(LSVN) - Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là thành quả của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng có sự vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết tập trung phân tích quan điểm nổi bật, xuyên suốt của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xác định tính đúng đắn các định hướng vận dụng trong tình hình mới, nhằm kiểm soát quyền lực có hiệu quả trong thời gian tới.
Ảnh minh họa.
Khái quát quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng
Quyền lực và kiểm soát quyền lực là nội dung quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên phương diện lý luận, chủ nghĩa Mác-Lênin xác định cơ sở của quyền lực là xã hội có giai cấp. Để thực hiện quyền lực đúng mục đích thì không được làm cho quyền lực đó bị tha hóa. Bởi nguy cơ tha hóa quyền lực nhà nước luôn gắn liền với xã hội sinh ra quyền lực đó và tồn tại ngay cả trong thời kỳ xây dựng nhà nước XHCN. Quyền lực nhà nước là do nhân dân ủy quyền nhưng những người được ủy quyền đó vì lợi ích riêng dẫn đến nguy cơ lạm quyền, lộng quyền, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Bộ máy nhà nước từ chỗ là tổ chức nhận quyền lực của nhân dân lại trở thành thiết chế đứng ngoài và đứng trên nhân dân, thậm chí trở thành lực lượng quay lại thống trị nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Đây chính là biểu hiện tha hóa quyền lực như Mác đã khẳng định và đây cũng chính là nhu cầu cần phải giới hạn quyền lực để các cơ quan quyền lực nhà nước không thể trở thành cơ quan đứng trên xã hội mà phải là cơ quan hoàn toàn phục tùng vào xã hội. Đó là, “Tự do là ở chỗ biến nhà nước, cơ quan tối cao vào xã hội, thành một cơ quan hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội, và ngay cả ngày nay nữa, các hình thức nhà nước tự do hay không tự do là tùy ở chỗ trong những hình thức ấy, ‘sự tự do của nhà nước’ bị hạn chế nhiều hay ít”(1).
Trong quá trình lãnh đạo, Lênin cũng đã chỉ ra: “Trong các tổ chức chính trị và công đoàn của chúng ta, viên chức bị hủ hóa (hay nói đúng hơn là có xu hướng bị hủ hóa) bởi hoàn cảnh tư bản chủ nghĩa; họ có xu hướng biến thành những người quan liêu, nghĩa là thành những nhân vật có đặc quyền, thoát ly quần chúng và đứng trên quần chúng”(2). Theo Lênin, nguyên nhân của sự tha hóa quyền lực do hoàn cảnh tư bản chủ nghĩa vẫn còn tồn tại, sở hữu tư nhân và những nhu cầu tư lợi cá nhân vẫn tồn tại, trình độ dân trí thấp chưa đủ sức kiểm soát quyền lực nhà nước... Vì vậy, để hạn chế sự tha hóa quyền lực của viên chức nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực hiện có hiệu quả, V.I.Lênin chỉ ra yêu cầu phải thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Đó là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước dựa trên nền tảng của yếu tố dân chủ, công khai thông qua phương thức kiểm soát từ bên trong, nội bộ cơ quan nhà nước và cơ chế kiểm soát từ bên ngoài.
Đối với mục đích kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, V.I.Lênin cho rằng, gắn với quyền lực là quyền lực bị tha hóa nên quan liêu, tham nhũng, tham ô, hối lộ là người bạn đồng hành, là cơ sở, tiền đề cho nhau tồn tại và phát triển trong bộ máy nhà nước. V.I.Lênin không chỉ nêu rõ: cùng với quan liêu, tệ nạn hối lộ đã phát triển, trở thành phổ biến mà còn cảnh cáo: “Hiện tượng điển hình của nước Nga là nạn hối lộ”(3). V.I.Lênin cho rằng, cần thiết phải kiểm soát quyền lực nhà nước bằng thể chế, thông qua các quy định về bầu cử, báo cáo và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, phải lên án, đả phá tệ quan liêu, tham nhũng, bệnh giấy tờ, kiêu ngạo cộng sản; tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, đấu tranh phê bình và tự phê bình. Đặc biệt, các đảng viên cán bộ trong cơ quan nhà nước phải gương mẫu, chấp hành pháp luật nghiêm, tôn trọng kỷ luật và sẽ bị trừng phạt nặng nếu vi phạm pháp luật, tham nhũng, biển thủ công quỹ. Đó là “đối với những người cộng sản phải trừng phạt nặng hơn gấp ba lần so với người ngoài đảng”(4). Điều quan trọng, đối với V.I.Lênin là cần phải xây dựng cơ chế phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng và những thói hư, tật xấu của bộ máy công quyền, cụ thể là: “Cần thiết và cấp bách phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu”(5); cần phải có thái độ dứt khoát, kiên quyết trong cuộc chiến này: “Bất cứ biểu hiện nào của thái độ quan liêu dù nhỏ đến đâu cũng sẽ bị trừng phạt”(6). Đồng thời, phải kiên quyết đưa ra khỏi đảng, khỏi bộ máy nhà nước những kẻ quan liêu, tham nhũng: “Tôi rất mong chúng ta có thể đuổi ra khỏi đảng từ 10 vạn đến 20 vạn người đã len lỏi vào đảng và đã không những không biết đấu tranh chống bệnh giấy tờ cùng nạn hối lộ, mà còn cản trở cuộc đấu tranh này”(7).
Thống nhất với quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để không thể có hành vi “lấy của công làm của tư”. Trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã chỉ ra 6 “lầm lỗi rất nặng nề” của cán bộ cần phải ra sức sửa chữa, đó là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, kiêu ngạo. Trong đó, Người đặc biệt cảnh báo và lên án hành vi “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc lại lời cảnh báo của V.I.Lênin: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót… đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng… Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ khác)”(8). Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh muốn kiểm soát quyền lực phải có hai điều: “Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(9). Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định kiểm tra, kiểm soát quyền lực không chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách mà quan trọng nhất cần phải dựa vào tai mắt của nhân dân. Đảng phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; phải công khai mọi hoạt động của Nhà nước; phải hình thành các thiết chế dân chủ để mọi người dân “biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(10). Trên cơ sở kết quả kiểm tra cần phải công khai trừng trị cán bộ, đảng viên đã tha hóa, biến chất, suy thoái để răn đe, cảnh tỉnh và nêu gương “tự chỉnh đốn” trước quần chúng. Theo Hồ Chí Minh, Đảng không dũng cảm cắt bỏ ung nhọt, sâu bệnh sẽ rất khó để phòng ngừa tham nhũng.
Định hướng vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam giai đoạn mới
Kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta là một vấn đề quan trọng và không dễ triển khai trong thực tiễn. Do đó, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, một mặt phải bảo đảm phòng, chống sự lạm dụng quyền lực nhà nước có hiệu lực và hiệu quả, nhưng mặt khác lại phải bảo đảm không vì kiểm soát quyền lực nhà nước mà làm mất đi tính năng động, sáng tạo, mềm dẻo cần phải có để tiến hành các công việc nhà nước. Vì thế, vấn đề cơ bản của kiểm soát quyền lực nhà nước là làm cho bộ máy nhà nước vừa có khả năng kiểm soát được xã hội, lại vừa không kém phần quan trọng là buộc nhà nước phải tự kiểm soát được chính mình và được xã hội kiểm soát, tuân theo quy luật phát triển, tiến bộ của xã hội. Theo đó, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải là một tổng thể bao gồm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài do các chủ thể không phải là nhà nước thực hiện; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong do các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tự kiểm soát mình và kiểm soát lẫn nhau. Đồng thời, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do luật quy định. Vận dụng trong thực tiễn kiểm soát quyền lực ở Việt Nam nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần thiết phải quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như sau:
Thứ nhất, quán triệt quan điểm nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước, cần xây dựng cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo khi đưa ra quan điểm định hướng kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng thông qua việc quán triệt tới từng cán bộ, đảng viên lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng phải luôn luôn dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”. Đây cũng là truyền thống trọng dân, tin dân của Ông cha ta và là nền tảng tư tưởng của Bác Hồ kính yêu “Dân là gốc”; “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; “Có niềm tin của nhân dân là có tất cả”. Chính sự đồng tình, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là sức mạnh và động lực quan trọng của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua. Như vậy, sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng là nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh thì sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí… là sức mạnh và là động lực to lớn. Kiểm soát quyền lực nhà nước do nhân dân tiến hành tạo nên cơ chế kiểm soát bên ngoài, từ phía nhân dân và xã hội. Để hình thành và xây dựng cơ chế này, cần phải thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 thành luật, nhất là: quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp” (Điều 6); “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện… giám sát phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước” (Điều 9) và quy định “Công đoàn Việt Nam… tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động…” (Điều 10). Đồng thời, cần quán triệt cụ thể hóa quy định về các quyền dân chủ trực tiếp quy định ở Chương II: quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như quyền bầu cử và bãi nhiệm; quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền khiếu nại, tố cáo… Đây chính là biện pháp chống tha hóa quyền lực từ những chủ thể được nhân dân ủy quyền. Nếu xây dựng được hệ thống pháp luật toàn diện, làm công cụ sắc bén, hữu hiệu để tổ chức cho nhân dân kiểm soát quyền lực thì vấn đề phòng, chống tham nhũng sẽ có hiệu quả. Kiểm soát quyền lực đúng mục đích.
