Ảnh minh họa.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, dịch vụ ứng tiền là loại dịch vụ để khách hàng sử dụng mạng viễn thông được phép ứng trước một khoản tiền khi tài khoản hết tiền, không sử dụng được các dịch vụ của nhà mạng.
Cụ thể, nhà mạng sẽ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông nạp tiền trước vào tài khoản điện thoại để sử dụng dịch vụ và sẽ được thanh toán vào lần nạp tiền điện thoại tiếp theo.
Theo Luật sư, nếu xét về các khía cạnh của hợp đồng vay tài sản thì dịch vụ ứng tiền này không phải một dạng của hợp đồng vay tài sản. Bởi Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định".
Đồng thời, Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về lãi suất trong hợp đồng vay như sau: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác...".
Do đó, Luật sư cho hay, việc ứng tiền đúng là sự thoả thuận của các bên nhưng không phải bên cho vay giao tài sản của mình cho bên vay bởi nhà mạng không cho vay tiền để khách hàng sử dụng mà khách hàng chỉ được sử dụng dịch vụ của nhà mạng: Gọi điện, nhắn tin...
Đồng thời, khi đến hạn, khách hàng cũng không phải trả lại dịch vụ mà nhà mạng đã cung cấp mà thay vào đó là nộp tiền vào tài khoản sim và khi đó, nhà mạng sẽ khấu trừ mức chi phí sử dụng đã ứng trước đó cùng với tiền "lãi" theo thoả thuận.
Như vậy, đây là một dạng của hợp đồng dịch vụ nên dù nhà mạng có mức thu phí dịch vụ ứng tiền đến 30% cũng không phải cho vay nặng lãi theo quy định về lãi suất của Bộ luật Dân sự 2015.
QUÝ VŨ