/ Tích hợp văn bản mới
/ Dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Dự thảo đề xuất quy định việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Ảnh minh họa.

Theo dự thảo, đối tượng của việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật là lĩnh vực pháp luật được Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn theo dõi tình hình thi hành pháp luật hằng năm.

Theo đó, Bộ Tư pháp xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước căn cứ kết quả kết quả theo dõi thi hành pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bộ, cơ quan ngang bộ xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ đối với lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật được lựa chọn hằng năm và lĩnh vực trọng tâm, liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành hằng năm nếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình. Cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.

Ủy ban nhân dân các cấp xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương đối với lĩnh vực trọng tâm theo dõi tình hình thi hành pháp luật được lựa chọn hằng năm của Ủy ban nhân dân và lĩnh vực trọng tâm, liên ngành do Thủ tướng Chính phủ ban hành hằng năm.

Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh huyện,công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực do cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực cấp trên của mình xem xét, quyết định hằng năm. Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu, giúp người đứng đầu cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.

Dự thảo đã đề xuất quy định xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy pháp pháp luật gồm 3 điều; xem xét, đánh giá tình hình đảm bảo điều kiện cho thi hành pháp luật gồm 3 điều; xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật gồm 4 điều…

Về xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật, dự thảo nêu rõ, mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong thi hành, áp dụng lĩnh vực pháp luật được đánh giá trên cơ sở xem xét các nội dung cơ bản sau: Mức độ, tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ/chỉ tiêu theo đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thi hành lĩnh vực pháp luật; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về việc hướng dẫn thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật (bao gồm cả dịch vụ hành chính công) của cơ quan nhà nước, công chức có thẩm quyền; mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức về việc hướng dẫn thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật (bao gồm cả dịch vụ hành chính công) của cơ quan nhà nước, công chức có thẩm quyền được xem xét, đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Mức độ vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước/người có thẩm quyền được đánh giá trên cơ sở xem xét các nội dung cơ bản sau: Số vụ khiếu nại, tố cáo và khởi kiện hành chính đối với cơ quan, người có thẩm quyền thi hành lĩnh vực pháp luật; số vụ/người có thẩm quyền vi phạm pháp luật được xác định qua kết quả thanh tra thi hành lĩnh vực pháp luật; số vụ/cán bộ công chức bị cơ quan hành chính có thẩm quyền kết luận có vi phạm pháp luật/trên tổng số khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ tăng giảm so với năm trước; số vụ/cán bộ công chức bị Toà hành chính tuyên có vi phạm pháp luật trên tổng số khởi kiện; tỷ lệ tăng giảm so với năm trước; số vụ/bị cáo là cán bộ viên chức bị tuyên có tội liên quan luật/lĩnh vực pháp luật; tỉ lệ tăng giảm so với năm trước; số vụ yêu cầu bồi thường nhà nước liên quan đến thi hành lĩnh vực, tổng số tiền phải bồi thường do người có thẩm quyền vi phạm pháp luật.

Trách nhiệm giải trình của cơ quan/người có thẩm quyền tổ chức thi hành luật/ lĩnh vực pháp luật được đánh giá trên cơ sở xem xét các nội dung cơ bản sau: Số lượng, thời hạn, chất lượng báo cáo giải trình của cơ quan nhà nước/người có thẩm quyền về trách nhiệm, việc xử lý vi phạm và giải pháp khắc phục các hệ quả do các quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật trong thi hành luật/lĩnh vực pháp luật; tính kịp thời, đầy đủ, minh bạch trong việc giải trình của cơ quan nhà nước/người có thẩm quyền về căn cứ pháp luật, trách nhiệm pháp lý trong thi hành, áp dụng pháp luật cũng như giải trình về kết quả xử lý vi phạm và giải pháp khắc phục hệ quả của các quyết định, hành vi áp dụng trái pháp luật.

Tình hình tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức được đánh giá trên cơ sở xem xét các nội dung cơ bản sau: Mức độ thực hiện quyền, nghĩa vụ thông qua sử dụng dịch vụ hành chính công được đánh giá trên cơ sở xem xét số lượng và tỷ lệ tăng/giảm đối tượng được cung cấp dịch vụ hành chính công trong thi hành lĩnh vực pháp luật.

Mức độ vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân được đánh giá trên cơ sở xem xét số vụ, số đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực; tỉ lệ tăng giảm so với năm trước; tổng số vụ án hình sự/số bị cáo đã xử liên quan tới lĩnh vực; tỉ lệ tăng/giảm so với năm trước.

MINH HIỀN

/cac-truong-hop-nguoi-lao-dong-khong-duoc-tro-cap-thoi-viec-tu-01-01-2021.html