Thứ hai, kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan quyền lực nhà nước. Đây là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và kiểm soát quyền lực nhà nước của mỗi quyền do các thiết chế ở bên trong từng quyền thực hiện. Trong cơ chế kiểm soát này, mỗi cơ quan thông qua việc thực hiện chức năng của mình, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực của cơ quan nhà nước khác, phát hiện kịp thời nguy cơ tha hóa quyền lực, trục lợi của những cơ quan thực hiện quyền lực khác, thậm chí trong chính cơ quan mình. Tuy nhiên, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc kiểm soát quyền lực trong hệ thống cơ quan nhà nước cũng bắt đầu từ sự cảnh báo thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và đặc biệt là hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra. Đồng thời, chú trọng các biện pháp xử lý khi phát hiện hành vi, dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Quán triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta đã đưa ra quan điểm định hướng vận dụng sáng tạo, thu được thành công nhất định với phương châm như sau: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực(11); Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí(12).
Thứ ba, kiểm soát quyền lực nhà nước để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác xây dựng Đảng, để Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đây là quan điểm, định hướng vận dụng sáng tạo trong điều kiện tội phạm tham nhũng, tiêu cực ngày càng có biểu hiện gia tăng về số lượng và nguy hiểm về tính chất cũng như tác hại khôn lường. Sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu trong nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực, vì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống sẽ dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy rõ: Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Có khi giải quyết xong vấn đề này lại nảy sinh vấn đề khác, làm được việc này lại xuất hiện việc khác(13); song điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: “trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”(14)… Qua đó cho thấy mục đích của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích của nhân dân, làm cho Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, không phải vì đấu đá phe cánh nội bộ như các thế lực thù địch, phản động, cơ hội lâu nay vẫn thường xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của xã hội đã đưa ra quan điểm định hướng với phương châm như sau “Xã hội cần tập trung và đồng lòng lên án những hành vi tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, điển hình như bệnh sợ trách nhiệm, bệnh quan liêu, bệnh thành tích; những hành vi lợi dụng quyền lực để bòn rút, lấy của công làm của riêng, thu vén lợi ích cá nhân; các hành vi thông đồng, móc ngoặc, “làm xiếc”, dùng các mánh khóe để ăn cắp của công, sử dụng trái phép tài sản Nhà nước…; đó còn là lối sống hợm hĩnh, thích phô trương, hình thức,... yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân, gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc; rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời thường xuyên nhắc nhở về giá trị đích thực và những điều căn cốt làm nên uy tín của người đảng viên, đó là: “Uy tín không phải tự nhiên mà có. Nó phải là kết quả của sự phấn đấu và rèn luyện gian khổ, bền bỉ của bản thân mỗi người;... là sự gương mẫu, tinh thần hy sinh, tinh thần lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ;… Đảng ta khuyến khích đảng viên biết làm giàu, nhưng đó phải là sự làm giàu chính đáng, bằng sức lao động của mình, không tham ô, biển thủ, bóc lột người khác, không xà xẻo, chấm mút của công”. Những người lợi dụng chức quyền để tham nhũng, tiêu cực thì dù mang danh đảng viên, thực chất họ không còn là đảng viên;...”.
