Cụ thể, tại Điều 86 dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) quy định về tạm hoãn xuất cảnh có nêu rõ, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người phải thi hành án, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức phải thi hành án nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.
Thủ tục tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, giải tỏa, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Chấp hành viên phải gửi ngay quyết định tạm hoãn xuất cảnh cho người có yêu cầu; người bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý xuất nhập cảnh; Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Đây là quy định mới được bổ sung, trước đó Luật Thi hành án dân sự năm 2008 chưa có quy định về vấn đề này.
Bộ Tư pháp nhận định, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được Quốc hội ban hành, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự với kết quả năm sau cao hơn năm trước, ngày càng bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, kết quả tích cực đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn khó khăn, thách thức.
Theo đó, số lượng các vụ việc tranh chấp kinh tế, dân sự có xu hướng ngày càng tăng, tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn. Tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm thi hành án thường phức tạp.
Nhiều trường hợp chưa được xác định rõ, đến giai đoạn thi hành án nhiều vấn đề pháp lý phát sinh phải xác minh, làm rõ, giải quyết trước khi xử lý; nhiều tài sản xử lý là dự án hiện chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý về đầu tư và đất đai theo quy định... Mặt khác, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới; tốc độ, quy mô nền kinh tế tăng nhanh; sự ra đời, phát triển nhanh chóng của kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã hình thành, đẩy mạnh nhiều phương thức giao dịch dân sự, kinh tế mới, làm phát sinh nhiều loại tranh chấp mới.
So với Luật Thi hành án dân sự hiện hành, dự thảo Luật (sửa đổi) này có nhiều điểm mới. Trong đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án gồm: Tạm hoãn xuất cảnh; ngừng sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bổ sung biện pháp cưỡng chế kiểm tra hiện trạng tài sản. Chấp hành viên được áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế để tổ chức thi hành án.
Các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án.
Phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định của pháp luật nếu có các hành vi xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến cơ quan thi hành án và người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án.
Tẩu tán, hủy hoại tài sản; cản trở, chống đối việc tổ chức thi hành án và các hành vi bị cấm khác theo quy định (Điều 8, Điều 55).
Trường hợp được giao bảo quản tài sản thì phải cam kết sẽ hợp tác, thực hiện đúng yêu cầu của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án (Điều 71, Điều 139).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung cơ chế cho người được thi hành án để họ chủ động thực hiện quyền, nghĩa vụ.
Cụ thể, bổ sung quyền yêu cầu Tòa án kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định theo quy định của pháp luật; tự mình hoặc ủy quyền cho cho Thừa phát lại xác minh, cung cấp thông tin và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Đề nghị cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu giám định thương mại, thẩm định tại chỗ; nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án; được quyền tạm ứng trước chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành án (Điều 7); cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu khi yêu cầu thi hành án (Điều 42); có trách nhiệm theo dõi, yêu cầu thi hành án trở lại và cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án (Điều 58)…
Dự thảo cũng bổ sung các điều luật về thông báo bằng phương tiện điện tử trong các trường hợp đương sự có yêu cầu, các vụ việc mà có từ 20 đương sự trở lên, khi không thực hiện được bằng các phương thức khác.
Việc bổ sung điều luật quy định thông báo bằng phương tiện điện tử được thực hiện qua cổng dịch vụ công quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, VNeID… (Điều 54) sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, nhân lực, rút ngắn thời gian, tháo gỡ khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự và vẫn bảo đảm đầy đủ quyền, lợi hợp pháp của các bên đương sự, người liên quan.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho biết, đối với 02 loại vụ việc chiếm tỉ lệ tiền rất lớn là án tham nhũng kinh tế và án tín dụng ngân hàng, việc thi hành án vô cùng khó khăn. Cụ thể, các vụ án tham nhũng kinh tế, khi thi hành án vẫn thực hiện theo thủ tục chung, chưa có quy định riêng, trong khi thực tế làm việc mới thấy nếu chỉ với thủ tục chung thì rất là ách tắc.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cũng cho hay, một tài sản khi thi hành án mất rất nhiều thời gian, khi vào cuộc mới thấy rất khó khăn bởi vấn đề sở hữu, nhiều tài sản không chính chủ, khi xử lý lại đan xen với nhiều luật. Tính pháp lý của nhiều tài sản không rõ ràng, thủ đoạn tinh vi, nhiều cách thức.