Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các nước đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn như Mỹ là 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Trung Quốc 6,1% GDP. Những gói hỗ trợ đó chưa từng có tiền lệ, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Trong nước, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, năm 2021 ước khoảng 10,5 tỉ USD, tương đương 2,85% GDP, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, DN; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, sẽ tác động đến ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội...; bỏ lỡ các cơ hội mới, thời cơ mới trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại toàn cầu và thích ứng, phát triển với tương lai sau dịch bệnh. Từ đó, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu hàng năm, 05 năm, 10 năm, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới…
Do vậy, việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 (gọi tắt Chương trình) hiện nay hết sức phù hợp và cấp thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
Chương trình này được thực hiện giai đoạn 2022 - 2023 bao gồm 04 chương trình thành phần, gồm Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Theo Bộ KH&ĐT, dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800.000 tỉ đồng (khoảng 35 tỉ USD). Việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể. Các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…
Đánh giá về tác động của chương trình nêu trên, Bộ KH&ĐT cho rằng khi thực hiện thì tăng trưởng kinh tế 05 năm 2021 - 2025 dự báo đạt khoảng 6,4 - 6,8%/năm, cao hơn khoảng 01 điểm % so với kịch bản không thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (6,5 - 07%/năm). Việc huy động các nguồn lực thực hiện làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Quy mô nợ công theo các kịch bản khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023.
VÕ QUẾ
Thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô Hà Nội: Không thực tế và thiếu tính khả thi