/ Tin tức
/ Đề xuất nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội

Đề xuất nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội

31/05/2023 15:15 |

(LSVN) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sớm rà soát toàn diện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang được triển khai để tạm dừng hoặc sửa đổi, bổ sung đối với những chính sách chưa thực sự hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước ngày 31/5, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng lao động bị cắt giảm, mất việc làm hàng loạt sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ xã hội, do đó Chính phủ cần phải nghiên cứu lại các gói hỗ trợ để triển khai hiệu quả hơn.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) băn khoăn đại dịch Covid-19, tình hình khủng hoảng kinh tế diễn biến phức tạp khiến thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, hàng trăm nghìn người bị mất việc, giảm giờ làm, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp.

Theo Đại biểu, mất việc làm được xem rủi ro lớn nhất với công nhân. Bởi khi đó, người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động. Họ không còn khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực, thực phẩm…

Khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, người lao động còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung cũng đưa ra vấn đề khi người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Việc đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa?

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nhấn mạnh, tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung gợi ý Chính phủ nghiên cứu xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó khó khăn rủi ro đột ngột.

Theo đó, Đại biểu đề nghị, việc xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho quỹ an sinh xã hội truyền thống như quỹ bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, từ đó đảm bảo quyền lợi của người lao động, góp phần củng cố an toàn, bền vững an sinh xã hội.

Cùng quan tâm về vấn đề lao động Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sẽ kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng. Hiện nay, tình trạng thất nghiệp của người lao động và những tác động trực tiếp hay gián tiếp của thất nghiệp lên kinh tế xã hội tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề quan tâm.

Vì thế, Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang kiến nghị năm 2023 Chính phủ xác định là năm dữ liệu số Việt Nam nên các bộ, ngành liên quan cần sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay thành ba loại chính: Thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra theo quy luật cung cầu trên thị trường đề từ đó ban hành những chính sách phù hợp.

TRẦN MINH

Đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế giá trị gia tăng xuống từ 3 đến 4%

Nguyễn Hoàng Lâm