Ngày 09/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà giáo, trong đó có những điểm mới về chính sách nhà giáo như chính sách tiền lương, chế độ nghỉ hưu...
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, so với quy định hiện hành tại các luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ luật Lao động, dự thảo Luật Nhà giáo có một số điểm mới.
Dự thảo Luật giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được giao. Các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.
Đáng chú ý, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,… được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác như chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu khi nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng về thăm gia đình...
Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo.
Ngoài ra, một nội dung cũng đáng chú ý là tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp.
Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Nhà giáo có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư hoặc có trình độ Tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Thẩm tra các nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhất trí với việc giao quyền và trách nhiệm đầy đủ hơn cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo.
Cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành quy định về chế độ làm việc, điều động, biệt phái, thuyên chuyển và đánh giá nhà giáo như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng về thời gian bảo lưu chế độ của nhà giáo khi được điều động.
Về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội cho hay, Ủy ban nhất trí với quy định trong dự thảo Luật và cho rằng đây là nội dung quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng.
Cơ quan thẩm tra cũng tán thành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút nhà giáo như quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập…
Về chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, cơ quan thẩm tra nhất trí quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 05 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tác động về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này.
Thảo luận tại Tổ về vấn đề này ngày 09/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh sự cần thiết trong việc xây dựng, ban hành dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng cho biết, nghề giáo là nghề cao quý mà cả xã hội tôn trọng, tôn vinh. Vì vậy, các chính sách với nhà giáo cần đầy đủ, đồng bộ, thiết thực để làm sao những người làm giáo dục phải sống được bằng đồng lương và thôi thúc công tác, giảng dạy thật tốt.
Để việc chăm lo cho đời sống của giáo viên đi vào thực chất, không còn là khẩu hiệu suông, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, dự thảo Luật cần đi sâu, tập trung chi tiết vào một vài vấn đề cơ bản.
Đầu tiên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhắc đến việc đảm bảo về vấn đề lương, phụ cấp cho nhà giáo. Khi đời sống được đảm bảo, nhà giáo mới có thể yên tâm công tác tốt.
Thứ hai về các chính sách ưu đãi khác phù hợp với từng lĩnh vực, đối tượng, loại hình giáo dục, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu điển hình về chính sách với giáo dục trong đại học. Ở đây, điều cần quan tâm nhất là việc tự chủ thực sự, tự chủ tài chính, quyền hạn trong công tác cán bộ. Bởi, tự chủ đại học là khâu đột phá trong giáo dục, cũng là điểm nổi bật mà dự thảo Luật nêu ra.
Cùng với đó, chính sách về nhà ở, nhà công vụ cũng được Bộ trưởng lưu ý, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Theo Bộ trưởng, nhà công vụ cần được sử dụng đúng nghĩa. Khi hết thời gian công tác cần trả lại, không thể biến nhà công vụ thành nhà riêng.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay, nước ta đang tập trung củng cố, nâng cao chất lượng trường học, nhưng tình trạng trường học chưa đáp ứng yêu cầu, nhà tạm, nhà dột nát vẫn còn nhiều.
Để giải quyết được thực tế trên, Bộ trưởng nhấn mạnh cần quy định rõ Nhà nước có trách nhiệm đầu tư ngân sách xây dựng kiên cố trường học, cùng với đó là huy động hỗ trợ từ xã hội.
Đánh giá chung, Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng các nguyên tắc về chính sách ưu đãi thực sự với lĩnh vực giáo dục, nhà giáo dục, nhà quản lý, chứ không phải chính sách đặc thù riêng.
Bộ trưởng nhắc lại khi dự thảo Luật mới được lấy ý kiến, có những chính sách đặc thù mà bản thân nhà giáo không thích. Vì vậy, cần lựa chọn những chính sách ưu tiên thực chất.
Liên quan đến quy định nghỉ hưu sớm trong ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhắc lại, Bộ luật Lao động quy định về lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu sớm mà không bị trừ tỉ lệ hưởng.
Hiện nay, cả nước đã có 1.840 công việc, lĩnh vực đặc thù được nghỉ hưu sớm, trong đó có một số lĩnh vực, công việc của ngành giáo dục. Bộ trưởng nêu quan điểm về việc ủng hộ những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu sớm mà không bị giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.
Song, phân tích sự khác nhau giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Khi hết tuổi nghề ở một số lĩnh vực, công việc đặc thù thì cần có phương án, chính sách chuyển đổi nghề, công việc, Bộ trưởng cho hay, bên cạnh kế hoạch của bản thân họ, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ.
Liên quan đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 05 năm mà không giảm trừ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ dự thảo Luật còn quy định chung chung và chưa đánh giá hết những tác động liên quan.
Từ đó kiến nghị, trong số 300.000 giáo viên mầm non, người quản lý, phục vụ... cần phân loại cụ thể những người mong muốn nghỉ hưu sớm và đánh giá tác động của đề xuất này.
Bộ trưởng tái khẳng định hoàn toàn ủng hộ những nhóm ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm nhưng cần đánh giá tác động thật kỹ. Việc đánh giá vừa cần thiết với quá trình xây dựng pháp luật vừa phù hợp hơn với thực tiễn.