Thứ tư, kiểm soát quyền lực bằng thể chế và phát huy các thiết chế phòng, chống tham nhũng. Đảng ta đã vận dụng để đưa ra quan điểm định hướng phòng, chống tham nhũng như “Phải hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao. Pháp luật của Nhà nước quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng tiêu cực phải phù hợp với thể chế chính trị của nước ta, tuân thủ đúng các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Đảng và Nhà nước, đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”. Đồng thời, “Đối với lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, việc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng, vừa có những đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm và bản lĩnh của đội ngũ này, với lời dặn vô cùng thấm thía và hết sức sâu sắc là: “phải có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì nước vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi sụ cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ”; “xứng danh là “thanh bảo kiếm” sắc bén, “lá chắn” thép vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Do đó, cần quán triệt quan điểm định hướng “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án thực hiện tốt chức năng của mình, giảm thiểu tối đa tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm quyền lợi ích của tổ chức, cá nhân. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, Thi hành án theo hướng tinh gọn, phù hợp với quá trình cải cách mô hình tố tụng ở nước ta, phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp”.
Thứ năm, kiểm soát quyền lực là hoạt động có tính chủ động cao. Do đó, để phòng, chống tham nhũng, Đảng ta đã đưa ra quan điểm định hướng vận dụng sáng tạo, đó là: “Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Quá trình xử lý được tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực hiện trước, mở đường, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai;... Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực; có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, thi hành án. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện sai phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên thì phải kịp thời báo cáo và chuyển tài liệu cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra có thẩm quyền để xem xét xử lý theo quy định của Đảng;... “chống” phải đi đôi với “xây”, không phải cứ nhất thiết xử lý được nhiều người mới là tốt, mà quan trọng phải tăng cường đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính; nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn. Tham nhũng, tiêu cực xảy ra do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên việc xử lý phải hết sức biện chứng, chặt chẽ, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ; từ đó xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích; xử lý nghiêm hành vi sai phạm của những người vì động cơ vụ lợi, cá nhân, đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
V.I.Lênin đã nhấn mạnh: “Nếu còn có thể hối lộ được thì cũng không thể nói đến chính trị được. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tế nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành. Trong những điều kiện đó, không thể làm được một thứ chính trị nào hết; người ta không có cái điều kiện cơ bản để có thể làm chính trị được”. Vận dụng tư tưởng của Lê Nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch… Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi”(15). Như vậy, quan điểm định hướng vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí minh đã được thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều đó không chỉ thể hiện sự vận dụng sáng tạo, phù hợp của Đảng và nhân dân về kiểm soát quyền lực mà còn là quyết tâm chính trị cao, sự kiên quyết, đồng lòng và niềm tin sắt son của nhân dân vào thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
(1) C.Mác và PhĂngghen, Toàn tập, T.19, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 46. (2) V.I.Lênin, Toàn tập, T.33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.141. (3) V.I.Lênin, Toàn tập, T.37, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr. 511. (4) V.I.Lênin, Toàn tập, T.44, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 486. (5) V.I.Lênin, Toàn tập, T.38, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 115. (6) V.I.Lênin, Toàn tập, T.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.350, 214. (7) V.I.Lênin, Toàn tập, T.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.350, 214. (8) V. I. Lê-nin, Toàn tập, T.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 346. (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr. 637. (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.15, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr. 293. (11) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia, H.2023, tr. 39. (12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, T.1, tr. 42. (13) Nguyễn Phú Trọng, sđd, tr. 321. (14) Nguyễn Phú Trọng, sđd, tr. 35. (15) Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.192-193. |
Tài liệu tham khảo 1. PGS.TS Đỗ Xuân Tuất, Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, https:// tcnn.vn/news/detail/57282/Quan-diem-cua-chu-nghia-Mac-Lenin-ve-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac- can-bo.html 2. Ban Nội chính Trung ương, Hội thảo, Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp, Hà Nội 21/01/2021. 3. Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, https://nhandan.vn/ket-luan-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-thu-21-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-post683148.html |
PGS.TS TRƯƠNG THỊ HỒNG HÀ
Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp
Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Ban Nội chính Trung ương
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất