Ảnh minh họa.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong quá trình thực hiện, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần phải được rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay. Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP là cần thiết nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định đã được quy định tại các luật mới được ban hành, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật về kế hoạch và đầu tư được tổ chức thi hành đồng bộ, hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp, không có căn cứ để xử phạt. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Quan điểm xây dựng Nghị định là kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP; bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế. Đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi đi ngược với quan điểm cải cách hành chính, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà thầu; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề pháp luật không cấm.
Dự thảo Nghị định quy định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư bao gồm: Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)); vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu (bao gồm đấu thầu lựa chọn nhà thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất); vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch. So với Nghị định số 50/2016/NĐ-CP, dự thảo Nghị định lần này bổ sung các hành vi trong các lĩnh vực: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; quy hoạch.
Về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Nghị định quy định 02 hình thức xử phạt chính là “Cảnh cáo” và “Phạt tiền”. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại các điều từ Chương II đến Chương V Nghị định này.
Việc quy định hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả là phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và kế thừa kết quả thực tế triển khai Nghị định số 50/2016/NĐ-CP.
Về thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, Dự thảo quy định về “Thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính” (Điều 5) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật vì trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại dự thảo Nghị định đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu và đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm.
MINH HIỀN
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất