng hóa khu vực muốn xuất khẩu qua châu Âu, Mỹ phải về TP. HCM và Cái Mép - Thị Vải, chi phí vận tải quá lớn. Vì vậy, quy hoạch xác định sẽ nghiên cứu, hình thành cảng Trần Đề cùng với cao tốc Cần Thơ - Trần Đề, Cần Thơ - Châu Đốc, Cần Thơ - Cà Mau cộng với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ được công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

PV

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hai phương án tổ chức các chuyến bay đi, đến Nội Bài