/ Pháp luật - Đời sống
/ Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): ĐBQH đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): ĐBQH đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước

26/10/2023 13:45 |

(LSVN) - Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Theo đó, Ban soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước,…

Ảnh minh họa.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). 

Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước. Ban soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước,…

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng của nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác, cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.

Đại biểu lấy ví dụ tại điểm 3 Điều 43 chưa phân định rõ thẩm quyền của hai cơ quan là Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; cũng như chưa rõ về cơ chế phối hợp để rà soát và việc khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt. Do đó, đại biểu đề nghị cần tách riêng thẩm quyền của hai cơ quan để tránh chồng chéo trong quản lý.

Ngoài ra, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị cần chỉ rõ pháp luật về bảo vệ môi trường gồm những luật gì, bởi tại khoản 3 Điều 59 đã nêu việc sử dụng nước thải và tái sử dụng nước được thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đại biểu, để áp dụng thống nhất trong hệ thống pháp luật cần phải quy định rõ hơn. Đồng thời, cần cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của cá nhân tổ chức được cấp giấy phép về tài nguyên nước do chưa có quy định về vấn đề này cũng như bổ sung phạm vi hoạt động của từng loại giấy phép.

Quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng công tình cấp nước sinh hạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh bày tỏ nhất trí cao với quy định về bổ sung trách nhiệm theo dõi bảo vệ của Bộ Công an đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn, nguồn nước khai thác là các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia. Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm và thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị làm rõ giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp hay giao hẳn nhiệm vụ này cho Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan mà sẽ được giao trách nhiệm bảo vệ, xây dựng tổ chức thực hiện phương án bảo vệ rõ hơn trong quy định của Điều 26 dự thảo Luật. 

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 45 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt phải thông báo, cảnh báo về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; phải kiểm soát, theo dõi, giám sát và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước;…

Dự thảo Luật quy định chặt và cũng rất rộng. Đại biểu cho biết, hiện nay các nội dung này thực hiện theo quy định của Thông tư 17 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa qua cho thấy có nhiều khó khăn hạn chế trong tổ chức thực hiện, cần rà soát quy định trách nhiệm chặt chẽ hơn nữa trong các điều luật liên quan, đồng thời, cần giao cho Chính phủ các quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ, biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác.

PV

Bùi Thị Thanh Loan