/ Tin tức
/ Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ tên gọi như hiện hành

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ tên gọi như hiện hành

21/09/2022 02:34 |2 năm trước

(LSVN) - Phát biểu tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị giữ tên gọi như hiện hành và cho rằng việc giữ tên gọi không làm ảnh hưởng việc bổ sung phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quá trình và kết quả chuẩn bị dự án luật này của Chính phủ và nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với nhiều điểm mới và nội dung chính sách dày dặn. Việc xây dựng dự án luật này có thuận lợi với cơ sở chính trị vững chắc là tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, dự án Luật tiếp tục được hoàn thiện để trình với Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 theo đúng tiến độ.

Góp ý về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với quan điểm giữ tên gọi của luật như hiện hành là Luật Hợp tác xã. Chủ tịch Quốc hội lý giải, tên gọi "hợp tác xã" gắn với lịch sử phát triển của nước ta rất nhiều, bên cạnh Luật Doanh nghiệp có Luật Hợp tác xã, qua các năm như Luật Hợp tác xã 1996, Luật Hợp tác xã 2003, Luật Hợp tác xã 2012. Quốc tế có Liên minh Hợp tác xã, khu vực châu Á Thái Bình Dương đều có tổ chức này. Tên luật đã thành thói quen, cả trong truyền thông, pháp luật, nếu giữ nguyên sẽ tạo thuận lợi trong dẫn chiếu.

Đồng thời, việc giữ tên gọi Luật Hợp tác xã cũng không ngăn cấm việc bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng Luật Quản lý thuế có phạm vi điều chỉnh bao gồm thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước, nhiều khoản không phải thuế nhưng vẫn đưa vào trong Luật Quản lý thuế. Luật Đầu tư công bên cạnh quy định về đầu tư công, kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn điều chỉnh quy định về các khoản thu của các đơn vị sự nghiệp. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quy định về doanh nghiệp cũng có quy định về hộ kinh doanh tạo cơ sở để Chính phủ điều chỉnh tiếp. Như vậy, bản thân tên Luật Hợp tác xã cũng không ngăn cản việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Do đó, không nhất thiết phải sửa tên luật.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nếu nhất thiết cần phải sửa thì cũng sẽ không câu nệ, song điều quan trọng là sửa đổi bảo đảm thuận lợi, không ảnh hưởng đến việc thiết kế chính sách trong dự án luật.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phạm vi của luật chủ yếu tập trung vào nội hàm hợp tác xã. Đối với tổ hợp tác đã có quy định tại Bộ luật Dân sự và Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định về hình thức tổ hợp tác.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, luật này cần có thêm quy định về nguyên tắc cho tổ hợp tác, bảo đảm không trái với Bộ luật Dân sự làm căn cứ cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 77/2019/NĐ-CP.

PV

Hệ thống xác nhận nhập học trực tuyến gặp lỗi, Bộ GD&ĐT nói gì?

Lê Minh Hoàng
LSVN