Ảnh minh họa.
Ngày 20/9, tiếp tục Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ quan điểm xây dựng luật là kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012.
Đồng thời, luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Về các nội dung cơ bản, với chính quyền Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Chính phủ đề xuất không tổ chức HĐND phường và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc TP. Hà Nội, tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125), tỉ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3).
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố thuộc TP. Hà Nội. Dự kiến, thành phố trực thuộc được thành lập theo định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc - thành phố logistics, dịch vụ (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây - thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).
Thành phố trực thuộc sẽ có những đặc thù vượt trội so với cơ cấu, tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã, như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ trưởng Lê Thành Long thông tin một số nội dung đặc thù như: HĐND TP. Hà Nội thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP. Hà Nội, quận, huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn.
Dự thảo Luật cũng quy định một số thẩm quyền vượt trội của HĐND, UBND thành phố thuộc TP. Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện như quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù; tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức thuộc thành phố.
Chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng có điểm mới ở lần sửa đổi này.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định cán bộ, công chức được quản lý thống nhất từ cấp xã đến cấp thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức không phân biệt ở các cấp chính quyền.
Dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.
Về quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, dự thảo Luật phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND TP. Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong quản lý, thực hiện quy hoạch. Việc phân quyền này cũng đang được thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh.
Với quản lý, sử dụng đất đai, theo tờ trình, dự thảo Luật giao HĐND TP. Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500ha sang mục đích khác.
UBND TP. Hà Nội quyết định việc cho phép các tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất hàng năm có quyền thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê trong hợp đồng thuê đất với các điều kiện cụ thể.
Điểm mới về tài chính là ngân sách TP. Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, vùng Thủ đô, các dự án PPP, dự án giao thông công cộng, hỗ trợ di dời các cơ sở, đơn vị thuộc danh mục phải di dời; tỉ lệ điều tiết cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm phù hợp với mục tiêu sử dụng nguồn thu này.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và phân quyền cho HĐND TP. Hà Nội quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao nhằm huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao của Thủ đô.
Quy định dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một dự án tổng thể, trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô; UBND TP. Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền xây dựng và sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD.
Tiền thu được sẽ để đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga. Quy định này nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và hệ thống giao thông.
Cho phép thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng đất hoặc tiền đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội.
Trình bày thẩm tra sơ bộ, liên quan các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng:, quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Về tăng biên chế, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thấy rằng quy định của dự thảo luật chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho TP. Hà Nội là của cơ quan nào.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hiện tại, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị; vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào Luật.
TRẦN MINH
Nhiều nội dung quan trọng sẽ được xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV