/ Nghề Luật sư
/ Đừng để hai chữ hứa thưởng trở thành gánh nặng trong hành trang nghề luật sư

Đừng để hai chữ hứa thưởng trở thành gánh nặng trong hành trang nghề luật sư

27/11/2023 10:37 |

(LSVN) - Tại Việt Nam, thời gian vừa qua thực tế đã có một số tranh chấp giữa khách hàng và Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư liên quan đến phương pháp tính thù lao Luật sư và thời điểm thanh toán thù lao Luật sư. Trong đó, nổi lên vấn đề trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có sử dụng cụm từ “hứa thưởng”.

Ảnh minh họa.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư với khách hàng là quan hệ song vụ, còn hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương của một bên. Do vậy, về nguyên tắc các thỏa thuận, tổ chức hành nghề Luật sư ký kết và cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ pháp lý. Mọi thỏa thuận về tiền, lợi ích vật chất khách hàng phải trả cho Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư là thù lao Luật sư.

Pháp luật có quy định mức thù lao được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 55 Luật Luật sư năm 2006. Thỏa thuận về mức thù lao mức thù lao được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng cũng phù hợp nội dung Quy tắc 8 quy định về thù lao và không thuộc một trong các trường hợp vi phạm điều cấm quy định tại Quy tắc 9. Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Cách tính thù lao này là một cách tính thông dụng, phổ biến trong quan hệ Luật sư, khách hàng không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Thông thường tâm lý chung của khách hàng đến nhờ Luật sư trong các vụ án kinh doanh thương mại, dân sự,… thường sẽ chỉ đồng ý trả cho Luật sư một số lượng thù lao nhất định, khoản thù lao này thường sẽ chỉ tương ứng với những chi phí tối thiểu để Luật sư thực hiện hoặc tổ chức hành nghề luật sư có thể trả cho Luật sư để thực hiện các dịch vụ pháp lý. 

Khách hàng thường tâm lý và mong chờ Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý tận tâm, tận tình có chất lượng. Do đó, ban đầu khách hàng sẽ chỉ trả Luật sư một khoản tiền nhỏ, và sẽ tiếp tục thanh toán cho Luật sư trong quá trình thực hiện hợp đồng, khoản tiền này đôi khi rất khó định nghĩa bằng một mức độ nhất định đặc biệt khi vụ việc chưa được giải quyết xong. Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý xong theo thỏa thuận mà đạt được kết quả cao, đạt được những mong muốn của khách hàng và đạt được những mục tiêu mà các bên đã đề ra, khi đó khách hàng thường sẽ mới chính thức thanh toán cho Luật sư một khoản thù lao lớn mà thông thường các bên hay còn được gọi là hứa thưởng hay phí thành công,…

Khách hàng thường hiểu đây là khoản tiền trả thêm cho Luật sư căn cứ vào số tiền lợi ích vật chất mà khách hàng được nhận thông qua vụ kiện, có thể căn cứ vào sự thỏa mãn của khách hàng với hoạt động Luật sư hoặc đơn giản là Luật sư đã làm đúng làm đủ chức năng, nhiệm vụ công việc của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng. 

Luật sư thường hiểu đây là nghĩa vụ thanh toán của Luật sư đến thời điểm phải thanh toán với tính chất là khoản thù lao được tính theo tỷ lệ phần trăm giá ngạch, giá trị vụ kiện đi kèm với tỷ lệ thành công Luật sư đã thực hiện cho khách hàng. 

Yêu cầu đặt ra là thỏa thuận này phải được thể hiện rõ ràng, minh bạch hợp đồng dịch vụ pháp lý giải thích cho khách hàng hiểu. Việc trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc trong thoả thuận với khách hàng có sử dụng cụm từ “hứa thưởng” có thể dẫn đến việc khách hàng hiểu thỏa thuận này theo cách hiểu dân gian hoặc cách hiểu trong quan hệ dân sự nôm na là việc cho thêm, thưởng thêm, có thể thực hiện hoặc không thực hiện… từ đó dẫn đến tranh chấp bất đồng khi phải thực hiện.

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật còn cách hiểu, vận dụng khác nhau đối với nội dung này, do vậy cần nghiên cứu, kiến nghị cụ thể, rõ ràng, khoa học và phù hợp thông lệ quốc tế để luật hóa thỏa thuận này trong tương lai.

Nhưng trước hết và trên hết nghề Luật sư là nghề cao cả, có tính chất nghĩa hiệp, hoạt động Luật sư không chỉ hướng đến kết quả, lợi ích vật chất cho khách hàng mà còn hướng đến việc góp phần bảo vệ công lý, công bằng trong xã hội. Thiết nghĩ, Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư không nên sử dụng cụm từ hứa thưởng với khách hàng. Đặc biệt hoạt động Luật sư không cho phép việc lợi dụng thỏa thuận về thù lao để hứa hẹn kết quả, lôi kéo khách hàng hoặc để phục vụ cho những thỏa thuận ngầm, phục vụ cho những công việc như móc ngoặc, kết nối trái pháp luật dưới hình thức “hứa thưởng” và đừng để hai chữ hứa thưởng trở thành gánh nặng trong hành trang nghề luật sư. 

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Bùi Thị Thanh Loan