/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất quy định mới về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Đề xuất quy định mới về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Ảnh minh họa.

Bộ Tư pháp cho biết, ngày 23/7/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trong thời gian vừa qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước chủ động triển khai theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Bên cạnh đó, thực tiễn cũng cho thấy, mặc dù Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã quy định tương đối cụ thể về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhưng tình hình triển khai công tác này ở một số Bộ, ngành, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả còn hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, song nguyên nhân chủ yếu là do theo dõi thi hành pháp luật là một nhiệm vụ có phạm vi rộng và tính chất phức tạp, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Trong khi đó, một số quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP còn mang tính nguyên tắc, dẫn đến cách hiểu khác nhau và khó thực hiện. Ví dụ: Các quy định về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật; cơ chế phối hợp trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật giữa các Bộ, ngành, UBND các cấp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức khác; sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân vào hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; cơ chế cộng tác viên…

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc của Nghị định số 59/2020/NĐ-CP, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ra đời đã phần nào giải quyết được một số khó khăn, vướng mắc của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP như quy định cụ thể, rõ ràng hơn về hoạt động kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành; kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật…

Tuy nhiên, việc quy định hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP cũng như Nghị định số 32/2020/NĐ-CP vẫn mang tính khái quát, mà chưa đi sâu vào hướng dẫn nghiệp vụ cho các bộ, ngành, địa phương áp dụng. Bên cạnh đó, Thông tư 14/2014/TT-BTP quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định trong thực tiễn triển khai, đồng thời toàn bộ Chương I của Thông tư dự kiến sẽ được quy định tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết Điều 10a của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP về xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.

Để triển khai thực hiện các Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật thì việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 14/2014/TT-BTP là rất cần thiết.

Bộ Tư pháp đã dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP gồm 3 chương, 14 điều.

Trong đó nêu rõ quy định về các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật như: Xây dựng, ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình thi hành pháp luật…

Quy định phối hợp, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật; bảo đảm sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật; huy động sự tham gia của cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật…

MINH HIỀN

/du-thao-thong-tu-quy-dinh-chi-tiet-viec-xem-xet-danh-gia-tinh-hinh-thi-hanh-phap-luat.html