Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bỏ đề xuất bất lợi với người lao động

25/09/2024 11:01 | 2 ngày trước

(LSVN) - Việc loại bỏ đề xuất gây bất lợi cho người lao động thể hiện sự tiếp thu, cầu thị của ban soạn thảo, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, góp phần xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn.

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hướng đến khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động.

Qua đó, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động.

Dự thảo dự kiến sẽ được xem xét và thông qua vào năm 2025 kỳ vọng giúp bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò bảo vệ người lao động cũng như thị trường lao động.

Một trong những điểm của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được nhiều người quan tâm là quy định về việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo quy định hiện hành tại Luật Việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định trên đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, tại Điều 111 của dự thảo quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 Luật này theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động;

- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;

- Người lao động hưởng lương hưu; Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Trong đó, đề xuất người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cả doanh nghiệp, người lao động và các chuyên gia lao động.

Theo quy định này, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, chỉ cần tuân thủ đúng thời gian báo trước theo quy định. Do vậy, đề xuất trên không chỉ mâu thuẫn với tinh thần của Bộ luật Lao động mà còn hạn chế quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp thu ý kiến, ban soạn thảo đã chỉnh sửa và đưa ra dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới, loại bỏ điều khoản vô lý này.

Ngoài ra, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng đã mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên (hiện nay từ 03 tháng trở lên); Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thấp nhất, thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), thay mặt cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều quy định được sửa đổi trong dự thảo Luật chưa có căn cứ thuyết phục; chưa so sánh đầy đủ lợi ích, chi phí để xác định giải pháp phù hợp hoặc tối ưu để định hướng quy định, sửa đổi, bổ sung. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp…

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu góp ý, dự thảo Luật đã đề cập đến chính sách về chuyển đổi nghề theo hướng giảm thâm dụng lao động, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; nhưng còn “mỏng”, trong khi đây lại là yếu tố rất quan trọng để giữ chân và thu hút được đầu tư nước ngoài. Về đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị bổ sung người lao động bị mất việc sau thiên tai, khủng hoảng…

QUÝ NGUYỄN

Đề xuất người có hợp đồng lao động từ 1 tháng cũng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp