Đỉa xuất hiện trong bình nước của trường học: Tiêu huỷ vật chứng bị xử lý thế nào?

09/05/2023 10:37 | 11 tháng trước

(LSVN) – Theo Luật sư, hành vi tiêu huỷ vật chứng có dấu hiệu của việc che giấu, làm sai lệch, xoá bỏ bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc được coi là hành vi cố ý cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

 

Con đỉa bên trong bình nước. (Ảnh cắt từ clip).

Theo thông tin từ Trường Mầm non Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sau khi nhập mới các bình nước uống loại 20 lít về phục vụ giáo viên và học sinh, nhà trường phát hiện có một con đỉa còn sống nằm bên trong thành bình của một bình nước còn nguyên tem mác và vỏ bọc nylon bên ngoài. Bình nước này do Công ty Cổ phần nước khoáng Bang (trụ sở tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) sản xuất.

Ngay khi phát hiện sự việc, nhà trường đã dừng sử dụng nước đóng bình, liên hệ với đơn vị cung ứng, đồng thời lập biên bản sự việc ban đầu để kiểm tra, xử lý.

Điều đáng nói, bình nước có đỉa bên trong sau đó đã được phía Công ty cung ứng thu hồi và tiêu huỷ.

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về nhà sản xuất khi để xảy ra việc xuất hiện một con đỉa còn sống trong bình nước cung cấp cho trường học. 

Việc kiểm tra sẽ được tiến hành toàn diện từ việc cấp phép hoạt động (giấy đăng ký kinh doanh, giấy an toàn vệ sinh thực phẩm); điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của cơ sở sản xuất; các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm đã công bố… Theo đó, nhà sản xuất có thể bị thu hồi giấy chứng nhận khi không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại điều 34 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 sửa đổi năm 2019.

Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, nhà sản xuất đã cho người thu hồi và tiêu huỷ sản phẩm (bình nước có chứa con đỉa) dẫn tới việc gây khó khăn cho đoàn kiểm tra vì không còn tang vật vi phạm. Hành vi này có dấu hiệu của việc che giấu, làm sai lệch, xoá bỏ bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc được coi là hành vi cố ý cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm được quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định 115/2018/NĐ-CP với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010: “Tổ chức kinh doanh hàng hoá có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hoá có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật”.

Như vậy, nhà trường với tư cách là người tiêu dùng có thể yêu cầu nhà cung cấp nước bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hoá gây ra (nếu có).  

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN