(LSVN) - Đoàn Luật sư liên bang (Đoàn LSLB) là đoàn Luật sư lớn nhất trong 29 đoàn Luật sư của CHLB Đức, được thành lập vào năm 1959, có trụ sở tại thủ đô Berlin; năm 1991 đặt văn phòng đại diện tại Bruessel (Bỉ) trong quá trình phát triển và hợp tác quốc tế về lĩnh vực tư vấn và giải quyết tranh chấp pháp luật, trước hết tại Liên minh Châu Âu.
Đoàn LSLB là một tổ chức quy mô lớn, quy tụ gần 166.000 Luật sư trên mọi miền nước Đức. Như vậy, nếu tính trung bình, mỗi đoàn Luật sư có khoảng 5.725 thành viên. Tuy nhiên, một số đoàn Luật sư đặt trụ sở tại thành phố lớn có số thành viên vượt trội như Berlin (14.573), Frankfurt am Main (19.549), Muenchen (22.482), Hamm (13.559)… Duy nhất, chỉ có Đoàn Luật sư tại Tòa án tối cao liên bang có số lượng hạn chề gồm 39 thành viên.
Điều đáng nói là, nghề Luật sư là nghề tự do, thế nhưng Đoàn LSLB lại là một tổ chức thuộc sự điều chỉnh của luật công cũng như đối với các cơ quan nhà nước liên bang: Quốc hội, Hội đồng liên bang, các bộ và Tòa án cấp liên bang. Qua đó cho thấy, khi một nhà nước pháp quyền thực thụ, đặc biệt là Nhà nước pháp quyền xã hội Đức, trong đó pháp luật giữ vị trí “độc tôn”, được thực thi hiệu quả thì vị trí, vai trò của Luật sư nói riêng và lực lượng bảo vệ pháp luật, công lý nói chung cũng xứng tầm, tương thích.
Những quy định chung về Đoàn Luật sư liên bang
Cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động
Đoàn LSLB được tổ chức và hoạt động trên cơ sở quy định của Luật Luật sư liên bang 1959 (LLS Đức 1959). Sự trùng hợp thật lý thú khi cùng năm 1959, LLS Đức 1959 được ban hành cũng là năm Đoàn LSLB được thành lập. LLS Đức 1959 dành hẳn Phần thứ chín (trong số 13 phần), được chia thành 03 chương, 03 tiết, 22 Điều để quy định về tổ chức này.
Về cơ cấu, Đoàn LSLB là sự hội tụ trong phạm vi quốc gia từ 28 đoàn Luật sư khác của CHLB Đức. Điều lệ Đoàn LSLB (sau đây gọi là Điều lệ) quy định trụ sở của Đoàn LSLB đặt tại thủ đô Berlin, trái tim của nước Đức.
Bộ Tư pháp liên bang thực hiện chức năng giám sát Đoàn LSLB. Nội dung trọng tâm cần giám sát là việc thực thi LLS Đức 1959 và Điều lệ, mức độ tuân thủ các quy định, đặc biệt là việc hoàn thành những nghĩa vụ mà Đoàn LSLB được giao theo quy định tại Điều 176.
Nhiệm vụ của Đoàn Luật sư liên bang
Đoàn LSLB thực hiện những nhiệm vụ mà LLS Đức 1959 quy định tại Điều 177: Một là, những vấn đề liên quan đến cái chung của các đoàn Luật sư, đặc biệt là nhận biết quan điểm, trên cơ sở đó trao đổi tập thể nhằm xác định quan điểm của đa số Luật sư; Hai là, trong mọi trường hợp, những công việc liên quan đến cái chung của các đoàn Luật sư cần có sự hội tụ về quan điểm của Đoàn LSLB hướng đến sự tương thích rõ nét với tòa án và cơ quan chức năng có thẩm quyền; Ba là, đại diện cho cái chung của các đoàn Luật sư trước cơ quan công quyền và các tổ chức; Bốn là, thực hiện việc thẩm định mà cơ quan, tổ chức công quyền ở cấp liên bang tham gia soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc Tòa án liên bang yêu cầu; Năm là, thúc đẩy việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của Luật sư; Sáu là, giúp đỡ phương thức truyền tải điện tử truyền thông của Luật sư với Tòa án và cơ quan công quyền.
Đóng góp ngân quỹ của Đoàn Luật sư liên bang
Mặc dù Đoàn LSLB là một tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của luật công, như thế không có nghĩa tổ chức này được hưởng ngân sách nhà nước; vì vậy, để duy trì hoạt động thường xuyên cần phải có ngân quỹ ổn định lâu dài. Theo quy định tại khoản 1 Điều 178 LLS Đức 1959, các đoàn Luật sư phải đóng góp vào ngân quỹ của Đoàn LSLB để đáp ứng các nhu cầu hoạt động về nhân sự và công việc. Mức đóng góp do hội nghị toàn thể quyết định.
Trong trường hợp cần thiết, hội nghị toàn thể có thể cân nhắc giảm nhẹ cho các đoàn luật sư có điều kiện kinh tế và tài chính hạn chế.
Các cơ quan của Đoàn Luật sư liên bang
Đoàn chủ tịch
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Đoàn LSLB được LLS Đức 1959 quy định từ Điều 179 đến Điều 184.
Đoàn LSLB có Đoàn chủ tịch. Đoàn chủ tịch được cơ cấu bởi Chủ tịch Đoàn LSLB, ít nhất là 03 Phó Chủ tịch và 01 người quản lý ngân quỹ. Đoàn chủ tịch có quy chế làm việc nhằm tối ưu hóa guồng máy công việc. Trong trường hợp cần thiết, hội nghị toàn thể có thể quyết định bầu thêm Phó Chủ tịch.
Đoàn Chủ tịch của Đoàn LSLB được hội nghị toàn thể bầu trong số các Luật sư và có thể được bầu lại sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nếu là thành viên của Ban chấp hành. Những vấn đề cụ thể được quy định trong Điều lệ (Điều 180). Tuy nhiên, một Luật sư có quyền từ chối được bầu để trở thành thành viên Đoàn chủ tịch, nếu tròn 35 tuổi và 04 năm cuối đã giữ cương vị này.
Nhiệm kỳ của thành viên Đoàn Chủ tịch là 04 năm. Trường hợp một thành viên vì lý do nào đó không tham gia được hết nhiệm kỳ thì hội nghị toàn thể bầu một thành viên mới thay thế cho thời gian còn lại (Điều 182).
Một Luật sư là thành viên của Đoàn Chủ tịch được rời khỏi vi trí này, mặc dù chưa kết thúc nhiệm kỳ, nếu Luật sư đó không còn là thành viên của ban chấp hành một đoàn Luật sư hoặc, nếu Luật sư đó không còn hành nghề. Cả hai trường hợp, Luật sư phải tuyên bố bằng văn bản (không được rút lại) về việc không còn là thành viên Đoàn Chủ tịch và gửi cho Đoàn Chủ tịch của Đoàn LSLB.
Thành viên Đoàn chủ tịch làm việc kiêm nhiệm, thực hiện công việc không có thù lao; tuy nhiên, được hưởng một khoản tiền bù đắp chi phí bỏ ra liên quan đến công việc và chi phí tàu xe đi lại theo quy định tại Điều 183 LLS Đức 1959. Pháp luật chuyên ngành của Đức quy định nghĩa vụ im lặng (giữ bí mật nghề nghiệp) khá phổ biến. Thành viên Đoàn Chủ tịch và các cán bộ, nhân viên của Đoàn LSLB cũng không là ngoại lệ (Điều 76 LLS Đức 1959).
Nhiệm vụ của Chủ tịch đoàn Đoàn Luật sư liên bang
Chủ tịch Đoàn LSLB đại diện cho Đoàn LSLB trên phạm vi khá rộng, trong và ngoài tòa án; là cầu nối giao dịch công việc của Đoàn LSLB và Đoàn Chủ tịch, chịu trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Đoàn Chủ tịch và Hội nghị toàn thể các đoàn Luật sư; chủ trì các cuộc họp của Đoàn Chủ tịch và là chủ tọa của Hội nghị toàn thể (Điều 185).
Hàng năm, Chủ tịch Đoàn LSLB báo cáo bằng văn bản với Bộ Tư pháp liên bang về kết quả công tác của Đoàn LSLB và Đoàn chủ tịch. Chủ tịch Đoàn LSLB có thể được giao những nhiệm vụ khác được quy định trong Điều lệ.
Nhiệm vụ của người quản lý ngân quỹ
Người quản lý ngân quỹ của Đoàn LSLB phải tuân thủ hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch và các quy định pháp luật liên quan, có quyền nhận các khoản tiền đóng góp; hàng năm phải báo cáo bằng văn bản về thu chi ngân quỹ trước hội nghị toàn thể theo quy định tại Điều 186 LLS Đức 1959.
Hội nghị toàn thể
Đoàn LSLB ban hành đều đặn các nghị quyết trong hội nghị toàn thể (HNTT). HNTT do Chủ tịch Đoàn LSLB triệu tập bằng văn bản. Trong HNTT, Chủ tịch các đoàn Luật sư là thành viên đại diện có quyền biểu quyết để thông qua nghị quyết thường niên (Điều 187). Trường hợp cần thiết, một thành viên ban chấp hành đoàn Luật sư có thể đại diện cho Chủ tịch đoàn Luật sư tham dự HNTT.
Trường hợp bất thường, Chủ tịch Đoàn LSLB có thể tổ chức HNTT, nếu ít nhất có 03 đoàn Luật sư có giấy đề nghị và đưa ra những nội dung phù hợp cần bàn bạc, quyết định trong hội nghị.
Giấy mời tham dự HNTT phải đưa ra nội dung cần ban hành nghị quyết. Chậm nhất là 03 tuần trước ngày khai mạc hội nghị, các thành phần tham dự phải nhận được giấy mời; tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Đoàn LSLB có thể triệu tập HNTT với thời hạn ngắn hơn và giấy mời không cần đưa ra nội dung hội nghị cụ thể (Điều 189).
Các nghị quyết của hội nghị toàn thể
Theo quy định tại Điều 190 LLS Đức 1959, mỗi đoàn Luật sư có một phiếu bầu. Điều kiện để HNTT thông qua nghị quyết được quy định trong Điều lệ; về cơ bản, theo nguyên tắc đa số (quá bán) tán thành. Quy định này cũng được áp dụng cho việc bầu trong HNTT.
Đối với nghị quyết ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế của một số đoàn Luật sư thì phải được sự nhất trí của toàn thể hội nghị. Kết quả ban hành nghị quyết và bầu trong HNTT phải được ghi vào biên bản do Chủ tịch Đoàn LSLB và một phó chủ tịch kiêm thư ký hội nghị ký.
Hội nghị ban hành Quy chế nghề nghiệp
Theo quy định tại Điều 191a LLS Đức 1959, Đoàn LSLB tổ chức hội nghị ban hành Quy chế nghề nghiệp mà nội dung cơ bản là quyền và nghĩa vụ của luật sư trong khi hành nghề, cụ thể như: Tận tâm phục vụ; Bảo toàn tính độc lập; Nghĩa vụ giữ bí mật; Tính chính xác; Cấm đại diện cho các lợi ích xung đột, nhất là trong các phiên tòa hình sự; Cẩn trọng, trách nhiệm; Nghĩa vụ thành lập và duy trì hoạt động văn phòng Luật sư.
Tỉ lệ thành viên có quyền biểu quyết và bầu theo quy định tại Điều 191b LLS Đức 1959 được xác định theo số lượng thành viên các đoàn luật sư với tỉ lệ 1/2000 (Luật sư có quyền biểu quyết tại hội nghị ban hành Quy chế nghề nghiệp đại diện cho 2.000 Luật sư khác). Thời điểm thích hợp để ước tính tổng số thành viên tất cả các đoàn Luật sư là ngày 01 tháng 01 của năm tổ chức hội nghị.
Những thành viên có quyền bầu trong hội nghị ban hành Quy chế nghề nghiệp được các đoàn Luật sư đề cử; về nguyên tắc, sử dụng phương thức bầu trực tiếp và bỏ phiếu kín, tuy nhiên cũng có thể thực hiện qua hệ thống điện tử truyền thông.
Triệu tập hội nghị và quyền biểu quyết
Theo quy định tại Điều 191c, hội nghị ban hành Quy chế nghề nghiệp do Chủ tịch Đoàn LSLB triệu tập bằng văn bản. Chủ tịch Đoàn LSLB phải triệu tập hội nghị, nếu ít nhất có 05 đoàn Luật sư hoặc 1/4 các thành viên có quyền bầu trong hội nghị có đề nghị bằng văn bản và đưa ra những vấn đề cần bàn bạc, quyết định trong hội nghị này.
Chủ tịch Đoàn LSLB làm chủ tọa hội nghị ban hành Quy chế nghề nghiệp và quyết định chọn Thư ký trong số các thành viên của Hội nghị (Điều 191d). Hội nghị ban hành Quy chế nghề nghiệp có quyền ban hành Nghị quyết, nếu 3/5 các thành viên có quyền biểu quyết tán thành.
Các Nghị quyết phải được ghi vào biên bản, có chữ ký của Chủ tịch Đoàn LSLB và Thư ký hội nghị, sau đó được lưu giữ tại Đoàn LSLB.
Cơ quan giám sát, kiểm tra nghị quyết
Theo quy định tại Điều 191e LLS Đức 1959, Chủ tịch đoàn của Hội nghị ban hành Quy chế nghề nghiệp phải gửi cho Bộ Tư pháp liên bang các Nghị quyết được ban hành trong Hội nghị dẫn đến việc ban hành Quy chế nghề nghiệp. Trên cơ sở thẩm quyền giám sát, Bộ Tư pháp liên bang có quyền hủy toàn bộ hoặc một phần nghị quyết trong thời hạn 03 tháng, kể từ khi nhận được hồ sơ, đồng thời kiểm tra liệu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan của Liên minh Châu Âu có được tuân thủ trong nội dung các Nghị quyết hay không.
Nghị quyết sẽ được cơ quan báo chí của Đoàn LSLB xuất bản công khai, có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ ba, kể từ tháng xuất bản, nếu không thuộc trường hợp bị Bộ Tư pháp liên bang hủy bỏ.
Hòa giải
Theo quy định tại Điều 191f LLS Đức 1959, tại Đoàn LSLB có một “điểm hòa giải” độc lập để hòa giải những tranh chấp giữa thành viên của các đoàn Luật sư và những người ủy nhiệm (thân chủ) của họ.
Chủ tịch Đoàn LSLB cử một hoặc nhiều hòa giải viên. Hòa giải viên có thể làm việc riêng lẻ (phải có năng lực Thẩm phán theo quy định của Luật Thẩm phán Đức) hoặc theo Hội đồng hòa giải.
Trong trường hợp Hội đồng hòa giải thực hiện giải quyết tranh chấp thì ít nhất phải có một Thẩm phán. Hội đồng hòa giải được cơ cấu tối đa 50% là Luật sư; các thành viên còn lại hiện tại và trước đó 03 năm không được là Luật sư. Thành viên của hội đồng hòa giải không được đồng thời là thành viên ban chấp hành của đoàn Luật sư hoặc hiệp hội Luật sư nào đó và đương nhiên không được làm việc chính thức hoặc không chính thức tại Đoàn LSLB.
Hội đồng tư vấn là tổ chức quan trọng, được thành lập bao gồm đại diện của Đoàn LSLB, các đoàn Luật sư, Hiệp hội Luật sư và Hiệp hội người tiêu dùng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 191f, trước khi cử hòa giải viên và sửa đổi Điều lệ, Hội đồng tư vấn phải được thông báo và đưa ra quan điểm.
Hội nghị toàn thể của Đoàn LSLB quy định chi tiết trong Điều lệ về tổ chức của “điểm hòa giải”, việc thành lập, bổ nhiệm thành viên và nhiệm vụ của hội đồng tư vấn; việc cử hòa giải viên, phân chia công việc và thủ tục hòa giải với các tiêu chí: các bên tham gia hòa giải tranh chấp được miễn phí; chỉ hòa giải về tranh chấp tài sản có giá trị đến 15.000 Euro; việc hòa giải không được phụ thuộc vào một thủ tục trung gian khác.
NGUYỄN QUANG DU